7. Khung lý thuyết
3.1. Những tiêu chí quan trọng của nhà tuyển dụng khi đánh giá
Đảng và Nhà nước ta luôn hướng đến mục tiêu xây dựng, cải cách nền giáo dục đại học nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội và công cuộc phát triển đất nước thời kỳ đổi mới. Trong bối cảnh hiện nay, khi giáo dục đại học đang có những biểu hiện bất cập về chất lượng đào tạo đã được chính những người làm công tác giáo dục Đại học thừa nhận [23] thì vấn đề về đầu ra ở bậc đại học càng nhận được sự quan tâm của xã hội. Sự phù hợp giữa việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp Đại học với ngành nghề được đào tạo không chỉ thể hiện mục tiêu quan trọng của giáo dục Đại học là đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội và đào tạo gắn với sử dụng mà còn là cái đích cần hướng đến của quá trình đào tạo. Có thể hiểu, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội là trình độ của sinh viên sau khi tốt nghiệp phải đáp ứng được sự mong đợi, kỳ vọng của nhà tuyển dụng lao động và việc các trường đại học đào tạo đúng ngành nghề xã hội có nhu cầu sẽ tránh được tình trạng đào tạo thừa, gây lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Muốn vậy, các trường đại học cũng như sinh viên cần nắm vững được yêu cầu của nhà tuyển dụng để đề ra những chương trình đào tạo phù hợp nhằm rèn luyện cho sinh viên. Bên cạnh các kiến thức chuyên môn cần có được trang bị trong trường đại học, các sinh viên mới tốt nghiệp thường khó kiếm việc làm vì thiếu đi các kỹ năng trong công việc. Có rất nhiều nhóm kỹ năng mà một người lao động tri thức cần có. Trước những yêu cầu cấp bách của thực tế, mối liên hệ
giữa các trường Đại học trong cả nước với các đơn vị sử dụng lao động đã được thúc đẩy thường xuyên hơn nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu xã hội. Mặc dù vậy, có thể thấy rằng, cho đến nay quá trình đào tạo của giáo dục Đại học vẫn đang có mất cân đối giữa đầu vào và đầu ra, việc đặt nặng vấn đề đầu vào nhưng lại thiếu sự sàng lọc đầu ra đã dẫn đến tình trạng số sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học không có đủ khả năng làm việc trong lĩnh vực mình được đào tạo, không đáp ứng được mong đợi của nhà tuyển dụng lao động đang ngày càng phổ biến. Hay nói cách khác, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay ở nước ta.
Tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên nước ta hàng năm được duy trì ở mức độ thấp và hầu hết sinh viên đều tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường, tuy nhiên không phải tất cả đều xin được việc làm phù hợp, đúng với ngành nghề mình đã được học. Do đó, việc nắm rõ yêu cầu của nhà tuyển dụng về những kỹ năng cơ bản là chìa khóa để nhà trường và sinh viên có được hướng đào tạo và rèn luyện phù hợp với tiêu chí tuyển dụng. Những năm gần đây, nhà tuyển dụng lao động nói riêng và thị trường lao động nói chung đang dần thay đổi trong hình thức đánh giá cũng như tuyển dụng nhằm đáp ứng nhu cầu về nghề nghiệp ngày càng đa dạng của thực tiễn xã hội. Mỗi nhà sử dụng lao động có thể đưa ra rất nhiều các căn cứ khác nhau hoặc chỉ dựa vào một căn cứ duy nhất để tuyển dụng, đánh giá nhân viên nhưng nhìn ở góc độ thị trường lao động có ba yếu tố thường trực mà người lao động cần phải đạt bao gồm khả năng chuyên môn, khả năng tự đào tạo và kỹ năng mềm [11, tr.31].
Bảng 3.1: Phân loại mức độ quan trọng của các tiêu chí đối với nhà sử dụng lao động (%). Tiêu chí/Mức độ quan trọng Quan trọng nhất Quan trọng thứ hai Quan trọng thứ ba
Khả năng chuyên môn 71,7 20,8 7,5
Khả năng tự đào tạo 12,5 60 27,5
Kỹ năng mềm 18,3 27,5 54,2
Có thể thấy rằng, dù đánh giá mức độ quan trọng khác nhau thì cả 3 tiêu chí này vẫn là những tiêu chí cơ bản nhất mà mỗi nhà tuyển dụng lao động áp dụng để đánh giá và tuyển chọn nhân lực. Theo đó, phần lớn các nhà tuyển dụng coi khả năng chuyên môn của người lao động là tiêu chí quan trọng nhất (71,7%). Thực tế, khả năng chuyên môn là yếu tố đầu tiên để xem xét, lựa chọn xem người lao động có phù hợp với vị trí đang tuyển dụng hay không bởi lẽ chỉ khi được đào tạo đúng ngành nghề, chuyên môn thì người lao động mới có đủ năng lực và trình độ để đảm nhận và vận hành tốt công việc. Những kiến thức chuyên môn được trang bị trên giảng đường đại học sẽ là nền tảng, cơ sở để người lao động áp dụng vào thực tiễn công việc và tiếp thu những kiến thức mới trong quá trình làm việc. Do đó, chuẩn bị cho mình một vốn kiến thức chuyên môn vững vàng thông qua quá trình học tập, tìm tòi, nghiên cứu là điều hết sức cần thiết và là nhiệm vụ của mỗi một sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Việc nhà tuyển dụng lao động đề cao vai trò và coi khả năng chuyên môn là tiêu chí quan trọng nhất khi tuyển dụng sẽ tạo nên động lực để mỗi người phấn đấu, nỗ lực tiến thân bằng con đường học tập. Bên cạnh đó, khả năng tự đào tạo cũng là một tiêu chí được các nhà tuyển dụng đánh giá cao, xếp ở vị trí quan trọng thứ 2 sau khả năng chuyên môn với 60%. Có thể xem đây là khả năng tự học hỏi, không ngừng cập nhật để chiếm lĩnh và nâng cao vốn kiến thức của người lao động trong quá trình làm việc.
Tự đào tạo cũng có thể được hiểu là khả năng tích lũy, rèn luyện những thiếu hụt về kiến thức chuyên môn cũng như những kỹ năng cần thiết để thích ứng với môi trường làm việc, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thực tiễn công việc. Trong một ý nghĩa khác, tự đào tạo còn là khả năng hoàn thành những công việc không được đào tạo về chuyên môn trong nhà trường mà người ta thường gọi là làm trái nghề. Trong quá trình tự đào tạo, cá nhân phải tự mình suy nghĩ, tư duy, động não một cách tích cực, chủ động để biến các tri thức của nhân loại thành sở hữu của chính bản thân mình. Từ đó, có thể thấy khả năng tự đào tạo là yếu tố giúp mỗi cá nhân có thể tồn tại và phát triển trong môi trường làm việc cạnh tranh, áp lực và cũng là một lợi thế lớn để mỗi cá nhân khẳng định năng lực của bản thân. Bởi lẽ, trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, những kiến thức, bài học từ nhà trường dù cập thời đến đâu cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu học hỏi của người học cũng như đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn xã hội. Do đó, chỉ có bằng con đường tự học, tự đào tạo thì mỗi sinh viên mới có thể bồi đắp được những tri thức mình còn thiếu khuyết và dần hoàn thiện cho mình một năng lực toàn diện. Ngoài ra, kỹ năng mềm cũng được các nhà sử dụng lao động đánh giá là tiêu chí quan trọng thứ 3 (54,2%) khi tuyển dụng người lao động. Ở đây, có thể hiểu kỹ năng mềm là những kỹ năng chủ yếu thuộc về tính cách con người và không mang tính chuyên môn như kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, [29]…Sở dĩ nhà tuyển dụng quan tâm đến kỹ năng này bên cạnh những tiêu chí về khả năng chuyên môn và khả năng tự đào tạo là vì đây là chỉ báo, nhân tố quan trọng để đánh giá năng lực con người rất hiệu quả. Thực tế, ngày nay trình độ học vấn và bằng cấp chưa đủ để thuyết phục các nhà sử dụng lao động trong quyết định tuyển dụng, do đó người lao động cần thể hiện được những kỹ năng mềm như là lợi thế, ưu điểm riêng của bản thân để tạo ấn tượng đối với nhà tuyển dụng. Mặc dù được
coi là tiêu chí mới trong danh mục các kỹ năng cần có của người lao động khi tham gia tuyển dụng, tuy nhiên cho đến nay kỹ năng mềm đã trở thành một vấn đề “nóng hổi” của giáo dục đại học và nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội. Trong bối cảnh của nền kinh tế phát triển ngày càng năng động thì dường như yêu cầu về kỹ năng mềm lại càng tỏ rõ được “ưu thế” của mình trong tiêu chí tuyển dụng.
“Căn cứ tuyển dụng quan trọng nhất chính là khả năng chuyên môn, trước hết phải xem ngành học của người xin việc có đúng với nhu cầu tuyển dụng không, sau đó sẽ có những kiểm tra sơ bộ trước khi cho thử việc. Bên mình cũng quan tâm tới khả năng sáng tạo, tự thích nghi trong công việc của người lao động nhưng cái này cần phải có thời gian mới biết được. Kỹ năng mềm hiện tại là một trong những căn cứ quan trọng để tuyển dụng nhưng mà thực tế những kỹ năng này hiếm khi sinh viên được dạy trong nhà trường, nếu có học thường là tự học bên ngoài. Trước kia sinh viên thường đổ xô đi học ngoại ngữ với tin học còn hiện nay nhiều sinh viên đi học kỹ năng mềm”
(Nam, 45 tuổi, Giám đốc công ty, [11, tr.31]).
Những đánh giá của nhà tuyển dụng về chất lượng của lao động có trình độ Đại học là rất quan trọng. Đây là cơ sở để sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường có được định hướng trong hoạt động học tập và rèn luyện các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nhà sử dụng lao động cũng như thực tiễn xã hội.