Nguyên nhân từ đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ em vi phạm pháp luật

Một phần của tài liệu Thực trạng trẻ em vi phạm pháp luật ở Trung tâm Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình (Trang 74 - 96)

6. Giả thuyết và khung lý thuyết nghiên cứu

3.2.Nguyên nhân từ đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ em vi phạm pháp luật

Có thể nói, mỗi một đứa trẻ là một thế giới tâm hồn riêng biệt với nhiều màu sắc và trạng thái tâm lý khác nhau. Trẻ em vi phạm pháp luật cũng có đời sống tâm hồn rất phong phú, cũng có những nét hồn nhiên, thơ ngây và trong sáng. Tuy nhiên, do nhiều hoàn cảnh khác nhau đã khiến các em rơi vào con đường vi phạm pháp luật, mà hậu quả là để lại vết hằn trong tâm trí mà có lẽ rất khó có thể phai mờ. Cũng là ở lứa tuổi trẻ em nhưng tại sao trẻ em vi phạm pháp luật trong độ tuổi từ 12 đến 16 lại cao nhất, đặc biệt là lứa tuổi từ 14 đến dưới 16. Đây là độ tuổi chưa hoàn thiện về mặt nhận thức và thường có những bất ổn về tâm lý. Các em đang có những thay đổi cơ bản về thể chất và tâm sinh lý là đối tượng dễ bị tác động, bị tổn thương bởi môi trường xã hội trong thế giới luôn tồn tại những bất trắc, cạm bẫy. Các em thường có những cảm giác trống trải, lo lắng, băn khoăn về bản thân, hay giận hờn, dễ xúc động và bị kích động, rất dễ đổ vỡ niềm tin, mất phương hướng, đồng thời đã có những khúc mắc về sinh lý và tình cảm. Chính vì những lý do trên, nên ở lứa tuổi này, các em rất dễ bị khủng hoảng và sa ngã trước những vấp ngã của cuộc sống và sự lôi kéo của bạn bè. Khi những bức xúc và khó khăn trong cuộc sống của các em không được giải quyết các em dễ tìm đến các nhóm bạn và các trò chơi để tự giải thoát mình khỏi tình trạng đó hay tò mò tìm hiểu, khám phá từ những nguồn thông tin có hại. Có em do quá căng thẳng và bức xúc đã tìm đến với ma tuý

và sa vào con đường phạm pháp, hư hỏng. Việc khó chế ngự được cảm xúc đã dẫn đến việc các em có hành vi vi phạm pháp luật là do những bột phát về mặt tâm lý hay bị thúc ép về mặt tình cảm. "những lúc chán nản với việc học hành, chán cảnh bố mẹ cãi nhau, em thường ra quán game ngồi chơi cho đỡ buồn....Ở quê em làm gì có gì có chỗ nào hay mà chơi đâu, không vào quán nét chơi game thì cũng vào quán bi-a thôi. Bọn em đều thế". (PVS số 7, 13 tuổi, nam, trộm cắp)

Ngày nay, những tác động của mặt trái cơ chế thị trường đã khiến cho trẻ em đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Có những trẻ em, do không chịu nổi sức ép từ những kỳ vọng của người thân về kết quả học tập mà sinh ra rối loạn hành vi: căng thẳng, chán chường, ủ rũ, thu mình xa lánh người xung quanh. Lại có những trẻ em chỉ cần một va chạm nhỏ cũng dẫn đến ẩu đả lớn, một xích mích nhỏ, những câu nói làm "nóng mặt" hoặc cái nhìn "đểu" cũng dẫn tới việc các em có hành vi xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng của người khác, gây hậu quả nghiêm trọng. Các nghiên cứu tâm lý học cho thấy con đường dẫn đến các hành vi lệch chuẩn, thậm chí tệ nạn xã hội ở trẻ em là do thiếu hụt khả năng ứng phó với các khó khăn nảy sinh trong cuộc sống, bị bạn bè lôi kéo, tự đánh mất bản thân trong những hoàn cảnh khó khăn hay bị hoàn cảnh khó khăn chi phối không thể vượt qua, buông xuôi, phó mặc cho số phận. Khi bị người khác xúc phạm, đe doạ, đánh đập, trấn lột các mỗi em có những cách ứng phó khác nhau. Với những trẻ em có hoàn cảnh gia đình bình thường, luôn được bố mẹ quan tâm chăm sóc khi bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì thường tìm sự giúp đỡ của bố mẹ, bỏ chạy hoặc chấp nhận. Tuy vậy, với trẻ em vi phạm pháp luật cách phản ứng hoàn toàn khác.

Bảng 3.8. Cách ứng phó của trẻ em vi phạm pháp luật trƣớc tình huống khó khăn ở trung tâm giáo dƣỡng số 2.

Phản ứng Trả lời Bỏ chạy 4% Chấp nhận 10% Chống trả 41% Nhờ bố mẹ hoặc người khác 8.5% Tìm bạn bè nhờ hỗ trợ 36.5

Như vậy, cách phản ứng phổ biến của trẻ em vi phạm pháp luật là chống trả hoặc tìm bạn bè hỗ trợ. Thực tế đã chứng tỏ các em thường gọi bạn bè của mình để chống trả, trả thù mỗi khi bị người khác đe doạ. Có một số em bản tính lì lợm lại có xu hướng chấp nhận, chịu đựng khi bị đe doạ, đánh đập nhưng sau đó vẫn tìm cách trả thù. Các trường hợp này thường xảy ra với trẻ em lang thang, đã quen với môi trường xã hội phức tạp. "những ngày tháng phiêu bạt theo đám bạn, em cũng từng nhiều lần bị đánh, bị bọn khác trấn lột, ức hiếp. Những lúc đó, có khi phải cắn răng mà chịu. Chống lại bọn nó đánh chết, lâu rồi thành lì đòn. Sau này, bọn em giao du rộng hơn nên quen nhiều, cũng đỡ". (PVS số 13, 14 tuổi, nam, cướp giật)

Ngoài ra, một yếu tố tác động không nhỏ đến lối sống và tâm lý của các em đó là trong xã hội ngày nay, nhất là ở các đô thị lớn, con người ngày càng sống thiếu tình cảm, tính cộng đồng mất đi, nhường chỗ cho sự cô lập cá nhân. Con người đối xử với nhau ngày càng bằng các quan hệ về vật chất, toan tính điều đó đã tác động và hình thành ở thế hệ trẻ lối sống ích kỷ cá nhân, sống nhờ, sống gửi (sống hôm nay không biết đến ngày mai), hình thành nên những con người “máu lạnh”, liều lĩnh. Một phần trong tâm lý đó của các em là do chưa nhận thức được đầy đủ về các chuẩn mực xã hội nên các em không có cảm giác sợ hãi hay hối hận về những việc mình đã làm. Thậm chí, trường hợp cá biệt một số em còn luôn tỏ ra "tự hào" về những hành động của bản thân như: đua xe, trộm cắp, cố ý gây thương tích...Khi được hỏi về cảm giác như thế nào sau khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật chúng tôi nhận được kết quả như sau:

Bảng 3.9. Cảm xúc khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ở trung tâm giáo dƣỡng số 2.

Cảm xúc Trả lời

Sợ hãi, lo lắng 22.5%

Mặc cảm, tội lỗi 15.3%

Ân hận 14%

Sung sướng, tự hào 7%

Không có cảm giác 36.7%

Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết ở nhóm các em lần đầu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trả lời có cảm giác lo lắng, sợ hãi, mặc cảm, tội lỗi. Ở nhóm trẻ em đã nhiều lần thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có xu hướng trả lời không có cảm giác (36,7%), không suy nghĩ gì về hành vi của mình. Đây thực sự là con số đáng báo động.

Một trong những nguyên nhân thuộc về yếu tố chủ quan của cá nhân trẻ em vi phạm pháp luật là các em đều có học vấn thấp. Do trình độ nhận thức thấp đã dẫn tới thực trạng hiểu biết về pháp luật của các em rất hạn chế. Chính điều này đã dẫn đến việc khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật các em không đánh giá hết được tính nguy hiểm của hành vi do mình thực hiện. Một phần, do sự kiểm soát của ý thức chưa được thể hiện rõ ràng nên trước khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gần như các em không suy nghĩ về tính đúng sai và hậu quả của những hành vi đó. Cụ thể: 61,5% các em không biết hành vi của mình đã làm là vi phạm pháp luật, còn 38,5% biết hành vi đã làm là vi phạm pháp luật song không biết được hậu quả mà mình sẽ phải gánh chịu. Những yếu tố tâm lý đặc thù của lứa tuổi trẻ em vi phạm pháp luật đã được trình bày với nét đặc trưng cơ bản là quá trình hưng phấn diễn ra mạnh mẽ hơn quá trình ức chế nên các em khó khăn trong việc kiềm chế cảm xúc và kiểm soát hành vi của mình, mà biểu hiện của nó là dễ bị kích động, hiếu thắng. Do tâm lý muốn chứng tỏ khả năng và bản lĩnh cùng với quá trình tự ý thức mà các em tự dán nhãn cho mình hình ảnh của một "người hùng" trong nhóm xã hội mà các em tham gia, khiến cho các em có những hành động liều lĩnh, sai lầm. Nhiều nhà tâm lý học đã khẳng định, quan hệ bạn bè ở tuổi vị thành niên có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết trong suốt cả cuộc đời, hoạt động giao tiếp bạn bè là hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi này. Lý do giải thích cho điều này là các em có những biến đổi tương tự nhau về tâm, sinh lý và xã hội, có nhiều tâm tư, nguyện vọng và cảm xúc giống nhau. Bên cạnh đó, bạn bè ở lứa tuổi này còn dễ thông cảm cho nhau, dễ dàng chấp nhận và chia sẻ với nhau hơn so với người lớn. Trong môi trường bạn bè, các em được tôn trọng, được đối xử bình đẳng và trẻ cảm thấy yên tâm trong mọi hành động của mình, kể những hành động tích cực và tiêu cực. Nghiên cứu về cách ứng

phó của trẻ em với hoàn cảnh khó khăn, TS. Phan Thị Mai Hương khẳng định: “khi bị bạn bè xấu rủ rê, bị bắt nạt, bị ép buộc, bị đánh đập, bị đe doạ, bị sỉ nhục, bị khiêu khích, bị trấn lột, bị chêu ghẹo, bị lạm dụng... điều trước tiên, trẻ sẽ tìm kiếm chỗ dựa tình cảm nơi bạn bè, còn bố mẹ lại là người các em tìm kiếm sau cùng” (2007). Chính vì tâm lý chung như vậy, trẻ em vi phạm pháp luật lại càng cần phải có các nhóm bạn hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, các em sẽ cảm thấy cô đơn và khó khăn trong bối cảnh đã có hành vi vi phạm pháp luật, trong trạng thái lo lắng, ăn năn, hối lỗi mà không có người cùng chia sẻ. Trong hoàn cảnh đó, tâm lý chung là trẻ em làm trái pháp luật sẽ cố kết với nhau thành các nhóm nhỏ để giúp đỡ và chia sẻ với nhau những khó khăn, những niềm vui, nỗi buồn. Có một điều dễ dàng nhận thấy rằng, trẻ ở độ tuổi vị thành niên thường không phạm tội một mình. Cho dù với những trẻ chỉ có hành vi càn quấy, hay phạm tội giết người, thì phần lớn chúng đều hành động trong sự hưởng ứng hoặc hỗ trợ đắc lực của bạn bè. Thường thì trong một nhóm như vậy, bao giờ cũng nổi trội lên một thủ lĩnh, và nhóm trẻ thường tuân theo mệnh lệnh (dù bất thành văn) của thủ lĩnh này một cách mù quáng. Những quy định ngầm của nhóm thường được trẻ tuân thủ một cách nghiêm ngặt, những ai làm trái sẽ bị coi là kẻ phản bội."Nhóm bọn em sống tình cảm lắm, nhiều hôm, đúng dịp công an làm gắt, không kiếm được gì cả bọn chia nhau mấy cái bánh mì. Bọn em có cũng có những quy định riêng với nhau, nên trong nhóm ít khi xảy ra mâu thuẫn. Khi một thằng bị bọn khác bắt nạt, bọn em sẽ tập trung để trả thù". (PVS số 8, 15 tuổi, nam, cố ý gây thương tích)

Ở giai đoạn này, trẻ luôn muốn mọi người công nhận và đối xử với chúng một cách tôn trọng và bình đẳng như một người lớn thực sự. Nhưng trong mắt người lớn, chúng vẫn còn rất non nớt về nhận thức xã hội, sống phụ thuộc vào bố mẹ. Hai cách nhìn nhận khác nhau khá cơ bản đó đã gây ra những mâu thuẫn lớn giữa cha mẹ với trẻ trong độ tuổi này. Để giải quyết mâu thuẫn đó, trẻ thường tìm đến với những người bạn cùng lứa tuổi, có cùng tâm tư, nguyện vọng. Vì thế, có những điều thầm kín, trẻ thường tâm sự với bạn thân, hơn là với người lớn. Thời gian dành cho bạn bè vì thế cũng nhiều hơn dành cho gia đình và học tập. Kết quả

của nhiều nghiên cứu về trẻ ở lứa tuổi này cũng như thực tế cho thấy, điều làm trẻ em đau khổ, nặng nề nhất không phải là những vấn đề đang nảy sinh trong gia đình, mà lại là sự đổ vỡ trong tình bạn hoặc sự phản bội của bạn bè. Từ nhận thức đó, trẻ rất muốn thể hiện lòng trung thành, sự gắn bó của mình với bạn. Việc trẻ tự nguyện bắt chước theo những cử chỉ, hành vi, theo lời nói, cách ăn mặc, thậm chí là cả những hành vi sai lệch, dẫn đến phạm tội là điều dễ hiểu. Trẻ em vi phạm pháp luật đều là những em có thói quen xấu như nghiện thuốc lá; thích uổng rượu, bia; thích xem phim bạo lực, tình dục; thích nói tục, chửi bậy...Những thói quen xấu trong hành vi xử sự đã khiến các em ngày càng dễ sa ngã vào con đường phạm pháp. Tất nhiên, không phải tất cả trẻ em đều có những cử chỉ, hành vi và những biểu hiện kỳ quặc, khác người.

Một nguyên nhân cũng rất phổ biến đó là, đa số trẻ em vi phạm pháp luật đều có học lực kém, do đó, các em rất lười học, thích ăn chơi đua đòi nên dễ sa ngã vào con đường phạm pháp. Khảo sát tại trung tâm giáo dưỡng số 2 cho thấy, phần lớn các em đều rất lười học, sợ học, nhất là các em học sinh khi mới vào Trường chưa quen nếp sống sinh hoạt. "Vất vả nhất là khi học sinh mới vào trường, phần lớn các em đều "bất kham", quen sống buông thả, bụi đời, ngoài vòng cương tỏa. Có em chưa từng đến lớp, chưa quen mặt chữ, có em đã bỏ học lâu ngày nên ngại học, không thích học. Giờ lên lớp nhiều em trốn không chịu đi, giáo viên, cán bộ chiến sĩ phải đến từng phòng để đôn đốc, động viên các em mới chịu đến lớp". (PVS số 3, 32 tuổi nam, cán bộ)

Như vậy, những nhân tố dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật ở trẻ bao gồm cả nhân tố thuộc về môi trường xã hội và những nhân tố thuộc về đặc thù tâm sinh lý của các em. Để hạn chế, phòng ngừa hiện tượng trẻ em vi phạm pháp luật, cần phải nắm được những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến hiện tượng này. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến các nhân tố thuộc về môi trường xã hội. Bởi lẽ, nhân tố về môi trường xã hội cũng là một nhân tố hình thành các đặc trưng tâm sinh lý ở trẻ em vi phạm pháp luật.

PHẦN 3

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

KẾT LUẬN

Trên cơ sở nghiên cứu đề tài: "Thực trạng trẻ em vi phạm pháp luật ở trung tâm giáo dưỡng số 2 Ninh Bình" chúng tôi rút ra một số kết luận như sau:

1. Trẻ em nói chung và trẻ em hiện nay nói riêng được sinh ra và lớn lên trong điều kiện đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển mạnh mẽ. Mặt tích cực của quá trình hội nhập cũng những mặt tiêu cực do quá trình này gây ra nên đôi lúc cũng tạo ra sự mất phương hướng cho một số người, trong đó đặc biệt là giới trẻ hiện nay trong từng vấn đề lớn nhỏ, sự đấu tranh giữa các mặt đối lập cũng diễn ra rất quyết liệt.

Trong môi trường cụ thể trực tiếp mà trẻ em đang sống và học tập, họ tiếp nhận những ảnh hưởng tốt, xấu của những điều kiện sống và sinh hoạt của môi trường đó. Nếu những mặt tốt được phát huy, sẽ thúc đẩy tạo ra một lớp người trẻ tuổi, lành mạnh về tâm hồn và thể chất và họ sẽ trở thành những con người hoàn thiện, có khả năng tốt để phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, nếu những mắt xấu tác động mạnh lên lớp người chưa thành niên, đó sẽ chính là những nguồn gốc gây ra những nhận thức sai lầm, lệch lạc và sa vào con đường vi phạm pháp luật.

2. Kết quả khảo sát cho thấy: Số lượng trẻ em vi phạm pháp luật ra tăng cả về số lượng cũng như sự đa dạng về các loại hình phạm tội, mức độ vi phạm pháp luật ngày càng nghiêm trọng, trong đó chủ yếu là hành vi trộm cắp, cướp giật, cố ý

Một phần của tài liệu Thực trạng trẻ em vi phạm pháp luật ở Trung tâm Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình (Trang 74 - 96)