Ngôn từ đậm chất thơ lãng mạn, bay bổng

Một phần của tài liệu Văn xuôi Hoàng Phủ Ngọc Tường dưới góc nhìn thể loại (Trang 92 - 95)

5. Cấu trúc luận văn

3.3.2. Ngôn từ đậm chất thơ lãng mạn, bay bổng

Đi giữa thơ và văn xuôi, tâm hồn HPNT đã trải lên trang ký chất thơ lãng mạn, bay bổng. Có những dòng bút ký ta không chỉ đọc mà vừa đọc còn vừa lắng lòng mình để cảm, ngắm và phục tài bút hoa giàu trí tưởng tượng của tác giả. Đọc ký HPNT, cảm tưởng như đang được ngắm những bức tranh đa diện bởi ở đó, ta nhìn thấy những thô ráp, bộn bề cuộc sống đời thường nhưng cũng nhìn thấy cả chất thơ thi vị; nhìn thấy thực nhưng cũng nhìn thấy cả mơ thơ mờ mờ ảo ảo bởi là nhà văn viết ký nhưng HPNT còn là người con của Huế với tâm hồn “vốn thơ hơn là thực”. Trang ký của ông không đều đều phản ánh cuộc sống mà có sự đan xen giữa truyện, ký, thơ nên có những câu văn được tác giả thể hiện bằng ngôn từ thơ lãng mạn, bay bổng, dàn trải, quấn quyện mãi lòng người. Với tài quan sát và nghệ thuật miêu tả tài tình, tác giả đã vẽ bức tranh ngôn từ khiến ta như đang được đứng trước cảnh,

chạm mắt vào từng đường nét, màu sắc mềm mại. Đây là một vài bức tranh thiên nhiên bay bổng, lãng mạn rất Hoàng Phủ: bức tranh bên dòng A-mong: “Ánh sáng dịu hẳn xuống, và màu sắc bãi đá ửng lên một cách kỳ lạ. Những

phiến đá nhìn trầm trầm giống nhau lúc nãy, bây giờ phân biệt nhau rất rõ, thành những màu trắng, hồng nhạt, xanh, màu rêu già và màu nâu sẫm... khiến bãi sông trong chốc lát bỗng dậy lên những màu sắc tươi vui. Dòng sông bắt đầu chảy mạnh và cả cái thung lũng hẹp chạy dài giữa hai triền núi cao bỗng rung lên như trống hội làng, chuyền đi những tiếng rùng rùng liên hồi” [23, tr.49]; bức tranh buổi chiều xanh thẳm của núi ngàn thiên thu huyền

ảo như cõi Tiên: “Mùa xuân hoa dẻ rụng đầy những dòng suối ở cửa rừng,

cánh trắng với những tua nhị tỏa thành chùm bềnh bồng, phảng phất một mùi hương hoang đường gợi nỗi nhớ Tiên, giống như hoa đào xưa kia Lưu Nguyễn một lần đã thấy” [19, tr.665];... Còn rất nhiều những bức tranh như

vậy trên trang văn HPNT. Trong văn có họa và những bức họa bằng ngôn từ với nét vẽ khi tỉ mỉ, chi tiết, khi điểm xuyết nhẹ nhàng khiến người ta không phân biệt được đó là văn ký hay chính là những dòng thơ trữ tình tràn chảy.

Để kiến tạo những câu văn lãng mạn, bay bổng, nhà văn thường sử dụng hệ thống từ ngữ giàu hình tượng như từ láy, từ tượng thanh, từ tượng hình. Rõ hơn cả là trong bút ký trữ tình Ai đã đặt tên cho dòng sông?, tác giả đã sử dụng một hệ thống từ láy tạo hình dồn dập như: lặng lờ, lững lờ, bồng

bềnh, ngập ngừng, lô xô, sừng sững, xúm xít, lập lòe, êm đềm, rầm rộ, chói lọi,... Bên cạnh đó là rất nhiều tác phẩm có những đoạn văn trữ tình được

kiến tạo bằng những từ ngữ gợi hình, gợi âm như: “Dọc theo bờ sông A-

mong, loài cây rì rì mọc san sát, rậm rịt (...) Bây giờ là tháng tư, nước sông A-mong chảy hiền, và rặng rì rì lao xao gió nồm, lá cây lay động lấp lánh như ngàn triệu con mắt lá răm sáng trưng nắng hè, hoa rì rì năm cánh nở từng chùm đỏ ngun ngút như hoa phượng ở thành phố” [19, tr.21+22]; “Đêm nằm ở Rạch Tàu, nghe thuyền máy vô ra cửa biển xình xịch suốt đêm, sóng

đập ràn rạt từng cơn dưới gầm sàn, tâm hồn tôi cứ lâng lâng, dập dềnh trong giấc ngủ mơ hồ của một con chim biển, giữa bài hát vô cùng của thủy triều, của sóng và gió” [19, tr.127];…

Ngoài ra, những câu văn đậm chất thơ còn được luyến láy bằng cách điệp từ láy đi luyến láy lại tạo chất nhạc trầm bổng với những nốt nhấn xao xuyến lòng người: “Cuối hè, Huế thường có những buổi chiều tím, tím cầu,

tím áo, cả ly rượu đang uống trên môi cũng chuyển thành màu tím và sông Hương trở thành dòng sông tím đẫm hoang đường như trong tranh siêu thực” [19, tr.674]; “Tạm biệt nhé, những nẻo đường lang thang tôi đi suốt đời không hết, tạm biệt dòng sông đẹp và buồn, và uể oải như một thiếu nữ đài trang, tạm biệt con chuồn chuồn đậu lay lắt trên ngọn cỏ may ven sông; tạm biệt thành phố với những ngôi chùa yên tĩnh như ở một cõi đời nào khác. Tạm biệt ngôi nhà với tuổi trẻ và những cuộc lang thang trĩu nặng phiền muộn của chúng tôi...” [23, tr.61];...

Cũng có khi, chất thơ được tạo nên nhờ những câu văn văn dài như dòng cảm xúc tràn chảy: “Dưới cơn mưa, dòng sông phẳng lặng và hình như

rộng hơn; trên mặt nước trong xanh này, thánh thót hàng ngàn giọt mưa sáng chói, và reo ca như những phím dương cầm, “ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa”, như trong bài hát của Sơn” [23, tr.54]; “Mùa xuân... hương cỏ bắt đầu dậy lên ở các sườn đồi, và những con suối, những mặt hồ bắt đầu xanh trong trở lại; người gặp người trông niềm nở hơn; những đàn cá nhỏ bơi lượn trong hồ nước trông vui vẻ và bạo dạn hơn, thiên nhiên cũng độ lượng hơn và thu giấu nỗi buồn của mình vào nơi nào không biết” [24, tr.80];...

Để tạo chất thơ bay bổng lãng mạn, nhà văn cũng kết hợp một cách khéo léo thơ và văn xuôi. Giữa những câu văn xuôi đan xen một câu, đoạn thơ. Câu văn vì thế bỗng trở nên mềm mại hơn, lắng sâu trữ tình hơn như: "Trong nỗi trầm tư dằng dặc, chàng đăm đăm dõi theo những con đò rừng

chở nặng cả ánh sáng và bóng tối, như chở một linh hồn không yên tìm chốn nghỉ đâu đó mà dưới những vòm cây âm u tiếng chim bìm bịp bên kia sông: "Trong tôi dừng một khoang chiều. Tôi về chở một cô liêu đầy, nằm..." [19,

tr.673]… Kiểu câu văn xuôi kết hợp thơ như thế này xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm của HPNT, có những tác phẩm xuất hiện với tần số cao như trong Sử thi buồn (khoảng 20 lần), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (khoảng 10 lần),…

Ngôn từ vời vợi chất thơ bay bổng, lãng mạn trong ký HPNT đã góp phần chứng tỏ vẻ đẹp của thể loại này. Như bất cứ thể loại văn học nào khác, ký là văn và cũng là thơ của cuộc sống; trang ký cũng xao động trữ tình, cũng miên man xúc cảm và du dương nhạc thơ...!

Một phần của tài liệu Văn xuôi Hoàng Phủ Ngọc Tường dưới góc nhìn thể loại (Trang 92 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)