Giọng nghị luận xã hội

Một phần của tài liệu Văn xuôi Hoàng Phủ Ngọc Tường dưới góc nhìn thể loại (Trang 86 - 90)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.3.Giọng nghị luận xã hội

Bên cạnh hai giọng văn chủ đạo tạo là giọng trữ tình sâu lắng và giọng triết lý, làm nên phong cách riêng của HPNT còn là giọng nghị luận xã hội. Đó là chất giọng pha báo chí như giọng nghi vấn, giọng “kiến nghị”, giọng bức xúc bất bình.

Là nhà văn viết ký phải bám sát hiện thực cuộc sống thời sự hàng ngày đôi khi như nhà báo, HPNT luôn sẵn sàng luồn lách ngòi bút của mình vào mọi ngõ ngách của cuộc sống để khám phá, tìm hiểu. Vì thế, dù tâm hồn đa cảm, đa tình, lãng mạn, nhưng ký của ông vẫn không mất đi màu sắc của hiện thực và thể hiện một bản lĩnh nhà văn dũng cảm, tỉnh táo trước cuộc đời. Đây chính là yếu tố tạo nên giọng nghi vấn xoáy vào những vấn đề nhức nhối trong cuộc sống. Nhà văn luôn luôn đặt ra câu hỏi để khơi sâu vấn đề và giúp

người đọc nhận ra nhiều điều mà bấy lâu vô tình người ta không quan tâm. Trước hết là những điều về Huế như: Tại sao vắng bóng tên các Vương triều Nguyễn trên đường phố Huế? Tại sao trùng tu nhiều công trình lại làm mất đi kiến trúc di sản văn hóa cũ? Tại sao không trả đúng tên khai sinh cho Viện Đại học Huế?... Giọng điệu nghi vấn xoay đi xoáy lại là những nỗi đau của chính tác giả trước những biến động trên kinh đô Huế mà ông gắn bó máu thịt. Không chỉ với Huế, nhà văn còn đặt ra nhiều vấn đề lớn mang tính dân tộc, nhân loại. Giọng điệu nghi vấn cho thấy con mắt trông thấu suốt và sức mạnh của ngòi bút HPNT. Nhà văn đã không tô hồng mà thẳng thắn phơi bày lên trang văn của mình nhiều vấn đề tiêu cực, nóng bỏng trong cuộc sống hàng ngày. Đó là: làm thế nào để hiện đại hóa đất nước đồng thời vẫn bảo toàn văn hóa dân tộc? (Văn hóa thời mở cửa); làm thế nào để chống tham nhũng? (Đâm mấy thằng gian bút chẳn tà); làm thế nào để bảo vệ trái đất thoát khỏi ô nhiễm mỗi trường? (Để bảo vệ trái đất);... Cũng có khi, giọng nghi vấn còn đi liền với những suy ngẫm sâu sắc nỗi đời. Ví như trước những bông ngũ sắc, nhà văn băn khoăn tại sao hoa chỉ nở một màu đỏ và tự lý giải màu đỏ đó là “trí nhớ của đất” thấm máu người đã ngã xuống; tự hỏi không biết chim bách thanh có giọng hót riêng của nó không rồi chiêm nghiệm về lẽ công bằng của tạo hóa; nghe tiếng chim pa toong giữa rừng núi Trường Sơn, tự hỏi lòng mình về tình yêu Tổ quốc để thấu hơn hồn thiêng đất nước;... Giọng nghi vấn xuất hiện trên các trang văn HPNT chính là "sự nhức nhối trí tuệ" của nhà văn trước cuộc sống. Không nhìn, không thấu và không hết mình vì cuộc sống tươi đẹp, người ta sẽ không dũng cảm lên tiếng. Biết bao người vẫn có thái độ im lặng, thờ ơ như vậy. Nhưng, HPNT đã "lên tiếng", gửi gắm suy nghĩ của mình qua ký - một thể loại đậm tính dân chủ, dấn thân, nhập cuộc và chiến đấu. Giọng điệu nghi vấn vì thế không chỉ trực tiếp bày tỏ thái độ, quan điểm của tác giả mà còn thể hiện nét đặc trưng của thể loại.

HPNT đã có những trang ký với giọng điệu ngợi ca chân thành vẻ đẹp của quê hương đất nước, con người Việt Nam; ngợi ca tình người, tình bạn và tài năng, đóng góp của những bạn bè văn nghệ sĩ nổi tiếng,… Nhưng đọc ký của ông, ta cũng nhận rõ nỗi bức xúc của một con người luôn luôn tâm niệm văn phải nói lên sự thật. Vì thế, một trong những giọng điệu nổi bật nữa trong ký của ông là chất giọng bức xúc, bất bình. Nhờ sức mạnh, ưu thế của thể ký luôn nêu cao tính chân thật, dân chủ và có đường biên rộng rãi cho cái tôi của tác giả nhập cuộc, HPNT đã trở thành một trong những nhà văn đại diện cho tiếng nói của cộng đồng. Ông mạnh dạn nhìn sâu vào từng vấn đề và thẳng thắn nói lên quan điểm của mình cũng là của đại đa số quần chúng nhân dân. Ta gặp giọng văn bức xúc của ông khi nói về những vấn đề như tệ tham ô, ô nhiễm môi trường, trùng tu di tích không đúng, thói bội bạc của con người,… Đặc biệt, bên cạnh giọng điệu bức xúc, ta vẫn nhận rõ một nét giọng đi kèm là giọng điệu tiếc nuối, xót xa của tác giả như: “Tôi vô cùng

thương tiếc ” [20, tr.82]; “Tôi chợt giật mình” [18, tr.230]; “thật là tiếc quay quắt!”;... Có khi là giọng chua chát bất lực: “ôi, sao tôi cứ thấy lẩn quẩn trong cái nông nổi lực bất tòng tâm!”; hay: “…Ai trả lời cho tôi, ai kêu trời giùm tôi một tiếng?!” [18, tr.237];… Không buồn, không tiếc xót sao được

khi người ta cứ ngang nhiên chà đạp lên quá khứ, chà đạp lên Tâm, Nghĩa để hưởng lợi cá nhân? Một nhà văn lớn là một nhà văn nói được tâm tư, nguyện vọng, nỗi niềm của quảng đại quần chúng. Có thể nói, HPNT là một nhà văn lớn với trái tim chung nhịp đập của triệu triệu dân. Nhà văn bức xúc, xót xa hay cũng là nỗi niềm của biết bao người khi thấy môi trường ngày càng ô nhiễm nặng nề, cuộc sống vẫn luôn tiềm ẩn những đe dọa do vũ khí hạt nhân, nạn tham ô tham nhũng ngày càng hoành hành ngang nhiên và mạnh hơn khi người ta hô hào chống nó; hay thói bạc bội, ráo hoảnh của người đời đối với quá khứ đã qua,...

Bức xúc, bất bình nhiều nhưng trang ký HPNT không dẫn đến một ngõ cụt bế tắc tiêu cực mà luôn hướng đến những giải pháp để cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế, ta gặp chất giọng “kiến nghị” chân thành của tác giả qua nhiều bài ký. Theo một môtip chung, nhà văn thường nêu vấn đề, bàn luận với thái độ chủ quan của mình cũng là đúng với tâm tư của muôn người rồi đi đến một kết luận là những phương hướng, biện pháp đề xuất như: “Tôi xin đề

nghị”; “Tôi nghĩ rằng”; “tôi mạnh dạn đề nghị”; “tôi mạn phép góp ý”;... Nếu

chất giọng này dùng không khéo sẽ dễ biến bài ký trở thành những lời cao đàm khoát luận thậm chí là hùng biện, giáo huấn đến sáo rỗng, gượng ép. Nhưng, xuất phát tự tâm chân thành luôn hướng đến cái đẹp của người nghệ sĩ chân chính, HPNT đã tạo ra giọng điệu có sự đồng cảm với nguời đọc. Đó như là những lời tâm tình, góp ý nhẹ nhàng giúp người ta nhận ra điều hay lẽ phải và sống đẹp hơn. Ký là thể loại mà ở đó nhà văn trực tiếp thể hiện tinh thần phê phán đối với những mặt tiêu cực trong cuộc sống. Và, người ta yêu những trang ký hay bởi đó là những tác phẩm gần gũi với dân sinh, phản ánh dân ý, thâm nhập hiện thực, thể hiện lý tưởng công bằng chính nghĩa của nhân dân. Vì thế, chất giọng nghi vấn, bức xúc không chỉ có trong trang văn của HPNT. Tuy nhiên, một nét riêng tiêu biểu trên những trang văn của ông là sau những bất bình, còn có cả sự lo âu, xót xa, tiếc nuối chân thành, từ đó, mới có giọng điệu kiến nghị để hướng đến con đường ngập tràn ánh sáng của cái đẹp. Giọng điệu này cũng khiến ký của ông vừa là văn, vừa là những lời tâm huyết tự gan ruột của một người công dân yêu lẽ công bằng, yêu cuộc sống và quê hương đất nước mình. Trang văn chân thành đến mức giản dị nhưng vẫn nóng bỏng hơi thở cuộc sống hiện đại và người ta không thể thờ ơ! Quả thật, văn chương đâu cứ phải nói cái gì to tát mới đến được người đọc mà có khi nhà văn chỉ nói về những điều rất nhỏ xung quanh cuộc sống hàng ngày thôi cũng có thể khiến người ta giật mình suy ngẫm. Làm được điều

này, nhà văn cũng phải là người không chỉ có tài năng, bản lĩnh mà còn cả tâm huyết sâu sắc nỗi đời.

“Giọng điệu giữ một vai trò quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Nó

không chỉ rõ bản sắc, thiên tài của của nghệ sĩ mà còn ghi nhận sự kiên trì của nhà văn trên chất liệu. Thế kỉ XX trong văn học được mệnh danh như là thế kỉ của cách tân và giọng điệu là một trong những mục tiêu để nhà văn sáng tạo hướng đến” [29, tr.63]. Khẳng định được một “giọng” ký riêng trên

văn đàn với vị trí là một trong những nhà viết ký hay nhất hiện nay, HPNT đã góp phần chứng minh viết ký không chỉ là ghi chép, sao chép cuộc sống mà là sáng tạo nghệ thuật chân chính.

Một phần của tài liệu Văn xuôi Hoàng Phủ Ngọc Tường dưới góc nhìn thể loại (Trang 86 - 90)