Giọng trữ tình sâu lắng

Một phần của tài liệu Văn xuôi Hoàng Phủ Ngọc Tường dưới góc nhìn thể loại (Trang 82 - 84)

5. Cấu trúc luận văn

3.2.1.Giọng trữ tình sâu lắng

Là nhà văn tiếp nối dòng ký trữ tình trong văn học Việt Nam hiện đại, nên đọc ký của HPNT, ta dễ nhận ra giọng điệu nổi bật chính là giọng trữ tình sâu lắng.

Nhiều trang văn của ông “là một chuỗi hoài niệm âu yếm” dành cho thế giới tuổi thơ như Thời thơ ấu xanh biếc, Rừng tuổi dại, Lý chuồn chuồn,… Đọc những trang văn này, ta có cảm tưởng tâm hồn đang thấm lịm

giọng trữ tình níu luyến khi mênh mang xa ảo vời vợi, khi hun hút trong chiều sâu nỗi nhớ, khi da diết mà lắng sâu ngọt ngào. Chính giọng trữ tình đã khiến những bông hoa dại, những cánh đồng hoang miền sơn cước, những ánh đom đóm, ánh sao lung linh, cánh chuồn chuồn, tiếng ve,… thăng hoa thành cái đẹp trên trang văn.

Những trang văn theo bước chân xê dịch của HPNT cũng tha thiết giọng trữ tình tự hào, ngợi ca. Nhà văn đắm say trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người mỗi miền đất ông đặt chân đến. Giọng trữ tình khiến hiện thực cuộc sống trở nên thơ và đẹp hơn giữa “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Đó là giọng bồng bềnh miên man theo những đám mây trôi trên bầu trời (Điện Biên mây trắng, Ngọn núi ảo ảnh, Côn Sơn,…); giọng hư ảo, vời

vợi u huyền, thảng nhẹ, mong manh như có như không theo những làn hương vấn vương hay những cánh hoa mong manh (Rừng hồi, Rượu Hồng đào chưa

uống đã say, Hoa bên trời,…).

Ngay cả những bài ký chân dung khắc họa các nhân vật, ta cũng thấy tác giả đã viết với chất giọng trữ tình khiến trang ký có khi giống như một bài thơ văn xuôi giữa đôi bờ mơ, thực. Ca ngợi những con người đẹp, tài hoa,

cũng là tôn vinh cái đẹp, giọng văn HPNT tự đó đã là giọng trữ tình chân thành, tha thiết. Những câu thơ của Ưng Bình Dạ Thúc, Bùi Giáng, Ngô Kha,… hay những ca từ của Văn Cao, Trịnh Công Sơn xen lẫn câu văn xuôi là những nốt nhấn trữ tình để chất thơ lãng mạn vời vợi cất cao. Ngay cả khi không có những dòng thơ, những đoạn văn xuôi viết về kỷ niệm của tác giả với những nàng thiếu nữ cũng khiến ta liên tưởng đến thơ như hình ảnh người con gái đẹp mơ ảo đi dưới những cội ngô đồng nở hoa tím man mác về mùa xuân:

Nhớ ngày nào đi học

Bước hoài trong công viên Hoa tím vương mái tóc

Dòng sông xanh bình yên...

(Sự tích một tia nắng - Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Hoa ngô đồng vẫn tím nở bên trời, sông vẫn xanh xuôi chảy nhưng người cứ mờ khuất dần dưới triền dốc thời gian:

Tháng năm qua con nước lênh đênh Hoa ngô rơi từng đám bồng bềnh

Xa rồi hình bóng thanh xuân ấy Sông vẫn trôi dài trong khói xanh (Hoa ngô đồng – Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Đặc biệt, khi viết về lịch sử, văn hóa và thiên nhiên Huế, nhà văn đã dành tất cả tâm hồn thơ, mộng của mình để trang văn trở nên ngọt ngào da diết điệu hồn Huế. Giọng trữ tình khiến dòng sông, hoa trái, di tích, món ăn, văn hóa, con người,… nơi đây trở nên thi vị hơn. Dòng sông được dệt bằng thơ, nhạc, họa miên man xuôi chảy; món ăn là nghệ thuật thể hiện quan niệm mỹ học và cuộc sống của con người; di tích là màu của tháng năm nặng sâu dấu ấn kỷ niệm; con người sống “thơ hơn thực” hoà mình với thiên nhiên đất trời;… Tất cả đã đi vào những bút ký tài hoa nổi tiếng của HPNT: Ai đã đặt

tên cho dòng sông?, Hoa trái quanh tôi, Mùa xuân thay áo trên cây, Miền cỏ thơm, Đôi nét về văn hóa Huế,…

Cuộc đời có nhiều thăng trầm, bi kịch và bi kịch lớn nhất là nỗi đau bệnh tật, nhưng HPNT đã vượt lên tất cả để tiếp tục sáng tác. Điều đặc biệt, đọc những tập ký được tác giả viết khi trên giường bệnh, ta không thấy ở đó là giọng bi quan chán nản, mệt mỏi, buông xuôi mà vẫn là giọng trữ tình ngọt ngào, lắng sâu. Đó là giọng điệu xuyên suốt hành trình sáng tác của HPNT góp phần thể hiện một phong cách viết ký trữ tình đầy sáng tạo trong dòng ký Việt Nam hiện đại.

Một phần của tài liệu Văn xuôi Hoàng Phủ Ngọc Tường dưới góc nhìn thể loại (Trang 82 - 84)