6. Cấu trúc của luận văn
2.2.1.1. Quan lại, nghị viên và trí thức nịnh Tây
Với nhóm đối tượng này, tiếng cười ở cấp độ châm biếm, đả kích, thể
hiện thái độ phủ nhận gay gắt của Tú Mỡ nói riêng và nhân dân nói chung. GS Phan Cự Đệ đánh giá “phần đóng góp sâu sắc nhất của nội dung thơ văn Tú Mỡ cũng ở phương diện này” [8, 127].
Chính tầng lớp quan lại là công cụ cai trị và bóc lột của bọn thực dân,
và đây mới là tầng lớp gây nên nhiều tội lỗi nhất. Bọn chúng dù là quan lớn hay quan bé, quan cũ hay quan mới, quan sư hay quan hướng đạo (quan sì cút)… tất cả đều là một lũ bất tài, nịnh hót, luồn cúi, bòn rút, hối lộ, tham nhũng. Nhìn sự thật ấy, Tú Mỡ nôn nóng muốn lũ quan sâu mọt này bị thanh toán. Ông những mong có bí thuật thần tình “ngửi thấy hơi đồng trong đáy
bụng” bọn quan tham để “Mọt trẻ, mọt già trừ hết giống/ Thực là hạnh phúc
đám dân đen” (Trạng Hít).
Tại sao Tú Mỡ lại sốt sắng với những việc nhà quan như thế? Bởi nhìn toàn cảnh xã hội, đây chính là tầng lớp mà cả triều đình nhà Nguyễn lẫn thực dân Pháp đang dựa vào để siết chặt ách bóc lột, đàn áp và thống trị lên nhân
dân. Hơn thế nữa, qua Tâm sự một ông “quan bé”, thì ta thấy tất thảy bọn
quan đều là lũ sâu mọt, cả đời phấn đấu lên quan không phải để “bảo dân, an dân”, mà là thực hiện “tay lành nghề” bòn rút, đục khoét. Nói trắng ra, họ lên làm quan bằng mánh khóe, chạy trọt bằng tiền, bằng “đậu lạy quan xin”, thì khi làm quan rồi họ sẽ tìm cách để cái “vốn” ấy sinh “lãi”: tham ô, ăn đút lót, lại mua quan bán tước, kéo bè kéo cánh, dung túng kẻ dưới bày mưu kế đảo điên để “đục khoét, xoay tiền hối lộ”… Ông “quan bé” nhận rằng:
- Thời buổi này là “đời bạc giấy”,
Phẩm giá con người cũng lấy đấy mà đo. - Lấy cái vinh đền bù cái nhục,
Ấy là đường khuất khúc của nghề quan…
Bằng cách nhập vai ông “quan bé” hàng huyện, Tú Mỡ đi guốc trong bụng những kẻ làm quan ở cái thời đó: vào dinh thự, ra ô tô, lính bồng súng chào tôn nghiêm; đối với quan trên lúc khúm núm, khi cúi luồn, tiền mẹ cõng tiền con đút lót. Cho nên, có một thằng bé nuốt xu mà chẳng chết, ông bố nọ khen ngay đấy là cái tướng dị kì của nhà quan:
“Thằng này tướng dị kì
Nuốt xu mà chẳng chết Khi lớn hẳn ra phết Có thể làm quan to Xơi tiền như mỏ khoét!”
(Nuốt xu)
Vậy bản chất quan lại dưới con mắt Tú Mỡ là gì? Đó là thói tham lam, tham nhũng, thói ăn bẩn, đục khoét nhân dân, là thói ăn chơi sa đọa, bợ đỡ
cầu vinh, khinh người, hống hách. Nhìn chung, bản chất quan chẳng có gì là tốt đẹp, chính nhân quân tử, quan chi dân chi phụ mẫu. Trong bản chất mỗi ông quan đều có phần xôi thịt. Và vì thế, Tú Mỡ gọi làng quan là “làng xôi
thịt” (Quan viên xôi thịt).
Ăn – đó là bản chất của việc quan. Thói ăn đến tàn hại nhân dân chính là
điều Tú Mỡ lên án nhiều nhất, hơn cả cái chuyện quan lại ngu dốt và trụy lạc.
Mỉa mai thay cảnh quan ăn khi dân đói, dân chửi để quan ăn trong Tiệc kỉ
niệm ba mươi năm của phái bộ đi Tây (1908). Các ông quan thì rượu ngon,
gái đẹp chúc tụng nhau, còn dân chúng thầm chúc tụng các ông:
Trong dinh quan khách cỗ bàn Vòng ngoài dân đói hàng ngàn xúm đông
Há mồm, lố mắt đứng trông Chúc thầm các cụ, các ông muôn đời…
Tú Mỡ chẳng hoài công tìm được hai chữ “chúc thầm” đắc địa như thế. Bởi vừa đọc lên người ta đã thấy cái nghịch lí và nghịch cảnh, để chắc chắn là lũ quan bù khú trong cảnh đói rách của nhân dân thế kia chẳng được chửi thẳng thì cũng đáng được chửi thầm lắm!
Tú Mỡ lại kể ra các kiểu ăn của quan: Quan ăn ở giữa đình, ăn ở công đường, ăn mừng thọ để nhận quà, ăn mừng nhận chức để nhận lễ, ăn bổng lộc của triều đình, ăn của đút của dân đen, quan lớn ăn quan bé, quan nọ ăn quan kia, ăn khi công cán về quê, ăn khi đại thần ở Pháp,... Các ông quan lớn được quan thầy kén cử sang Pháp Đình ngoại giao, đã phơi bày cái “khẩu khí tày trời”:
Đáp rằng: “Thưa với tiên sinh Riêng tôi chủ nguyện sinh bình chỉ mong
Lượng trên cụ Thống khoan dung Thăng quan, tiến chức lên ông quan tuần
Mang danh cụ lớn đại thần Cao siêu sở vọng có ngần ấy thôi!”
Quan sống giàu sang là dựa vào đâu? Quan được tăng lương, đồng nghĩa
với việc dân rách càng thêm rách: (“Quan được tăng lương, dân cũng
tăng/Tăng sưu, tăng thuế đến nhăn răng!” _ Các quan được tăng lương).
Tú Mỡ vạch trần cái sự thật mà ít ai dám thẳng thừng tuyên bố: Quan là một nghề để hái ra tiền. Cho nên không hiếm những kẻ luồn lọt vào trốn quan trường để hành nghề bằng mọi cách. Cứ xem các ông giả nhân giả nghĩa chăm
lo cho súc vật, thì đoán ngay Hội bảo trợ súc vật của các ông xem ra lại thành
một công cụ kiếm tiền gì đây!
Còn chưa hết thói dã man Người còn là giống sài lang với người
Lo cho súc vật, nực cười
Thật là câu chuyện mớ đời mỉa mai…!
Ông Nguyễn Tiến Lãng rắc hoa lên ngòi bút mà nịnh Tây, thế là từ một văn sĩ thành ông quan thị! Sự nghiệp vẻ vang ấy được Tú Mỡ ghi công bằng
từ “len” độc đáo: “Người ta hả, người ta khen/ Người ta cất nhắc, Lãng len
vào triều” (Quan thị Nguyễn Tiến Lãng). Từ “len” khiến người ta liên tưởng
đến hành động “lẻn” của “anh hùng” Sở Khanh khi lừa Thúy Kiều theo mình
(Mé sau đã thấy Sở Khanh lẻn vào):
Ông Nguyễn Năng Quốc, hưu quan rồi mà “tâm bất lão”, liền làm “quan sư”. Ông đứng đầu Hội Phật giáo Bắc Kì khi mà thực dân đang muốn dùng tôn giáo để ru ngủ tinh thần cách mạng của thanh niên. Nguyễn Năng Quốc trổ rõ tinh thần quan sư với ba thứ say mê: rượu ngon, gái đẹp và phẩm hàm:
“Rượu ngon, gái đẹp vẫn say/ Trống chầu tom chát hoa tay vẫn tình.../ Tu cho
thăng phẩm to hàm/ Thế thì chán vạn kẻ phàm muốn tu!” (Quan sư Nguyễn Năng Quốc).
Ngoạn mục thay ông Phạm Quỳnh và ông Nguyễn Văn Vĩnh! Ông Phạm
Quỳnh xướng lên thuyết Lập hiến, viết văn, làm báo, lấy tờ Nam Phong để
tuyên truyền cho nhân dân theo Pháp, đăng lính sang Pháp đánh Đức trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông Nguyễn Văn Vĩnh xướng lên thuyết Trực
trị, có tranh luận với Phạm Quỳnh một thời gian trên báo, quan điểm vẫn ủng
hộ thực dân bảo hộ. Họ là hai người tài “Không vốn liếng, chẳng ruộng
nương/ Chỉ đem dư luận bán buôn làm giàu” (Nam hải nhị dị nhân). Rồi ông
Phạm Quỳnh “Uốn mình, cất cánh, vươn vai/ Nhảy một cái dài vô tới tận
Kinh”, làm một… ông quan!
Sự khinh bỉ của Tú Mỡ chẳng những trào ra đầu ngọn bút mà còn bộc lộ cả đằng sau từ ngữ miêu tả những hành động mà con người bình thường
không thể có được (uốn mình, cất cánh). Tưởng như ông Phạm Quỳnh đã
biến thành một cái gì đó!
Thế là Tú Mỡ đã nói toạc móng heo: chính các quan là kẻ chấp pháp lại vi phạm pháp luật. Các quan đáng ra là phụ mẫu chi dân lại chỉ chờ thời cơ và bày mưu sâu kế hiểm bòn rút con dân, ăn tiêu lẹm nhẹm vào ngân quỹ, chỉ lo luồn lách thăng quan, làm giàu.
Viết về đối tượng quan lại, sự sắc sảo và quyết liệt của ngòi bút trào phúng Tú Mỡ tỏ ra rất hoạt bát. Khi thì ông nói mát mẻ, bóng gió, khi thì đả kích trực diện đúng tên tuổi công khai, khiến “nhân vật tiêu biểu của giới quan trường hạ bệ chúng xuống thành những phần tử cơ hội đáng khinh” [13,169]. Các bức tranh trào phúng về quan lại đã “đem chúng ra đóng đinh, phơi bày trước búa rìu của dư luận, của công lý” [13,170]. Đối với dân, quan là một thứ nghề; đối với nhà nước, quan là một thứ giống – mà năm nào cũng phải “gây quan” cho “chẳng bao giờ tiệt giống quan”. Nhà nước thì năm nào cũng mở khoa thi để chọn người làm quan, cho quảng cáo không công trên các nhật trình như các “kì đồng mới tái sinh”, chỉ tốt cơ cho chúng “đào mỏ” các cô nàng trưởng giả muốn lên “bà lớn tắt” mà thôi.
Bên cạnh đối tượng quan lại, nghị viên và viện dân biểu là đối tượng mà
theo Xuân Diệu là đã “làm Tú Mỡ chảy nhiều mực nhất”.
Nghị viên là ai? Không phải quan. Không phải dân. Nghị là ông dân. Về mặt xã hội, đây là một sản phẩm quái gở của thực dân, mục tiêu là thể hiện quyền tự do dân chủ cho nhân dân, nhưng thực tế chỉ là trò lừa bịp.
Cứ xem cảnh nhà Khai trí hôm họp Hội đồng dân biểu, thật giống cảnh phồn hoa nơi Tú Bà làm ăn, mà ông viện trưởng Phạm Huy Lục “cao lớn đẫy đà” cũng thật xứng mặt kẻ cầm đầu:
Xe… hơi dừng bánh cửa ngoài, Trên thềm, rẽ đám đông người bước ra,
Một ông xàm xạm màu da, Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao…
…Giữa thì… bàn ghế hẳn hoi, Trên treo bức ảnh trắng đôi lông mày.
Hà Thành Khai trí là đây, Hội này thì lấy ông này tiên sư.
(Nhại Kiều)
Tú Mỡ khiến ta hình dung: một nơi nhập nhoạng như thế, tư cách các ông dân cũng lộn xộn, chẳng ra dân, chẳng ra quan, nơi đình đám chẳng biết
ngồi đứng thế nào, mãi mới được xếp “Ông Trùm đại biểu nhân dân/ Sánh vai
cụ Thượng, cụ Tuần nghênh ngang/Lau nhau, nghị nhép, nghị xoàng/Xếp trên Phủ, Huyện vào hàng thứ hai”(Ngôi thứ các ông nghị). Nói chung, các ông
nghị chỉ là một đám lau nhau, do “bán cả gia tài mua danh” mà nên. Trong kì bầu cử, các ông kéo từng đàn xuống xóm hát, mời nhau chén ở cao lâu, diễn thuyết những lời công tâm… Tất cả chỉ là trò quảng cáo nhố nhăng. Tú Mỡ tố
cáo đó là “Những hạng nghị độn đường cho chật/ Những nghị cừu, nghị gật,
nghị câm” (Nghị viên độn đường – cái từ độn đường cứ khiến ta hiểu về sự vô
dụng, trống rỗng và cái đầu óc đần độn của các ông nghị) - những kẻ mà “rồi
ra dân sẽ thải ngầm”. Các ông chẳng nói được cái dân chí, dân nguyện, chỉ
hốt bạc, và làm phỗng sành, tự biến bản thân thành thằng hề mua vui cho thiên hạ:
Họ quẳng tiền ra để cạnh tranh, Nghe đâu mỗi vé một “rồng xanh” Phen này có lẽ mưa ra bạc,
Mà nghị viên ta khối phỗng sành…
Bài thơ Cái chuông ông trùm là một thành công về cả nội dung và nghệ
thuật. Tú Mỡ chọn cách mào đầu rất trang trọng về cái chuông:
Bắc Kì có cái chuông rất quý Để ở trong Khai trí bảo tàng Chẳng là chuông bạc, chuông vàng, Chẳng là chuông cổ của ngàn muôn thu…
Kiểu không lạ, dáng không kì, Cái chuông ấy chẳng có chi khác thường.
Hình thức và công dụng của cái chuông đã giúp Tú Mỡ đã vạch mặt bọn nghị viên và cái chuông của ông nghị trưởng chẳng qua là một thứ trò ấm ớ kiếm tiền mà thôi:
Ai mà láu cá thạo nghề
Lắc chuông đúng nhịp, kiếm nê ra tiền.
Bản chất quan và nghị đều tham tiền, tham quyền, hám danh. Ngôn xuất thì “vì dân, vì nước”, lấy câu “lợi ích cộng đồng làm vinh”, thực chất những hành động “vì dân” là:
_ Vì dân ráng sức mấy lần vỗ tay. _ Vì dân nên phải đêm ngày miên man. _ Vì dân sái cổ gật tràn bao phen.
_ Vì dân phải xuống Khâm Thiên giải sầu. _ Vì dân “khai trí” mấy chầu tổ tôm.
(Ông nghị đi hội đồng về)
Đi hội đồng thực chất là đi ăn chơi. Đi công cán cũng là đi ăn và chơi.
Nói chung, làm ông dân biểu, ăn nói thì kém cỏi, ăn chơi mới là chuyên môn:
Bữa này được dịp trổ tài: Nói thời khí vụng, ăn thời rất hay!...
Đi xem công cuộc di dân, Hẳn nhìn mọi sự bội phần lớn to!
Khi về, nhớ… bữa say no, Ghi lòng tạc dạ tái bò, chả dê.
Tú Mỡ “biết tỏng” thói ăn chơi và “biết tỏng” thói ăn… gian của các ông nghị. Khi tính toán việc hoàn thành để ghi vào sổ công, thì nghị ta tranh công
như lục súc. Tất cả được đức ông Nghị trưởng kết luận “Dù không bia đá sử
xanh/ Cũng còn bia miệng để lưu danh… đời muôn đời…” (Diễn tích Dân biểu tranh năng). Đây chưa phải là bộ mặt rõ ràng của các ông nghị. Tú Mỡ
bổ sung thêm những đường nét vô cùng hài hòa và thực tế vào tấm chân dung ấy, sống động, đích thị là trò mèo:
Có hai ông nghị ma bùn,
Nghị câm, nghị gật cũng môn nghị hề. Tưởng mình to gớm to ghê, Thiêng như thần ở gốc đề, gốc đa….
…Ngán thay, bắt chuột chẳng tài, Lại hay ỉa bếp, mèo ơi là mèo!
(Hách)
Cũng giống như cách đả kích quan lại, có khi Tú Mỡ ỡm ờ bóng gió giễu cợt các ông nghị nói chung, có khi lại chỉ mặt đặt tên rõ ràng, chẳng cần úp mở. Cái duyên của nhà thơ trào phúng là nói thế nào người ta cũng thấy cười là hợp lí, thấy cái kẻ đang bị cười thực sự rất đáng cười. Nên mới thật thú vị một loạt hai mươi mốt cái bức tranh hoạt họa của Tú Mỡ cười cợt và đả kích đích danh: ông Hường Hà, ông Đỗ Thận, ông trùm Phạm Lê Bổng, ông trùm Lục, ông nguyên phó trùm An,… ông nào cũng thật công to, đường công danh thật lắt léo. Ông Hường Hà bị đuổi khỏi đảng Xã hội thì lại vớ được cái
đạo sắc rồng vàng của vua; ông Phạm Lê Bổng được “Trời cho cái mã bên
ngoài/ Để che đạy cái sơ sài bên trong”, ông Lại Văn Trung năm năm liền
“công to việc lớn có ngần ấy thôi”_ chỉ đọc một bản diễn văn… Chỉ một bài
Giới thiệu các ông nghị với Quốc dân, sự vô dụng của các ông nghị đã bị Tú
Mỡ vạch trần:
… Chốn thôn quê, các nhà làm ruộng,
Chúng chị em các xóm cô đầu
Nghiệp đàn hát phải yêu cầu ông nghị… Phách. …
Đó là suy danh hiệu đoán người đại khái…
Tú Mỡ không vơ đũa cả nắm. Cũng đã có lúc Tú Mỡ_Hồ Trọng Hiếu
khen ngợi mấy người mà Tú Mỡ gọi là “ông hội viên ta”, tên bài thơ là “Khá
lắm! Dân Hà thành” – ở đây lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất ông khen
nghị viên thực là kẻ dám ăn nói và đấu tranh cho dân trước hội đồng dân biểu:
Có ba ông hội viên ta,
Đảng viên xã hội quyết ra hội đòng. Hô hào bỏ sự bất công,
Quyền Nam, quyền Pháp phải cùng ngang nhau. Lòng không toại ý sở cầu,
Bảo nhau rũ áo lắc đầu xin ra…
Tú Mỡ chỉ rõ cái bất tài, kém cỏi của đại đa số các ông nghị. Nghị viên là thứ nghị “độn đường”, nghị “gật”, “nghị câm”, một thứ vai hề chính trị. Và viện dân biểu là nơi để bọn thống trị tìm cách vơ vét bóc lột nhân dân. Nhà văn Nguyễn Công Hoan khái quát về quan và nghị như thế này trong truyện
ngắn của mình: “Quan, người ta sợ cái uy của quyền thế. Nghị lại, người ta
sợ cái uy của đồng tiền”. Suy ra, làm dân là khổ, vì thế nên càng nhiều người
muốn len vào chốn quan trường để kẻ khác phải “sợ” mình. Trong đó có bọn văn sĩ nịnh tây, bọn bồi bút bất chấp đạo lý và chân lý, sẵn sàng bẻ cong ngòi bút, bán cả nhân phẩm, tư cách của mình để đổi về danh lợi, thăng quan tiến chức, vinh thân phì gia. Tú Mỡ chỉ đích danh chúng mà chửi: chúng chỉ là một “bọn nịnh thần ôm… váy”. Chúng là những kẻ đại diện cho trí thức Việt Nam sang mẫu quốc để làm chứng cho công “khai hoá” của Đại Pháp; chúng không ngớt lời ca tụng nước “Lang xa”, nịnh hót kẻ trên, phỉnh phờ người