Nghệ thuật đặc tả thiên nhiên trong các tập kỷ hành của Bashô

Một phần của tài liệu Thiên nhiên trong thơ Matsuo Bashô dưới ánh sáng Thiền Tông (Trang 85 - 96)

2.2.3.1. Thủ pháp tương phản

Thủ pháp tương phản không chỉ có ở thơ haiku của Bashô mà nó có từ rất lâu trong truyền thống văn hóa, văn học Nhật Bản. Ngay từ những năm 40 của thế kỷ XX, Ruth Benediet, nhà dân tộc học người Mỹ tuy chưa một lần đến Nhâ ̣t và chỉ nghiên cứu tâm lý Nhật Bản để phục vụ cho quân đội Mỹ , vẫn gói trọn chân dung văn hóa đất nước của nữ thần Mặt Trời Amaterasu trong tiêu đề tác phẩm: “Hoa cúc và Thanh kiếm”. Hữu Ngọc, nhà văn hóa học Việt Nam thì cho rằng: Người Nhật có thể thưởng thức vẻ đẹp mong manh của hoa anh đào và ánh thép sắc lạnh

người của thanh bảo kiếm. Đó chính là sự tương phản, là một trong những nét đặc

sắc của văn hóa Nhật Bản.

Chúng ta từng biết đến một nền văn hóa ảnh hưởng sâu sắc từ tôn giáo, bởi thế chữ “đạo” luôn được nhắc đến: trà đạo (shado), hoa đạo (Ikebana), lễ hội ngắm hoa (Hanami)... Sự tinh tế, thanh nhã của các nghi thức trên luôn được soi chiếu trong sự dữ dội của văn hóa kiếm đạo (kendo), truyền thống võ sĩ đạo (Bushido), nghi thức mổ bụng tự sát (Sappuku) của các Samurai, tục người già tìm cái chết trong núi để giảm gánh nặng cho con cái, hay những đội phi công Thần phong trong thế chiến thứ II.

Đến với văn học, sự tương phản cũng được thể hiện rõ nét. Sự tương phản về thể loại trong văn học Nhật Bản là sự đối lập giữa trường thiên tiểu thuyết được coi là dài nhất thế giới gồm hàng trăm cuốn với thể thơ haiku 17 âm tiết được coi là ngắn nhất thế giới. Những vở kịch Nô đầy suy tưởng, nặng nề về cõi âm và thấm đẫm tư tưởng Phật giáo của tầng lớp võ sĩ đạo và giới quý tộc được đặt cạnh những vở kịch bình dân Kabuki dùng để mua vui cho thương nhân, kỹ nữ…Tiếp nữa, các

thời đại văn hóa tương phản kế cận nhau đã in bóng trong các thời đại văn học. Đến với nội hàm thể loại haiku, chúng ta thường xuyên gặp những cặp hình ảnh tương phản, một trong những minh chứng rõ nhất là ở các sáng tác của Bashô. Đó là sự đối lập giữa cái yên tĩnh-tiếng động, cao-thấp, vũ trụ bao la-con người bé nhỏ, đó là sự tương phản giữa cái hữu hạn-vô hạn, giữa không-có, rất đặc trưng của Thiền:

Biển sẩm tối

tiếng vịt hoang kêu nhợt nhạt trắng

Một con vịt hoang đối chọi với biển đêm, cái nhỏ nhoi tội nghiệp của chú vịt càng làm tăng cái bao la mịt mùng của biển. Biển-vịt, sẩm tối-nhợt nhạt trắng, đó là hai cặp tương phản rõ nhất mà nhà thơ muốn đặc tả. Nếu ai đã từng đi biển và ngắm nhìn nó trong đêm thì không tránh khỏi cảm giác hoang vu thậm chí hãi hùng. Một màu đen từ trời đổ xuống biển tạo thành một mảng màu đen như ập đổ xuống con người. Giữa cái bảng màu đen choáng ngợp ấy là màu trắng nhợt của chú vịt. Một tiếng kêu rơi vào giữa không trung để rồi tan vỡ và biến mất không một dấu vết. Cái bé nhỏ đặt cạnh cái mênh mông bát ngát để tạo sự thu hút, nó giống như nghệ thuật trong hội họa vậy. Sự tương phản của màu sắc, hình ảnh đã tạo nên ấn tượng cho bức tranh thiên nhiên ấy. Hay một tiếng ve giữa núi non hùng vĩ:

Nhẹ nhàng thanh thoát tiếng ve ca

thấm vào non núi

Những chú ve bé nhỏ là hiện thân của mùa hè, chúng kêu đến nát cả thân gầy cho mùa hạ rộn rã. Nhưng chú ve xuất hiện trong thơ Bashô không phải là đàn ve và dàn đồng ca mùa hạ mà nó chỉ là một chú ve đơn độc giữa non núi. Không có sự trả lời, không một lời đáp trả, núi non trùng điệp như hút cả tiếng ve vào trong nó. Lại một sự tương phản để tạo nên những day dứt trong lòng lữ khách về cuộc sống phù du của kiếp người phiêu bạt. Bashô nói nhiều đến những nhọc nhằn của con người, nhưng ông lại tìm thấy sức sống từ bài ca lao động của họ:

Đi qua cánh đồng kéo ngựa đến (để nghe) chim cuốc

chim cuốc kêu như một nghệ sĩ vậy. Thanh âm của cuộc sống đã đẩy lùi những lam lũ của người lao động, tình yêu thiên nhiên, say mê cuộc sống khiến con người tìm được niềm vui sống. Con người luôn vượt lên hoàn cảnh thực tại và số phận mình để tận hưởng cuộc sống hạnh phúc. Bashô còn nhìn thấy sự lạc quan đó trong cả những con vật:

Dế kêu vui vẻ

không ai có thể đoán nó sẽ chết sớm

Cái có và không, tồn tại và diệt vong luôn là những mảng tương phản đậm nét trong thơ Bashô. Nói đến thơ haiku Bashô người ta hay nhắc tới hình ảnh con quạ, sự xuất hiện của chúng đã tạo được những khối màu tương phản để tô thêm vẻ đẹp của bức họa thiên nhiên:

Con quạ ô

sáng nay trong tuyết đẹp không ngờ

Bashô hay dùng màu đen-trắng đặt cạnh nhau để tạo sự tương phản đồng thời trong sự khác biệt ấy lại có sự bình đẳng và hỗ trợ nhau tạo nên sức hút mạnh vào trực giác người tiếp nhận. Con quạ đen bé nhỏ tương phản với cả không gian tuyết trắng, tạo nên bức tranh đẹp không ngờ. Và đây nữa con quạ hữu hạn đối lập với chiều thu vô hạn tạo nên khung cảnh tịch mịch. Chiều kích của không gian được nới rộng không biên giới trong khi đó một cánh cò, một cành khô đơn độc có cái giới hạn tồn tại trong vũ trụ:

Trên cành khô cánh quạ đậu chiều thu

Bahso đã tìm ra chân lý của đời sống, trong sự đối lập có tương hỗ và ngược lại. Bashô mượn những hình ảnh từ thiên nhiên để nói cái đối lập của trường cửu với cái nhất thời:

Ao cũ

con ếch nhảy vào vang tiếng nước xao

Hình ảnh cái ao cũ hiện ra trong đó cả cái lâu bền của thời gian và truyền thống của con người, trong nó có cái vĩnh cửu của không gian và thời gian. Hình ảnh con ếch nhảy vào ao tạo nên một tiếng vang, hay chính là sự phá vỡ cái mô phạm đang tồn tại lâu nay. Chỉ một con ếch, một cú nhảy mà tạo nên cả thay đổi lớn diễn ra cả trong không-thời gian. D.T.Suzuki bình luận: cái ao cũ của Bashô nằm bên bờ kia vĩnh cửu nơi của thời gian vô thời gian. Đó là nơi vạn vật sinh ra là nguồn suối của thế giới sai biệt này nhưng trong chính nó không hề có mảy may sai biệt nào.

Thủ pháp tương phản có phải xuất phát từ sự cực đoan trong tính cách người Nhật? Bashô là một người yêu truyền thống và ông đã khẳng định được sự tồn tại của mình với cuộc đời để tên ông không lẩn khuất trong muôn vàn thi hào lỗi lạc của đất nước một thời. Có thể lý giải nghệ thuật tương phản trong thơ Bashô từ sự ảnh hưởng truyền thống. Đó là truyền thống của một đất nước có lịch sử kiến tạo địa chất không ổn định nên thiên tai thường xuyên ập đến nhưng chính những yếu tố địa lý đặc biệt đó đã ban tặng cho nơi đây một thiên nhiên tươi đẹp. Bốn mùa luôn chuyển trong nền nhiệt lớn tạo nên tính cách đặc biệt của những con người sống trên quốc đảo biệt lập này. Có thể nói những yếu tố lịch sử góp phần không nhỏ trong sự hình thành tính cách Nhật. Đó là sự thay đổi của một nền văn hóa trong giai đoạn khai thông chính sách mở cửa hội nhập với truyền thống bế quan tỏa cảng không lưu thông, nơi đây cũng diễn ra những cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn triền miên... Kéo theo đó là sự du nhập của các tôn giáo từ nước ngoài vào tạo ra sự va chạm với tín ngưỡng, tôn giáo bản địa... Những yếu tố đó đã tạo ra sự tương phản gay gắt trong văn hóa Nhật Bản trong đó có văn học.

2.2.3.2. Cấu trúc nghệ thuật ngắn gọn, hàm súc

Bashô không phải người đầu tiên sáng tạo ra thể loại haiku, nhưng những cách tân của ông đã làm nên diện mạo mới cho thể loại này để đến Masaoka Shiki nó có tên gọi haiku. K.Yasuda cho rằng thường thường người đọc một bài thơ bài cú sẽ nhận biết được vì sao tác giả viết bài thơ này. Qua ba câu ngắn gọn của bài thơ, người đọc thấy được không gian, nơi tác giả dừng lại và thời gian lúc tác giả dừng lại. Một bài thơ haiku gói ghém đầy đủ trong 17 âm, lý do, không gian và thời gian nảy sinh bài thơ. Vì số chữ bị giới hạn trong 17 âm (tuy có khi du di ít hoặc nhiều âm hơn), thơ haiku thường chỉ diển tả một sự kiện xảy ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại. Sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng khác nhau mà ít khi

người ta nghĩ đến cùng một lúc. Ðọc thơ haiku, ta cảm nhận được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả. Tác giả dường như chỉ chia sẻ với người đọc một sự kiện đã quan sát được. Nhưng người đọc vẫn có thể nghiệm được tình cảm của tác giả, một tình cảm nhè nhẹ, bàng bạc trong cả 17 âm, nói lên niềm vui sống hay sự cô đơn, đôi khi cũng nêu ra điểm tác giả thắc mắc về cuộc đời của con người: ngắn ngủi, phù du, trước sự vĩnh hằng của thiên nhiên.

Haiku có lẽ được coi là thể loại thơ ngắn nhất thế giới và Bashô là người mang đến cho thể loại này tính trang nghiêm. Trong tiếng Nhật người ta có thể trình bày một bài haiku trong một dòng nhằm mục đích biểu diễn thư pháp và đề lạc khoản cho bức ho ̣a. Sang Việt Nam, chúng được xếp làm ba dòng. Có thể nói sự ngắn gọn của thể loại này đã mang đến tính hàm súc, cô đọng và yêu cầu người viết có sự chọn lựa từ và cảnh rất đắt. Đọc thơ haiku chúng ta dễ cảm thấy rời rạc và không có sự mượt mà vần điệu, tuy nhiên các sự vật tưởng như không có mối liên hệ nào ấy lại có sự ràng buộc từ bên trong. Có thể so sánh sự cô đọng của haiku Nhật Bản với tứ tuyệt của Trung Quốc, Sijo của Triều Tiên và thơ lục bát của Việt Nam. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Ngắn không có nghĩa là đơn giản. Bashô mang đến cho thể loại haiku ngắn gọn sự sâu sắc của những tầng ý nghĩa mà không phải người đọc nào cũng nhận thấy, và hơn thế ông đã nén tư tưởng, tình cảm phong phú vào hình thức nhỏ gọn. Bởi thế tiếp nhận haiku đòi hỏi người đọc thực sự là người đồng sáng tạo. Trước thiên nhiên tươi đẹp, Bashô không thể dùng từ ngữ để nói hết được sự ngỡ ngàng của mình, ông nhắc lại ba lần tên “Matsushima” và thán từ “a”, còn lại xin để người đọc tự cảm nhận:

Matsushima ya a Matsushima ya Matsushima ya

Đến với bài thơ quá ít “thông tin” ấy, chúng ta không cần dịch nghĩa của nó cũng có thể cảm nhận được tình cảm của nhà thơ trước thiên nhiên hùng vĩ của xứ sở mình. Hai yếu tố duy nhất kết cấu nên bài thơ và chiều sâu của nó cũng nén lại trong hai từ đó. Sự ngắn gọn trong thơ Bashô đó là con đường đi vào miền sâu thẳm:

Những chiếc lá rơi dường như trăm tuổi

giữa ngôi vườn chùa

Không gian tịch mịch của ngôi chùa và những chiếc lá rơi đã tạo nên trầm tích của thời gian. Lá rụng, mùa đang qua và thời gian trôi đi, chỉ con người là đứng lại. Trước sự đối lập của không-thời gian vô hạn định và kiếp sống hữu hạn của con người Bashô không tránh khỏi cảm giác bâng khuâng của nỗi vô thường. Bashô gói ghém cả tâm sự của mình gửi vào vầng trăng non dại kia:

Vầng trăng non dại theo tôi từ độ ấy có ai ngờ đêm nay

Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết, người ở đời đâu khỏi kiếp gian nan. Ông không lạc lõng giữa thiên nhiên và cuộc đời bởi ông coi tất cả những gì thuộc về thiên nhiên đều là bầu bạn. Dòng đời trôi nổi, cũng có lúc ông tự đặt câu hỏi cho chính cuộc đời mình:

Trên con đường này giữa chiều thu ấy đi về không ai

Nỗi cô đơn của ông như thấm sâu vào vũ trụ. Giữa không gian hun hút của con đường trước mặt và chiều kích thăm thẳm của thời gian, Bashô không giấu nổi băn khoăn về con đường mình đang đi. Ông không đặt dấu hỏi cho mình mà cho mai hậu, không biết có ai còn muốn đi về trên con đường ấy không, con đường của những cuộc hành trình về với mẹ thiên nhiên. Thơ haiku tìm được cho mình một hình thức thể hiện vừa vặn, không phải gò bó, khác hẳn với nghèo nàn đơn điệu, nó là sự hòa hợp: “sự ngắn gọn của haiku không phải là vấn đề hình thức; haiku không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn mà là một sự tình vắn tắt đã tìm ra được hình thức vừa vặn của mình”.

Sự ngắn gọn được coi là một tiền đề của hàm súc. Haiku của Nhật Bản cũng giống như Sijo của Triền Tiên, chuẩn mực của nó cũng gồm ba dòng thơ có thể là 14 hoặc 16 âm tiết. Trong đó thể tam tuyệt này một lần nữa được chia thành ba phần: đầu, giữa và cuối; mỗi dòng thông thường có bốn nhóm âm tiết. Chỗ ngắt giọng cũng như khi nghỉ hơi thường đặt vào sau nhóm âm tiết thứ hai trong mỗi dòng. Nó thường được trình bày:

Dòng hai: 3 4 4 4 Dòng ba: 3 5 4 3

Đây là thể loại xuất hiện vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, là thể thơ có niêm luật và phổ biến nhất ở Triều Tiên thời trung cổ và nhiều thế kỷ sau đó. Trong Sijo thiên nhiên chiếm vị trí chủ đạo, ngoài việc ca ngợi núi sông, trăng hoa… tác giả cũng kêu gọi thoát tục và thi vị hóa cảnh nghèo nàn. Con người tìm đến thiên nhiên rời bỏ chốn cung đình để phản kháng hiện thực thời đại và thiên nhiên cũng thể hiện quy luật xoay vần của thời gian:

Nhìn hoa rụng

Và chồi non đang nhú Có lẽ mùa thay đổi

(Shim Hưm) Thể thơ tuyệt cú gồm bốn câu, 28 âm tiết cũng được coi là thể thơ ngắn nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Giống với haiku Nhật Bản và Sijo Triều Tiên, những bài thơ tuyệt cú nói ít gợi nhiều:

Bên đê cổ tha thướt Liễu như vòm trời xanh Giá mà tơ chẳng dứt Níu giữ buộc thuyền anh

(Ung Dụ Chi)

Dường như mọi suy tư, ý nghĩa đều dồn cả về câu kết. Có lẽ vì thế mà đọc các thể loại thơ cực ngắn này chúng ta không thể coi nhẹ câu cuối, bởi trong nó bao chứa cả thần sắc của bài thơ. Trong sự tương đồng của các nước đồng chủng, đồng văn, Việt Nam cũng có một thể loại truyền thống được coi là sự chung đúc cô đọng trong 14 âm tiết đó là thể thơ lục bát có nguồn gốc từ ca dao:

Gió sao gió mát sau lưng

Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này

(ca dao)

Sự cô đọng của các kết cấu ngắn gọn từ các quốc gia khác nhau đã hội tụ nhau lại bởi những đóng góp của nó đối với thi văn dân tộc. Có thể nói sự ngắn gọn đã tạo nên một thể loại thơ ca đặc sắc mà người đọc phải thực sự là những người

đồng sáng tạo mới có thể tiếp cận được các vỉ tầng ý nghĩa. Nét tương đồng của haiku Nhật Bản, Sijo Triều Tiên, lục bát Việt Nam và tứ tuyệt Trung Quốc là: chúng đều có nguồn gốc từ thơ ca dân gian, sức nặng của bài thơ dồn cả vào câu cuối và cả bốn thể loại đều có vị trí quan trọng đối với thơ ca mỗi dân tộc.

Một lần nữa hãy lắng nghe tiếng thơ Bashô và thả hồn mình theo những liên tưởng, bước vào những miền bỏ ngỏ trong haiku để thêm một lần hiểu được sức nặng của sự cô đúc, hàm súc từ thể loại này:

Mùa đông vò võ thế gian một màu

Một phần của tài liệu Thiên nhiên trong thơ Matsuo Bashô dưới ánh sáng Thiền Tông (Trang 85 - 96)