Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tác phẩm đợi mặt trời của phạm ngọc tiến (Trang 39 - 42)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.3.2. Thời gian nghệ thuật

Theo Từ điển thuật ngữ văn học (2007), thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học chính là “hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Cũng như không gian nghệ thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật. Sự phối hợp của hai yếu tố thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật. Khác với thời gian khách quan được đo bằng đồng hồ và lịch, thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược quay về quá khứ, có thể bay vượt tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát thành vô tận” [2, Tr.322].

Nhà lí luận Nga D.X.Likhachop cho rằng: “thời gian vừa là khách thể vừa là chủ thể và đồng thời là công cụ phản ánh văn học. Văn học ngày càng thấm nhuần ý thức và cảm giác về sự vận động của thế giới trong hình thức hết sức đa dạng của thời gian” (Thi pháp văn học cổ điển Nga – La Khắc Hòa dịch. Tạp chí văn học số 2 – 1989).

Trong tác phẩm văn chương, thời gian chỉ trở thành nghệ thuật khi nó trực tiếp tác động vào nhân vật, vào môi trường mà ở đó diễn ra số phận của nhân vật và những biến động của tâm tư, tình cảm của con người. Thời gian nghệ thuật là hình thức của hình tượng nghệ thuật thể hiện tài năng và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ… nó được nhận biết nhờ các mối quan hệ giữa các biến cố, có thể là quan hệ nhân quả, quan hệ tâm lí hoặc liên tưởng. Tuy nhiên điều quan trọng không chỉ là cách biểu thị thời gian mà là quan niệm, cách hiểu thời gian của tác giả.

2.3.2.1. Thời gian tâm trạng

Thời gian tâm trạng thể hiện ở cái nhìn, cái thái độ chủ quan của nhân vật trước biến đổi khách quan của thế giới. Sự vận động của thời gian không theo quy khách quan mà theo quá trình phát triển tâm lí của con người. Các bình diện thời gian bị xáo trộn, đảo ngược không tồn tại độc lập trong một mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với nhau. Từ đó, tạo ra khả năng đối chiếu giữa quá khứ, hiện tại, tương lai. Đây là thủ pháp nghệ thuật giúp nhà văn quan sát cuộc sống và số phận thể hiện thế giới nội tâm phong phú và phức tạp của con người.

Thời gian tâm trạng biểu hiện qua cảm nhận của nhân vật nhưng cũng chính là của tác giả tùy theo hoàn cảnh, tâm trạng. Có những tác giả thích diễn tả thời gian qua sự nhớ nhung, xa cách như Xuân Diệu, Tố Hữu, có tác giả thích miêu tả thời gian của sự chiêm nghiệm, hồi tưởng như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, cũng có tác giả miêu tả thời gian của sự giằng xé, đấu tranh nội tâm nhân vật như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng… Tựu trung lại, thời gian tâm trạng, là thời gian của dòng ý thức, tâm trạng của nhân vật.

Phạm Ngọc Tiến đã thể hiển thời gian tâm trạng qua việc diễn tả đời sống nội tâm nhân vật. Thời gian này biểu hiện của sự nhớ nhung, xa cách, sự khắc khoải chờ đợi, sự hy vọng, hồi tưởng, suy tư, mơ ước… những cung bậc cảm xúc ấy có khi biểu hiện ra ngoài bằng những hành động ý thức hoặc vô thức của nhân vật Nghĩa choắt.

Đó là khi gặp được chị Lan tại quán Mặt trời nhưng “chị đang tâm đuổi ”. Gặp được chị là điều mà nó mong chờ suốt ba tháng ròng sau khi ra trại đi tìm chị mà vẫn biệt tăm. Nhưng chị đang tâm đuổi nó khiến “đầu nó như bị đông sệt lại”, “tai như có tiếng sấm nổ”, “Bụng réo òng ọc nhưng nó không thấy đói. Càng không muốn ăn”, “Mặt Nghĩa choắt ướt đầm. Nó khóc”,

“Nước mắt Nghĩa vẫn tứa ra”,Đầu vẫn o o như nhốt muỗi bên trong. Có đến mấy chục con đom đóm nhẩy tí tách trước mặt nó”.

Hay là khi Nghĩa về nhà Ngọc phệ, chứng kiến cảnh bố Ngọc phệ bị “thuốc” vật và thấy Ngọc phệ òa khóa như “nhọt vỡ”. Nghĩa choắt hết chịu nổi. Nó bỏ ra ngoài. “Người nó nẫu ra như chuối chín. Nó gục mặt vào lần vỏ xù xì của cây xấu ven đường. Nước mắt nó tức tưởi chảy thấm vỏ cây. Ngọc phệ ơi! Tao thèm muốn có một gia đình như mày. Tao thèm muốn có một người bố như bố của mày”, “Buồn tủi nghẹn ngào, Nghĩa choắt biết rằng đến cả thứ nước mắt như của Ngọc phệ đang khóc nó cũng không có. Chưa bao giờ có!”. Nó muốn có một người cha cho dù người cha ấy bị nghiện ngập.

Hay là khi nó nghe người ta nói nó vì hư hỏng, học dốt nên phải đi bán báo, nó đã vụt chạy đi “Nó không cầm nổi nước mắt”, “sống mũi cay cay”, “đầu nó âm ỉ chứa một nỗi gì đó không thể hiểu nổi. Toàn thân nao nao. Nó giam mình trên chiếc ghế đá”. Bởi, Nghĩa luôn khao khát có một mái ấm gia đình như những đứa trẻ khác.

Trong tác phẩm Đợi mặt trời của Phạm Ngọc Tiến, thời gian tâm trạng diễn ra không theo một quy luật nào, nó phụ thuộc vào cảm xúc của nhân vật, có khi có nguyên cớ, có khi là tác động vô tình của hoàn cảnh đem tới. Thời gian tâm trạng dễ biến đổi theo dòng suy nghĩ, theo hoàn cảnh và những tác động khách quan chi phối tới nhân vật. Qua mỗi dòng tâm trạng khác nhau của Nghĩa choắt trong Đợi mặt trời, là nỗi lòng, niềm mơ ước và khát vọng về một hạnh phúc, một mái ấm gia đình, một tương lai tốt đẹp.

2.3.2.2. Thời gian lồng ghép

Nếu như dòng thời gian tâm trạng tồn tại dưới cái nhìn chủ quan của nhân vật, thì thời gian lồng ghép là sự giao hòa giữa cái nhìn chủ quan của nhân vật và sự tồn tại của khách quan của sự vật. Giữa không gian và thời gian luôn có sự giao thoa, thời gian có thể bị đảo lộn giữa hiện thực và quá khứ. Phạm Ngọc Tiến không mô tả từng lát cắt của thời gian, làm xóa nhòa

ranh giới giữa tác giả và nhân vật, tạo nên góc nhìn khách quan của nhà văn với đối tượng được soi chiếu. Thời gian đang hiện tại bỗng quay lại quá khứ qua dòng suy nghĩ của Nghĩa choắt. Đó là khi chị Lan đang tâm đuổi nó tại quán Mặt Trời, rồi tác giả đã kể lại Nghĩa choắt gặp chị Lan như thế nào. Là khi gặp lại Thái ngọng – người cùng nhóm “Băng Phiến” trước kia, Phạm Ngọc Tiến đã cho người đọc thấy được ngày Nghĩa choắt gặp chị Lan một cách tình cờ ra sao. Khi gặp gã Kính đen, gã Nạng gỗ, Nghĩa choắt lại nhớ đến những ngày “nó từng cầm ống bơ của đám hát này đến chai cả tay”. Không chỉ đan xen giữa hiện thực và quá khứ, Phạm Ngọc Tiến còn thành công trong việc đan xen giữa hiện thực với viễn cảnh tương lai khi “Thằng Nghĩa đắm mình trong một tương lai rạng rỡ”. Nó mong ước nhanh chóng đến ngày mà chị đón nó về ở cùng “Hai chị em nó sẽ làm lại cuộc đời. Nó sẽ được đến trường học thật sự. Chị Lan sẽ không để cho nó phải vất vưởng bán báo kiếm sống”. Đó là một tương lai “Mười ba tuổi. Nó sẽ cố lớn thật nhanh. Cũng như Ngọc phệ nó sẽ đi làm một việc gì đấy. Rồi sẽ có tiền. Nó và chị Lan dựng một ngôi nhà nhỏ, Chị Lan không phải đi làm cái nghề kia nữa. Chị sẽ lấy chồng. Sẽ đẻ con. Đứa con sẽ có đủ cả bố và mẹ. Nhất định phải thế”. Không gian và thời gian đã để cho nhân vật tự bộc nội tâm, khiến người đọc bám sát diễn biến qua dòng suy nghĩ của nhân vật, theo dỗi cốt truyện một cách dễ dàng nhất. Những hồi ức của nhân vật là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Những dòng hồi ức ấy càng làm cho thế giới nội tâm của nhân vật được bộc lộ rõ nét.

Tóm lại, Phạm Ngọc Tiến đã đưa người đọc vào một thế giới sinh động, giữa thực và hư như một điều kì bí. Thể hiện một ngòi bút xuất sắc khi kết hợp hài hòa giữa không gian và thời gian nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tác phẩm đợi mặt trời của phạm ngọc tiến (Trang 39 - 42)