Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tác phẩm đợi mặt trời của phạm ngọc tiến (Trang 31 - 35)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Nhân vật luôn giữ vị trí trung tâm làm nên giá trị của tác phẩm. Qua việc dựng nhân vật ta có thể thấy được tài năng và vốn sống của nhà văn. Hơn nữa, nhà văn bao giờ cũng muốn thông qua nhân vật trong tác phẩm của mình để bộc lộ quan niệm hoặc gửi gắm vào đó những suy nghĩ của mình. Vì thế, mỗi nhà văn sẽ lựa chọn cho mình cách xây dựng nhân vật sao cho hiệu quả nhất.

Với việc miêu tả chân dung nhân vật, ngoài việc thể hiện tài năng, còn thể hiện phương diện thẩm mĩ, trí tưởng tượng phong phú của tác giả Phạm

Ngọc Tiến. Thông qua đó làm nổi bật về một cái đẹp, cũng có khi là cái xấu với dụng ý diễn đạt những thông điệp mang giá trị tư tưởng và nội dung mà tác giả muốn trình bày.

Đọc tác phẩm Đợi mặt trời của Phạm Ngọc Tiến, người đọc không thể quên hình ảnh của Nghĩa choắt. Gọi là Nghĩa choắt, ta cũng phần nào hình dung được“Người nó quắt, chân khẳng như điếu thuốc đầu lọc “Đã mười ba nhưng nó còi cọc chỉ nhỉnh hơn đứa bé lên mười chút ít. Duy có khuôn mặt là đúng tuổi. Thậm chí già hơn”. Có lẽ, cuộc sống mưu sinh khiến cho khuôn mặt ấy, tâm hồn ấy già hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi. Hay cũng vì áp lực cơm áo gạo tiền khiến cho đứa bé ấy cũng không chăm chút vẻ ngoài của chính mình “Đám tóc lởm khởm, cứng quèo quèo hơn cả rễ tre […] đầu Nghĩa choắt nom hệt như cái bàn chải giặt”.

Hình ảnh của Ngọc phệ được Phạm Ngọc Tiến khắc họa cũng rất ấn tượng. Ngọc phệ vốn là đứa trẻ thành phố hẳn hoi, nhưng chỉ vì mẹ mất, bố chán đời dính vào ma túy, không chịu đựng nổi đòn roi và những đợt lên cơn của bố mà phải bỏ nhà đi tự kiếm sống. Nếu như Nghĩa choắt người quắt lại, chân tay khẳng như điếu thuốc đầu lọc thì Ngọc phệ là đứa trẻ dù“Khổ sở nhưng vóc dáng nó cứ phổng ra như ăn nhầm bột nở”

Hiền sầu là đứa con gái có hiếu. Với Hiền sầu, nó phải lang thang ngoài đường bán báo kiếm thêm tiền không chỉ để lo miếng cơm manh áo, mà vì muốn đỡ đần gia đình kiếm thêm tiền mua thuốc cho mẹ. Bằng tuổi với Nghĩa choắt nhưng “Nghĩa choắt đã còi, nó còn còi bằng mấy. Con gái mười ba mà người ngắn cũn. Mình lép xẹp như đầu rắn hổ mang lúc khua lưỡi, phun nọc. Tóc tai lơ phơ như râu ngô cớm nắng”. Nói chuyện với nó ngang với đầu gối. Người nó cứ rù rà, rù rờ suốt ngày.

Ta bắt gặp hình ảnh của Hùng sứt với “Cái răng cửa to như hạt ngô Trung Quốc bị sứt hẳn một nửa”. Lan – mặt trời bé xíu của Nghĩa choắt. Lan

được khắc họa với “đôi chân trần trắng muốt”, “Chị Lan diện như một bà hoàng. Ví đầm đeo thũng thẵng nom rất tung tẩy”. Phạm Ngọc Tiến tuy không miêu tả nhiều về Lan, nhưng chỉ bằng ngần ấy, nhưng người đọc có thể thấy một người con gái thu hút mọi ánh nhìn với làn da trắng muốt. Thầy Tường là công an, là thầy giáo dạy Nghĩa choắt ở trường giáo dục trẻ em hư. Người đọc ấn tượng với thầy Tường là nụ cười “phô hàm răng đều tăm tắp trắng như ngô non”. Một nụ cười với hàm răng mà nhiều người mơ ước

“Răng đàn ông mà đẹp thế”

“Người đàn bà trong ảnh” – mẹ Nghĩa choắt, người đàn bà ấy hiện lên trong trí nhớ của Nghĩa với “khuôn mặt gầy guộc rặt rãnh ngang nhăn nhúm”. Với từng hoàn cảnh “người đàn bà trong ảnh” ấy để lại những ấn tượng khác nhau khác nhau trong lòng bạn đọc. Lúc trên xe ô tô ở bến xe liên tỉnh phía Bắc gặp Nghĩa choắt vội lấy “bọc chè” thì người đàn bà ấy nhìn “cái liếc sắc lẹm”. Hay lần gặp Nghĩa ở nhà lang Trình “bà dừng lại rất nhanh ở thằng Nghĩa. Mắt lạnh.[…] Mắt người kia trùng xuống”. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Có lẽ vì thế mà “người đàn bà trong ảnh” được Phạm Ngọc Tiến khắc họa chủ yếu qua đôi mắt. Đôi mắt ấy dù lạnh nhưng chứa đựng những tâm tư, tình cảm của một người mẹ và đặc biệt tình mẫu tử luôn thường trực trong đó khiến “Thằng Nghĩa thấy lướt qua da thịt nó một luồng hơi ấm dìu dịu”.

Thằng Phiến – cầm đầu “Băng Phiến” (nhóm trộm vặt, thằng Nghĩa từng gia nhập), Phạm Ngọc Tiến đã tái hiện trước mắt người đọc là “một gã mặt choằn”, “Mặt choằn choặn, thịt như xoắn vào nhau nổi gợn. Mắt, một to, một nhỏ”, “mũi thẳng đơ như bị róc hết thịt, miệng lúc nào cũng ngoác ra như cá trê phi hớp mồi”. Nếu thầy Tường ấn tượng với người đọc bởi nụ cười “phô hàm răng đều tăm tắp trắng như ngô non” thì Phạm Ngọc Tiến đã khắc họa hình ảnh thằng Phiến với hàm răng “eo ơi đen như tàn đóm”, tóc thì

bết bệt vào nhau sũng nước”. Thằng Phiến không để lại được mấy ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn đọc.

Ngoài ra, Phạm Ngọc Tiến còn khắc họa hình ảnh của một số nhân vật khác như Toàn sẹo, Kính đen, Nạng gỗ, cô Ánh, Hải thần sét và lang Trình. Tuy không nhiều nhưng nó góp phần làm nên thành công của tác phẩm. Toàn sẹo “người nhỏ nhưng võ nghệ cao cường lắm […] Gọi Toàn sẹo vì trên gò má phải của anh đeo một cái sẹo dài thượt, lua nhua nom như con rết cụ đang bò, hãi lắm”. Nạng gỗ bị tật từ nhỏ “một chân còn tàm tạm[...] Chân kia, từ đầu gối trở lên không sao. Từ đầu gối trở xuống thẳng đơ như ống giang, không bàn, không ngón”. Cô Ánh – trực văn phòng kiêm thủ quỹ thu, chi cho nhà Nguyễn Hoát – “Cô đẹp”. Còn Hải thần sét bước đi huỳnh huỵch, “tóc cợp gáy”, “tay chạm trổ rồng rắn”. Lang Trình được miêu tả với khuôn mặt “chưa cũ lắm” nhưng “thân hình đã choắt choặt như một ông già. Lại là thứ ông già suy dinh dưỡng. Hốc mắt sâu, râu tóc để dài, da sàm sạm”.

Như vậy, khi miêu tả ngoại hình nhân vật, Phạm Ngọc Tiến đã sử dụng nhiều nghệ thuật so sánh, gọi tên nhân vật theo đặc điểm ngoại hình và các kiểu câu văn tả nhằm đưa người đọc vào cái xa lạ để thỏa mãn trí tưởng tượng. Miêu tả ngoại hình nhân vật là cách để nhà văn thể hiện đời sống hay tính cách của nhân vật, ngoại hình sẽ nói lên tâm tính, số phận nhân vật. Tác giả đã đem đến những cảm nhận khách quan về thế giới nhân vật trong mỗi trang viết của mình.

Tóm lại, sự kết hợp với biện pháp so sánh để miêu tả nhân vật đã đem đến cho người đọc cái nhìn toàn diện về thế giới nghệ thuật trong truyện của Phạm Ngọc Tiến. Đó là một thế giới muôn màu, muôn vẻ của hiện thực đời sống. Điều đó cho ta thấy tài năng trong việc sử dụng ngôn từ của nhà văn đồng thời thấy được sự đồng cảm của nhà văn Phạm Ngọc Tiến đối với những đứa trẻ lang thang vì những lí do khác nhau mà phải tự mình bươn trải kiếm sống.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tác phẩm đợi mặt trời của phạm ngọc tiến (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(48 trang)