Ngôn ngữ giàu tính tạo hình biểu cảm

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tác phẩm đợi mặt trời của phạm ngọc tiến (Trang 45 - 48)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.4.2. Ngôn ngữ giàu tính tạo hình biểu cảm

Đã là tác phẩm văn học thì tác phẩm đó phải có tính nghệ thuật, tạo hình biểu cảm về mặt ngôn từ là một phương diện nghệ thuật. Tính tạo hình và biểu cảm là một trong những đặc trưng cơ bản nhất của ngôn ngữ Việt, xét về góc độ ý nghĩa, tạo hình, biểu cảm là khi nhà văn diễn ngôn. Thứ diễn ngôn ấy mang được sắc thái về hình ảnh, cảm xúc cho người đọc, người cảm thụ những cảm xúc, hình ảnh, khi đó thứ ngôn ngữ ấy mới có giá trị nghệ thuật văn chương. Trong hệ thống từ vựng Tiếng Việt, nhóm từ thường mang lại hiệu quả cao về mặt gợi hình biểu cảm là những tính từ, động từ, thuộc nhóm từ láy, từ tượng thanh, tượng hình. Những lớp từ đó được nhà văn kết hợp hài hòa tạo thành những cấu trúc câu có ý nghĩa hàm xúc, phù hợp với ngữ cảnh sẽ mang tính gợi hình, gợi cảm.

Phạm Ngọc Tiến là cây bút khéo léo khi lựa chọn những hình ảnh chân thực, gần gũi, dễ hiểu, dùng để miêu tả những đặc trưng về diện mạo của từng nhân vật. Nghĩa choắt “Người nó quắt, chân khẳng như điếu thuốc đầu lọc, gọi quá đúng”, “Đã mười ba nhưng nó còi cọc chỉ nhỉnh hơn đứa bé lên mười chút ít”, “Đám tóc lởm khởm, cứng quèo quèo hơn cả rễ tre […] đầu Nghĩa choắt nom hệt như cái bàn chải giặt”. Toàn sẹo có “một cái sẹo dài thượt, lua nhua nom như con rết cụ đang bò”. Hiền sầu “Con gái mười ba mà người ngắn cũn. Mình lép xẹp như đầu rắn hổ mang lúc khua lưỡi, phun nọc. Tóc tai lơ phơ như râu ngô cớm nắng”. Còn Hùng sứt với “Cái răng cửa to như hạt ngô Trung Quốc bị sứt hẳn một nửa”. Thầy Tường với nụ cười “phô hàm răng đều tăm tắp trắng như ngô non”. “Người đàn bà trong ảnh” – mẹ Nghĩa choắt hiện lên trong trí nhớ của Nghĩa với “khuôn mặt gầy guộc rặt rãnh ngang nhăn nhúm”. Thằng Phiến với hàm răng “eo ơi đen như tàn đóm”, tóc thì “bết bệt vào nhau sũng nước”.

Phạm Ngọc Tiến không chỉ thành công trong việc miêu tả ngoại hình của các nhân vật mà ông còn thành công trong việc phác họa trước mắt người đọc hình ảnh của một “con nghiện” qua hình ảnh của bố Ngọc phệ: “đi lờ vờ”, “dờ dẫm”, “người ngợm teo tóp hệt như cái mắc áo hình nhân”, “bộ xương tươi”. Khi bị “thuốc” vật: “mắt mở trừng trừng”, “Chân tay khô khẳng, thịt tét đâu hết. Mồm ông méo xệch. Mồ hôi vã ra đầy mặt. Bộ cốt của ông thỉnh thoảng giật nhẹ”, “cái tay cứ như cẳng lau, quờ quạng cố cất lên. Không cất nổi”, “Không mặc được quần vì ông cứ ri rỉ tiểu tiện liên tục. Thêm cả khấu trĩ lòi dài đến gang tay nhầy nhụa máu”.

Không những vậy, ông còn tái hiện trước mắt người đọc một buổi chiều tà nơi thành phố tấp nập “Mặt trời đã chui vào kẽ các nhà cao tầng. Những dòng nắng cuối cùng phun ra từ chính những kẽ nứt ấy. Không gian loang loang vừa bàng bạc vừa xam xám rồi lại chợt vàng rờ rỡ. Tan rất nhanh thứ màu đen im lịm của tối. Đèn hồng loạt bật sáng”, “Chiếc xe cuối cùng hồng hộc chạy vào bến”, “Hành khách túa khỏi xe như một đàn ruồi bị xua khỏi cái mâm rếch. Nhoáng cái đã chỉ còn chiếc xe rỗng”.

Tác giả giúp người đọc thả mình vào một thiên nhiên miền núi rất đỗi thơ mộng: “Rừng núi có ánh trăng, tuyệt lắm. Ánh sáng nuột nà phủ xuống vàng thẳm. Trăng đầu nguồn mà – Cái ánh trăng rừng hơn trăng ở thành phố là cái chắc. Chà, lên núi trời này còn gì bằng. Tắm trăng xong ngồi mà hứng gió, sướng còn hơn tiên”.

Phạm Ngọc Tiến là nhà văn sử dụng nhiều yếu tố ngôn ngữ tạo hình, biểu cảm khiến người đọc không cảm thấy nhàm chán, mà trái lại thấy hấp dẫn, cuốn hút vào những hình ảnh mà Phạm Ngọc Tiến khắc họa trong tác phẩm “Đợi mặt trời”.

KẾT LUẬN

1. Tìm hiểu thế giới nghệ thuật của một tác phẩm chính là một trong những con đường cơ bản để tìm hiểu tác phẩm. Thế giới nghệ thuật biểu hiện quan điểm, cái nhìn cũng như sử dụng thành công nghệ thuật của mỗi tác phẩm. Thế giới nghệ thuật không chỉ góp phần làm nên tính chỉnh thể của tác phẩm văn học mà mỗi yếu tố trong thế giới ấy còn có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành phong cách của người nghệ sĩ. Những nguyên tắc khám phá thế giới nghệ thuật mà lý luận khái quát có định hướng thiết thực khẳng định việc khám phá giá trị nghệ thuật trong văn học mang tính khách quan, logic.

2. Tìm hiểu “Thế giới nghệ thuật trong tác phẩm Đợi mặt trời của

Phạm Ngọc Tiến” chúng tôi muốn khám phá những gửi gắm nghệ thuật, thông điệp nghệ thuật mà Phạm Ngọc Tiến chuyển tải. Bước đầu, chúng tôi nhận thấy Phạm Ngọc Tiến đã xây dựng được một cốt truyện hấp dẫn với tình huống truyện li kỳ, hệ thống nhân vật phong phú mang những nét tính cách riêng biệt, đặc sắc. Về mặt nghệ thuật, trên các phương diện như ngôn ngữ nghệ thuật, nghệ thuật miêu tả… Phạm Ngọc Tiến đã xác lập được những dấu ấn tích cực.

Với những điều đó, Đợi mặt trời thực sự có thể là một cuốn sách thân quý với bạn đọc nhỏ tuổi, đưa các em vào thế giới của sự phiêu lưu, tưởng tượng; từ đó giáo dục các em những bài học đạo đức, làm người. Sức sống của tác phẩm này, cuối cùng, có lẽ chính là ở điều đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Lại Nguyên Ân và nhóm tác giả (biên soạn) (1999), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

2.Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2006, 2007),

Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

3.Nhiều tác giả (1984), Từ điển văn học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 4.Phạm Ngọc Tiến (2012), Đợi mặt trời, NXB Kim Đồng.

5.Trần Đình Sử (chủ biên) (2007), Lí luận văn học (tập 2), NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tác phẩm đợi mặt trời của phạm ngọc tiến (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(48 trang)