Trong đó 3 nhân tố đầu có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất và đây là cơ sở cho việc đề xuất giải pháp tác động để thu hút DS về công tác tại BV.
4.3.2. Mối liên quan giữa các đặc điểm cá nhân với sự hài lòng công việc của DS của DS
Sự hài lòng chung của DS đối với công việc được xem là yếu tố đầu ra cuối cùng để xem xét các yếu tố liên quan.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra có sự tương quan giữa giới tính và mức độ hài lòng công việc của DS. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ DS nữ (36,6%) hài lòng cao hơn DS nam (12,2%) (p<0,05). Các nghiên cứu của Brush và cộng sự (1987); Herzberg và cộng sự (1959); Spector (1997) đều cho kết quả
135
tương tự [81], [74]. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Michael lại chỉ ra rằng nam giới hài lòng hơn nữ giới [102]. Một điểm quan trọng cần xem xét là tỷ lệ lực lượng lao động nữ ngày càng tăng trong hệ thống CSSK, trong đó có ngành dược [86]. Các nhà nghiên cứu đã lập luận rằng nam giới và phụ nữ thể hiện thái độ khác nhau đối với những công việc và thực tiễn trong sự phát triển của xã hội, điều này giải thích cho sự khác biệt trong nhận thức về hài lòng công việc và nhu cầu công việc của họ [67], [78].
Kết quả cho thấy DS chuyên tu hài lòng (31,2%) hơn DS chính quy (20%). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực trạng DS công tác tại BV.Theo một báo cáo cho thấy, tỷ lệ DS chính quy về tỉnh công tác so với số đi học chiếm tỷ lệ thấp (chưa đến 50%).Quảng Ninh chỉ có 5% DS chính quy về tỉnh nhận công tác trong 5 năm[58].Cũng theo báo cáo này, tỷ lệ DS chính quy về công tác trong lĩnh vực BV rất thấp (11%), chủ yếu là lĩnh vực kinh doanh phân phối (41,9%). Đồng thời, DS chuyên tu làm việc ở lĩnh vực dược BV cũng chiếm tỷ lệ cao nhất (44,8%). Do vậy, để khắc phục được tình trạng thiếu hụt DS tại các BV địa phương, trong khi khó thu hút DS chính quy thìviệc tăng cường cử DTC tại địa phương đi học chuyên tu cũng là một giải pháp.
Theo kết quả, không có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi với mức độ hài lòng công việc của DS (p=0,081). Trong đó, nhóm tuổi ≤30 có tỷ lệ hài lòng thấp nhất (4,3%), tiếp đến là nhóm tuổi 31-40, hài lòng cao nhất là nhóm từ 51- 60 tuổi. Kết quả này khá tương đồng với nhiều nghiên cứu về DS trên thế giới. Theo một nghiên cứu về mức độ hài lòng công việc của DS Malaysia, DS ở nhóm tuổi 26-35 ít hài lòng với công việc nhất, trong khi DS trên 55 tuổi hài lòng với công việc nhất [91]. Nghiên cứu của Patrick nói rằng càng lớn tuổi, thu nhập càng cao, DS làm việc tại các địa điểm hành nghề độc lập sẽ càng sự hài lòng với công việc [85]. Tương tự như vậy, một nghiên cứu về sự hài lòng của
136
DS BV Hồng Kông cũng khẳng định DS trẻ, mới ít hài lòng với công việc hơn do cảm thấy ít được đáp ứng trong công việc hơn [116].
Có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi liên quan tới mức độ hài lòng về công việc. Cụ thể là nhóm DS trẻ thì ít hài lòng (8,0%) hơn so với nhóm DS lớn tuổi. Tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tương tự là thâm niên công tác, có sự khác biệt giữa nhóm DS thâm niên công tác lâu năm và nhóm DS công tác ít năm (1-5 năm), trong đó nhóm DS có thâm niên công tác ít có xu hướng ít hài lòng với công việc hơn. Tuy nhiên sự khác biệt này cũng không có ý nghĩa thống kê.
Có 47,3% trưởng/phụ trách khoa dược hài lòng với công việc trong khi hầu hết (99%) nhân viên chưa hài lòng. Như vậy, vị trí quản lý là vị trí DS bệnh viện mong muốn nhất. Theo nghiên cứu của Michael, DS dành thời gian tối đa cho các hoạt động quản lý hài lòng hơn đáng kể hơn so với những người dành thời gian tối đa cho các hoạt động lâm sàng [102]. Tỷ lệ hài lòng của DS lâm sàng khá thấp cho thấy ở nước ta, DS lâm sàng còn mới và chưa được quan tâm và tạo điều kiện đúng mức. Kết quả này khá tương phản so với kết qủa từ một số nước. Trên thế giới, DS làm công tác dược lâm sàng được đánh giá khá cao. Kết quả nghiên cứu của Olson và Lawson (1996) cho thấy mối liên hệ giữa mức độ hài lòng công việc của các DS bệnh viện và sự tham gia vào các hoạt động dược lâm sàng [116]. Sự hài lòng trong công việc trung bình tăng lên khi thời gian dành choviệc thực hiện các hoạt động lâm sàng tăng lên,tương ứng với sự hài lòng trong công việc giảm khi thời gian dành cho việc thực hiện chức năng phân phối tăng lên [116].
Để tăng cường thu hút DS về làm việc tại bệnh viện, đặc biệt ở những vùng nông thôn, miền núi, tuyến địa phương, ngành y tế cần có những biện pháp nâng cao mức độ hài lòng công việc của DS, đặc biệt cải thiện những nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng công việc như: thu nhập, điều kiện làm việc, cơ hội đào tạo, học tập…
137