Khu vực biên giới ba nước là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống nói chung còn gặp nhiều khó khăn, phong tục tập quán sản xuất lạc hậu, tình trạng du canh còn diễn ra nhiều nơi. Do vậy phát triển nông thôn tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định dân cư góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn: Cơ cấu kinh tế nông thôn bao gồm kinh tế nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống. Hiện nay trong cơ cấu kinh tế nông thôn, tỷ trọng nông lâm nghiệp đang chiếm tỷ lệ rất cao từ 70 - 90% tổng thu nhập khu vực nông thôn. Mặc dù một số tỉnh trong khu vực (nhất là vùng Tây Nguyên, cao nguyên Rattanakiri, cao nguyên Boloven) đã có những vùng sản xuất hàng hoá lớn song chủ yếu vẫn là sản xuất hàng hoá thô, giá trị xuất khẩu thấp. Công nghiệp chế biến nông lâm sản phát triển chậm hạn chế sự phát triển của dịch vụ và các ngành nghề khác ở nông thôn. Mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đến 2010 là nông nghiệp chiếm 50 - 60%, công nghiệp chế biến nông thôn khoảng 20 - 30% và dịch vụ khoảng 20 - 30%. Phát triển nhanh công nghiệp chế biến, dịch vụ trước hết gắn với các vùng sản xuất hàng hoá tập trung như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chế biến gỗ, lâm sản... Đây là những ngành động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đồng thời, bằng kinh nghiệm của Nhật Bản và Thái lan, khía niệm hoặc mô hình phát triển cộng đồng "Mỗi làng một sản phẩm" nên áp dụng ở nơi nào thích hợp. Cần hỗ trợ khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống ở nông thôn như dệt thổ cẩm, đan lát, thủ công mỹ nghệ...
- Phát triển kinh tế gắn với phát triển nông thôn: Các chương trình kinh tế trọng điểm của các tỉnh trong khu vực là sản xuất lương thực, sản xuất sản phẩm hàng hoá. Việc đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất nông lâm nghiệp tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho hộ nông dân tham gia đóng góp mở mang cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, điện, các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá... xây dựng thành các vùng nông thôn phát triển, những vùng động lực. Các vùng sâu vùng xa là nơi đất rộng người thưa, các chương trình kinh tế cần gắn với phát triển nông lâm nghiệp, xoá đói giảm nghèo như chương trình phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng, chăn nuôi gia súc, trồng rừng nguyên liệu... tạo cho các vùng nghèo, các hộ nghèo có cơ hội tham gia vào phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới.
- Định canh định cư: Cần nhanh chóng quy hoạch các vùng sản xuất chuẩn bị địa bàn để hoàn thành công tác định canh định cư ổn định cuộc sống cho đồng bào các dân tộc. Xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng thiết yếu, giao đất, giao rừng và tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nông dân để hộ yên tâm sản xuất.
- Phát triển nguồn nhân lực và phát triển văn hoá truyền thống, đào tạo ngành nghề nông
thôn: Chú trọng công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật là người địa phương. Đào tạo, dạy nghề ở
nông thôn trong các lĩnh vực chế biến nông lâm sản, công nghiệp nông thôn, đào tạo những nông dân giỏi, khuyến khích phát triển nông sản hàng hoá, nâng cao trình độ tổ chức, kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Xây dựng tổ chức xã hội nông thôn cần chú trọng bảo tồn và phát triển bản sắc văn hoá của các dân tộc.