Mặt khách quan của tội phạm

Một phần của tài liệu Tội phản bội Tổ quốc trong luật hình sự Việt Nam (Trang 48 - 51)

Được thể hiện ở hành vi của công dân Việt Nam câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị, cơ sở quốc phòng, sự tồn tại và vững mạnh của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hành vi câu kết với nước ngoài được hiểu là quan hệ qua lại chặt chẽ giữa người phạm tội với người nước ngoài và thường được thể hiện ở một trong những hành vi sau:

+ Bàn bạc với nước ngoài về âm mưu chính trị nhằm chống phá Nhà nước hoặc các vấn đề khác như: chủ trương, phương thức, kế hoạch hoạt động trước mắt cũng như lâu dài gây phương hại cho nền độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

+ Nhận sự giúp đỡ của nước ngoài về vật chất như tiền bạc, vũ khí, đạn dược, phương tiện kỹ thuật, và các lợi ích vật chất khác phục vụ cho việc chống phá Nhà nước.

+ Hoạt động dựa vào các thế lực nước ngoài, hoặc tiếp tay cho nước ngoài chống lại Tổ quốc như dùng lãnh thổ nước ngoài làm hậu phương, căn cứ địa bàn để hoạt động hoặc tiếp tay, tạo điều kiện cho nước ngoài tiến hành các hoạt động chống lại độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sự cấu kết này là sự quan hệ chặt chẽ thể hiện ở mối liên hệ về lý trí, ý chí giữa người phạm tội với nước ngoài thì cấu thành tội phản bội Tổ quốc.

Không có sự câu kết, quan hệ với nước ngoài thì không cấu thành tội phạm, ví dụ: mới có ý định liên hệ với nước ngoài hoặc bắt đầu cử người đi tìm cách liên lạc với nước ngoài,... thì chưa được coi là có sự cấu kết chặt chẽ.

Như vậy, công dân Việt Nam chỉ bị coi là phạm tội phản bội Tổ quốc khi người này có hành vi câu kết với nước ngoài nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân, còn các hành vi khác không bị coi là hành vi câu kết với nước ngoài và do đó không cấu thành tội phản bội Tổ quốc mà cấu thành tội phạm khác.

Khái niệm "nước ngoài" được nêu trong điều luật này là bất kỳ nước nào khác ngoài nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối tượng mà người phạm tội cấu kết có thể là cá nhân, tổ chức Nhà nước hoặc tổ chức phi Chính phủ của nước ngoài đó. Người phạm tội có thể hoạt động công khai, trắng trợn (vụ án Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh hoạt động công khai ở nước ngoài, tổ chức họp báo, công khai câu kết với nước ngoài chống phá Việt Nam...), nhưng cũng có thể hoạt động lén lút, bí mật trên những qui mô khác nhau, gây nguy hại đến sự tồn tại của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tội phạm được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có hành vi câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho các quan hệ xã hội nêu ở trên.

Vụ án Hoàng Cơ Minh là một ví dụ cho việc câu kết với nước ngoài, dùng nước ngoài là hậu phương cho hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Ngày 30/04/1980, tại miền Nam bang California, Hoa Kỳ. Hoàng Cơ Minh dưới thời kỳ Ngụy quyền Sài Gòn là một chuẩn tướng, phó đô đốc phụ tá hải quân, tư lệnh ngụy quân vùng 2 Duyên hải của Ngụy quyền Sài Gòn đã tổ chức họp báo ra mắt "Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam" và kết nạp một số sĩ quan và viên chức cũ của chính quyền Việt Nam cộng hòa làm nòng cốt.

Đến năm 1981, Hoàng Cơ Minh đã móc nối được với Thái Lan, Chính phủ cực hữu Thái Lan đã thành lập sở đặc nhiệm 223 để yểm trợ mọi mặt cho

tổ chức phản động của y. Nhà cầm quyền Thái Lan còn cho Hoàng Cơ Minh lập tổng hành dinh ở BK và lập chiến khu "quốc nội" ở huyện Bunthơrich gần biên giới Thái Lan - Lào, thuộc tỉnh Ubon với diện tích 10km2.

Ngày 10/09/19832 tại căn cứ này Hoàng Cơ Minh tổ chức đại hội lập ra Việt Nam canh tân cách mạng đảng gọi tắt là Việt Tân, đưa ra cương lĩnh, xác định mục tiêu là xóa bỏ chế độ cộng sản ở Việt Nam. Trong chiến khu "quốc nội" Hoàng Cơ Minh lập các mật cứ 81, 83, 84 và 27 để đặc trách huấn luyện các bộ môn: chiến tranh du kích, hoạt động bí mật, thông tin liên lạc và được các chuyên gia Thái Lan trực tiếp huấn luyện quân sự. Ngày 27/12/1983, Hoàng Cơ Minh được chính quyền Thái Lan cho lập tại căn cứ 83 một đài phát thanh gọi là "Việt Nam kháng chiến" phát bằng tiếng Việt mỗi ngày 5 buổi. Đồng thời, Minh còn cho xuất bản tờ báo kháng chiến tại Mỹ và khắp các nước phương Tây. Từ năm 1982 đến năm 1985 Hoàng Cơ Minh vào các trại tị nạn người Việt trên đất Thái tuyển mộ được 200 người đưa về căn cứ huấn luyện và lập thành bốn quyết đoàn mang bí số 7684, 7685, 7686, 7687. Mỗi quyết đoàn có quân số khoảng 50 người.

Ngày 24/02/1982, tại chiến khu U - Đông Hoàng Cơ Minh họp báo công bố cương lĩnh chính trị và sau đó bắt đầu tổ chức những đợt hành quân Đông tiến, xuyên Lào trở về Việt Nam

Năm 1985 Hoàng Cơ Minh tổ chức cho Đặng Quốc Hiền, tư lệnh lực lượng vũ trang kháng chiến dẫn đầu 40 binh sĩ trở về Việt Nam. Toán xâm nhập bị quân Lào chặn đánh, Đặng Quốc Hiền bị giết. Ngày 15/05/1986 Hoàng Cơ Minh tổ chức cuộc hành quân "Đông tiến 1" gồm 100 tên do Dương Văn Tư chỉ huy xâm nhập vào Việt Nam. Ngày 19/09/1986, khi vượt biên giới Campuchia sang Việt Nam, chúng bị bộ đội biên phòng Việt Nam (đồn 637) phối hợp với bộ đội Lào, Campuchia tiêu diệt gọn, bắt sống 9 tên. Ngày 01/02/1987 Hoàng Cơ Minh mở cuộc hành quân "Đông tiến 2" xâm nhập vào Việt Nam và đích thân chỉ huy. Khi toán quân chuẩn bị vượt sông

Mekong thì bị quân đội Lào - Việt Nam phối hợp bắn chặn nên buộc phải quay về căn cứ. Ngày 07/07/1987 Hoàng Cơ Minh trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân "Đông tiến 2" lần 2 với mục tiêu xâm nhập Việt Nam đến Tây Nguyên để xây dựng căn cứ. Cuộc hành quân lần này với 3 quyết đoàn gồm 151 tên, Minh và đồng bọn đã đến cách biên giới Việt Nam 50km hướng Tây Nguyên thì bị Bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào vây đánh liên tục. Trận đánh cuối cùng ngày 27/08/1987 Hoàng Cơ Minh bị tiêu diệt, kết thúc đợt truy quét, bắt sống được 67 tên, tiêu diệt 60 tên, xóa sổ cuộc hành quân "Đông tiến 2". Tháng 12/1987, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam đã mở phiên tòa xét xử "vụ án Hoàng Cơ Minh cùng đồng bọn" và tuyên phạt 1 tên tù chung thân, 15 tên từ 3 đến 19 năm tù, một bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo và 1 tha bổng.

Với ví dụ trên cho thấy, tuy Hoàng Cơ Minh và đồng bọn đã rời khỏi Việt Nam và nhập quốc tịch nước ngoài nhưng chúng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Do đó, chúng vẫn là công dân Việt Nam và có hành động câu kết với nước ngoài, sử dụng nước ngoài làm căn cứ địa để hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ở Việt Nam. Hành vi của chúng đặc biệt nguy hiểm cho đất nước và đã cấu thành tội phản bội Tổ quốc.

Như vậy, mặt khách quan của tội phản bội Tổ quốc là một yếu tố quan trọng trong cấu thành tội phạm, nhờ đó mà có thể phân biệt được tội phản bội Tổ quốc với các tội danh khác trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Một phần của tài liệu Tội phản bội Tổ quốc trong luật hình sự Việt Nam (Trang 48 - 51)