Điểm 1 Điều 3 Luật An ninh quốc gia ngày 03/01/2004 quy định: "An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc" [27]. Điều 76 Hiến Pháp năm 1992 quy định: "Công dân phải trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất đối với dân tộc" [24].
Trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phản bội Tổ quốc là tội nguy hiểm nhất, nó xâm hại đến quan hệ xã hội, có tầm quan trọng đặc biệt đó là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm hại đến lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và đến sự tồn tại của Nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, khách thể của tội phản bội Tổ quốc được Nhà nước bảo vệ là: "Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa".
Độc lập quốc gia thể hiện ở chỗ quốc gia có quyền tự quyết định mọi vấn đề đối nội, đối ngoại của mình, các nước khác và các lực lượng bên ngoài không có quyền can thiệp hoặc áp đặt. Không có một thế lực nào, cơ quan nào đứng trên quốc gia, có quyền đặt ra pháp luật bắt quốc gia phải thực hiện. Nhà nước ta chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, các quy định của điều ước quốc tế mà nước ta ký kết hoặc tham gia, đồng thời tôn trọng các tập quán quốc tế cũng như các điều ước quốc tế do các quốc gia khác ký kết phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại.
Chủ quyền của Nhà nước gồm hai nội dung: quyền tối cao của Nhà nước ta trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của Nhà nước ta trong quan hệ quốc tế. Trong phạm vi lãnh thổ của Việt Nam, Nhà nước ta có quyền tối cao về lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mọi vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta do Nhà nước ta quyết định, các nước khác cũng như các tổ chức quốc tế không có quyền can thiệp. Mọi cá nhân, tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam, nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia không có quy định khác.
Việt Nam là một quốc gia thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo. Lãnh thổ Việt Nam là thống nhất toàn vẹn và bất khả xâm phạm, được ghi nhận trong điều ước quốc tế như Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam năm 1954, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.
Như vậy, khách thể của tội phản bội Tổ quốc có phạm vi rất rộng bao gồm: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị, khả năng quốc phòng, sự tồn tại và vững mạnh của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hành vi phản bội Tổ quốc là tội phạm nặng nhất đối
với toàn dân tộc vì tính chất nguy hiểm rất cao cho xã hội của nó. Theo quan điểm của nhà làm luật, bất kỳ công dân Việt Nam câu kết với nước ngoài nhằm mục đích thủ tiêu chế độ chính trị, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cơ sở quốc phòng, sự vững mạnh và tồn tại của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều phạm tội này.