Liên bang Nga là một trong những quốc gia hùng mạnh ở Đông Âu, trước đây là từng theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Pháp luật của Liên Xô trước đây có ảnh hưởng rất lớn với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Do đó, khi nghiên cứu pháp luật hình sự một số nước trên thế giới, chúng ta không thể không nghiên cứu pháp luật của Liên bang Nga thời kỳ Xô viết trước đây và hiện nay.
Ngày 25/12/1958, Xô viết tối cao của nước Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết thông qua Bộ luật Hình sự và có hiệu lực năm 1960. Bộ luật Hình sự năm 1960 có quy định các tội quốc sự đặc biệt nguy hiểm gồm
10 tội được quy định từ Điều 64 đến Điều 73, trong đó, tội phản bội Tổ quốc được quy định tại Điều 64:
Những hành vi do công dân Liên bang Xô viết thực hiện một cách cố ý gây thiệt hại tới chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và khả năng phòng thủ của Liên bang Xô viết được biểu hiện dưới các hình thức: chạy sang hàng ngũ của kẻ địch, chuyển giao bí mật nhà nước và bí mật quân sự cho nước ngoài thực hiện các hoạt động thù địch chống Liên bang Xô viết cũng như âm mưu chiếm chính quyền [5].
Như vậy, công dân Liên bang Xô viết câu kết với nước ngoài, đều được xem là tội phản bội Tổ quốc. Tính chất nguy hiểm của nó được biểu hiện ở chỗ: chính các hành vi phản bội Tổ quốc đã hỗ trợ trực tiếp cho các mưu đồ xâm lược của các nước đế quốc trong hoạt động phá hoại chống Liên bang Xô viết, cho nên tội phản bội Tổ quốc được coi là nghiêm trọng và nguy hiểm nhất. Theo quan điểm này, có thể chia làm nhiều trường hợp:Trường hợp là công dân Liên bang Xô viết hoạt động gián điệp thì định tội danh là tội phản bội Tổ quốc ở hình thức gián điệp. Trong những trường hợp công dân Liên bang Xô viết thu thập và chuyển giao những tài liệu khác cho nước ngoài thì không định tội danh là tội phản bội Tổ quốc ở hình thức gián điệp, mà tùy từng trường hợp cụ thể, định tội danh là tội phản bội Tổ quốc ở hình thức giúp nước ngoài tiến hành các hoạt động thù địch chống Liên bang Xô viết hay tội tuyên truyền và cổ động chống Liên bang Xô viết. Trường hợp công dân Liên bang Xô viết hoạt động gián điệp cho cơ quan tình báo nước ngoài, thực hiện hành vi phá hoại thì định tội danh hai tội: tội phản bội Tổ quốc ở hình thức giúp nước ngoài tiến hành hoạt động thù địch chống Liên bang Xô viết và tội phá hoại.
Sau khi Liên bang Xô viết và các nước Đông Âu sụp đổ, ngày 24/5/1996, Duma quốc gia Liên bang Nga đã thông qua Bộ luật Hình sự mới,
trong đó giá trị pháp lý cơ bản của luật hình sự mới vẫn tiếp tục được thừa kế các giá trị pháp lý của luật cũ, nhưng các tội quốc sự đặc biệt nguy hiểm được thay thế bởi tên gọi: "Các tội phạm chống cơ sở chế độ Hiến pháp và An ninh quốc gia". Tội phản bội nhà nước được quy định tại Điều 275 Bộ luật Hình sự năm 1996 có nhiều điểm khác so với tội phản bội Tổ quốc ở Điều 64 Bộ luật Hình sự năm 1960:
+ Khách thể trực tiếp của tội này là an ninh đối ngoại và khả năng phòng thủ của Liên bang Nga (bỏ những thuật ngữ có tính tư tưởng).
+ Trong cấu thành tội phạm các tội phản bội Nhà nước không quy định hành vi trốn đi nước ngoài hoặc từ chối không trở về đất nước là dấu hiệu phạm tội cho phù hợp với Hiến pháp và tuyên bố của Liên bang Nga về tự do và quyền con người.
Điều 278 của Bộ luật Hình sự năm 1996 quy định tội dùng vũ lực chiếm chính quyền là hành vi dùng vũ lực giữ chính quyền trái với quy định của Hiến pháp, cũng như việc dùng vũ lực làm thay đổi chế độ Hiến pháp của Liên bang Nga. Hành vi này cũng đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1960 và được xác định là tội phản bội Tổ quốc ở hình thức âm mưu chiếm chính quyền.
Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 1996 về cơ bản vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý của Bộ luật Hình sự năm 1960. Tuy nhiên, chỉ thay đổi một số từ ngữ và khái niệm để phù hợp hơn với sự thay đổi của xã hội lúc bấy giờ. Bộ luật Hình sự năm 1960 của nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và Bộ luật Hình sự năm 1996 của Liên bang Nga cũng là tài liệu quan trọng cho các quốc gia tham khảo khi xây dựng Bộ luật Hình sự của quốc gia mình.