Đối tượng của xét xử phúc thẩm

Một phần của tài liệu Thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại tòa án cấp phúc thẩm theo pháp luật Việt Nam (Trang 49 - 52)

Khi nói đến đối tượng của xét xử phúc thẩm là xem xét đến những loại văn bản, quyết định gì của Tòa án cấp sơ thẩm là đối tượng của việc kháng cáo, kháng nghị và thuộc đối tượng xem xét của cấp phúc thẩm.

Trong quá trình chuẩn bị xét xử vụ án dân sự Tòa án ra rất nhiều các quyết định khác nhau, mỗi quyết định đều dựa trên những căn cứ pháp lý nhất định. Khi có những sự kiện tương ứng nhất định xảy ra thì Tòa án ra các quyết định để phù hợp với quá trình tác nghiệp. Như khi đã thụ lý vụ án thì Toà án ra quyết định phân công thẩm phán giải quyết vụ án, quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết các vụ án hay quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự... Nhưng không phải tất cả các quyết định của Toà án đều là đối tượng của việc kháng cáo, kháng nghị. Dựa trên những tính chất pháp lý, mức độ

liên quan đến quyền, nghĩa vụ của các đương sự nhất định thì các quyết định của Tòa án mới là đối tượng của việc kháng cáo, kháng nghị, mới là đối tượng của việc xét xử phúc thẩm.

Chẳng hạn theo quy định tại điều 188 BLTTDS 2004 quy định về hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được lập trên cơ sở sự thỏa thuận giữa họ, các đương sự thỏa thuận với nhau về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án (Kể cả phần án phí dân sự) thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải. Hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản (đối với các đương sự có mặt tại phiên hòa giải) hoặc khi nhận được ý kiến bằng văn bản (đối với các đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải), đều nhất trí với ý kiến đã thỏa thuận thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (khoản 1 Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự ).

Như vậy, khi đã ra quyết định trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, đã tạo cho các đương sự một khoảng thời gian nhất định để họ xem xét lại ý kiến của họ thì việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận là hoàn toàn có cơ sở, có hiệu lực thi hành nên không cần thiết phải đặt ra xem xét lại tại cấp phúc thẩm là phù hợp. Nếu có căn cứ bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, trái pháp luật, hoặc trái đạo đức xã hội thì sẽ được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm (khoản 2 Điều 188 BLTTDS).

Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mặc dù là dựa trên ý trí của một bên đương sự hay trên quan điểm “tự mình” của Tòa án và mặc dù nó liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các bên nhưng nó cũng không phải là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị để xem xét theo thủ

tục phúc thẩm bởi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ có khi có yêu cầu của đương sự hay do Tòa án trong quá trình xem xét giải quyết vụ kiện, khi mà thấy có dấu hiệu của sự vi phạm đến lợi ích hợp pháp của đương sự hay của nhà nước. Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc đảm bảo cho việc thi hành án (Khoản 1 Điều 99 BLTTDS). Với đặc tính pháp lý là áp dụng để ngăn chặn ngay sự vi phạm do vậy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng không thể là đối tượng của việc kháng cáo, kháng nghị. Mà nếu có sự không đồng ý của các chủ thể khác thì chỉ được thực hiện việc khiếu nại, kiến nghị theo quy định tại Điều 124, 125 BLTTDS.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 190 khoản 4 Điều 193; Điều 242 và Điều 243 BLTTDS; theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 Mục 1 phần I Nghị quyết số 05/2006/NQ- HĐTP ngày 4.8.2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ 3 “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS thì đối tượng mà đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chsức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm bao gồm: “Bản án, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm”.

Đối tượng kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đã được quy định khá thống nhất trong các văn bản pháp luật tố tụng của nước ta từ trước tới nay. Cũng tại sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946 quy định ấn định về thẩm quyền của các Tòa án và sự phân công giữa các nhân viên trong Tòa án có nêu: “ Ông công tố ủy viên Tòa án nhân dân tỉnh hoặc Thành phố cũng như những người đương sự có quyền kháng cáo những mệnh lệnh của ông dự thẩm trừ mệnh lệnh đưa ra Tòa”. Mặc dù chưa có sự phân biệt về bản án cũng như các quyết định của Tòa án nhưng ở đây những mệnh lệnh của Tòa

án cũng đã được đưa ra xem xét là đối tượng của việc kháng cáo. Tuy nhiên sắc lệnh chưa quy định rõ những mệnh lệnh ấy là mệnh lệnh gì. Đến luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 thì đối tượng của quyền kháng cáo, kháng nghị được phân định rõ là: “Đương sự có quyền chống bản án hoặc quyết định của TAND xử sơ thẩm lên TAND trên một cấp, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và trên một cấp có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân” (Điều 9).

Mặc dù Luật tổ chức TAND năm 1960, 1981, 1998 hoặc năm 2002 không quy định quyết định nào của Tòa án cấp sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị nhưng tại các pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ngày 29/11/1998; pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế ngày 16/3/1994 hay pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động ngày 11/4/1996, đều đã quy định thống nhất đối tượng của việc kháng cáo, kháng nghị là: “bản án, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án” của Tòa án cấp sơ thẩm là đối tượng của việc kháng cáo, kháng nghị để xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm.

Một phần của tài liệu Thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại tòa án cấp phúc thẩm theo pháp luật Việt Nam (Trang 49 - 52)