3.3.1. Phương hướng chung
Đổi mới, nâng cao hiệu quả xét xử phúc thẩm trước hết phải gắn chặt với những định hướng chiến lược mà đảng, nhà nước ta đã xây dựng. Đó là trên cơ sở định hướng của ban chấp hành trung ương đảng đã đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, trong đó đã chỉ rõ “nâng cao chất lượng hoạt động và đề cao trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ tư pháp. Khi xét xử các Toà án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những
bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định”.
Trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển và bảo vệ đất nước, xuất phát từ phương hướng xây dựng nhà nước pháp quyền. vấn để cải cách nền tư pháp để đáp ứng công cuộc đổi mới đất nước là nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Với mục tiêu “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc việt nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Và để thực hiện yêu cầu, mục tiêu đổi mới, cải cách hệ thống tư pháp xây dựng nhà nước pháp quyền thì các vấn đề cần đặt ra là:
3.3.1.1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam
Vấn đề xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đó có pháp luật TTDS là yêu cầu đầu tiên của tố tụng dân sự “hoàn thiện pháp luật về quy trình xây dựng, ban hành và công bố văn bản quy phạm pháp luật thống nhất cho cả trung ương và địa phương, theo hướng Quốc hội ban hành luật, giảm dần việc Uỷ ban thường vụ quốc hội ban hành pháp lệnh; hạn chế dần thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương. Xác lập cơ chế bảo đảm luật được thi hành ngay khi có hiệu lực” [2, tr 1]. Lâu nay, thực tế của ta luôn có tình trạng khi luật, Bộ luật được ban hành và có hiệu lực thì chưa đi vào thực tế ngay của đời sống xã hội. Các cơ quan áp dụng thường dè dặt với tâm lý chờ văn bản hướng dẫn thi hành. Thực tế này là một thói quen không phù hợp cần khắc phục ngay để đảm bảo hiệu lực của các Đạo luật.
Trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp thì: “Trọng tâm là hoàn thiện pháp luật về tổ chức và
hoạt động của TAND” [2, tr 2]. Xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp để đảm bảo cho Toà án thực hiện cơ chế xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tạo điều kiện cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
3.3.1.2. Xây dựng, tổ chức lại hệ thống cơ quan Tư pháp trong đó trọng tâm là cơ quan Tòa án
Trong hệ thống các cơ quan tư pháp, thì hoạt động của Toà án với chức năng xét xử là biểu hiện đặc trưng nhất của quyền lực tư pháp, nên vấn đề đổi mới và hoàn thiện hệ thống Toà án luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm:
“xác định Toà án có vai trò trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm”. [3,
tr 2]. Hiện tại hệ thống Toà án địa phương của ta được tổ chức theo các đơn vị hành chính lãnh thổ ở tỉnh, thành phố có TAND tỉnh, thành phố; ở huyện, quận, thị xã có TAND các huyện, quận, thị xã. Mô hình tổ chức Toà án theo đơn vị hành chính này cũng có cái thuận lợi, đó là việc tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân, thuận lợi cho người tham gia tố tụng, cho việc đi xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án. Nhưng bên cạnh đó lại có sự bất cập rất lớn đó là sự bất hợp lý trong công việc của từng Toà án địa phương. Thực tế có những Toà, như Toà án của các quận, của các thành phố lớn thì hàng năm phải giải quyết một số lượng các vụ án rất lớn. trong khi đó Toà án huyện ở một số địa phương thì lại có rất ít số lượng án cần phải giải quyết, dẫn đến tình trạng nơi có nhiều án thì thường để án tồn đọng quá hạn luật định, nơi có ít án vẫn phải tồn tại một bộ máy cơ quan Toà án để duy trì hoạt động tố tụng, tạo ra một sự bất hợp lý. Bên cạnh đó mô hình tổ chức theo địa giới hành chính hiện nay nặng tư tưởng của các nhà lãnh đạo hành pháp là Tòa án phải có tính chất là phục vụ sự ổn định tình hình, chính trị địa phương nên sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của việc xét xử của Toà án luôn bị hạn chế. Qua tham khảo kinh nghiệm tổ chức hệ thống Toà án của một số nước trên thế giới, sau khi nghiên cứu định hướng đề ra trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị là:“Tổ chức Toà án theo
thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm: Toà sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện…” [3, tr 5]. Và để thực sự phù hợp theo chúng tôi cần sớm tổ chức lại hệ thống Toà án theo nguyên tắc xác định số lượng Toà án, số lượng thẩm phán theo số lượng án phải giải quyết. Theo đó ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố lớn, tỉnh nhiều án thì một số quận của Hà Nội, Hải Phòng… có thể thành lập nhiều Toà khu vực hoặc ngược lại nhiều địa bàn huyện có số lượng án ít sẽ thành lập một Toà án khu vực.
3.3.1.3. Tăng cường chất lượng của các cán bộ làm công tác tư pháp,
trong đó quan tâm là đầu tư phát triển cho đội ngũ Thẩm phán
Trong hoạt động xét xử, vai trò của Thẩm phán là hết sức quan trọng, là người nhân danh nhà nước ra các phán quyết ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của đương sự, ảnh hưởng trực tiếp đến các quan hệ pháp luật bảo vệ. Trong xét xử dân sự vị trí vai trò của Thẩm phán lại có ý nghĩa hơn bao giờ hết bởi nếu trong xét xử hình sự thì hoạt động chứng minh một người có phạm tội hay không, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đến đâu được thực hiện bởi cả ba chức danh tố tụng như Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Còn trong xét xử, giải quyết các vụ án dân sự, từ giai đoạn đầu là thụ lý vụ án, điều tra, xác minh đến xét xử đều do Thẩm phán tiến hành. Vì vậy, để nâng cao chất lượng xét xử trong các vụ việc dân sự thì trước hết phải nâng cao bản lĩnh, trình độ, năng lực của Thẩm phán. Tạo ra một đội ngũ Thẩm phán xét xử nói chung, đội ngũ Thẩm phán xét xử phúc thẩm dân sự nói riêng thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tâm, có đức, có kiến thức chuyên môn vững vàng để hoàn thành tốt công việc được giao.
Cùng với việc tăng cường chất lượng đội ngũ Thẩm phán, thì cũng cần tạo ra một cơ chế bổ trợ hữu hiệu cho công tác tư pháp mà đặc biệt là công tác
xét xử. Tạo các cơ sở về trang thiết bị, điều kiện vật chất, chế độ đãi ngộ thoả đáng để cán bộ tư pháp, cán bộ Toà án thực sự tận tâm, tận tuỵ với nghề.
Bên cạnh các giải pháp nêu trên, theo chúng tôi cũng cần có quy định đề cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân của các chức danh tư pháp đặc biệt là lãnh đạo các đơn vị và Thẩm phán, càng trao cho họ nhiều quyền độc lập khi phán quyết thì càng cần phải đề cao trách nhiệm của họ. Xây dựng một quy chế kiểm tra, giám sát phù hợp để kịp thời uốn nắn các hành vi vi phạm, đồng thời cũng có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với hành vi coi thường pháp luật, coi thường công lý.
Ngoài ra, để việc xét xử các vụ án dân sự đạt được hiệu quả, kết quả cao thì vấn đề không kém phần quan trọng là việc tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho từng người dân cũng hết sức cần thiết. Trong quan hệ tố tụng dân sự thì sự tham gia của người dân là chủ yếu, cơ quan pháp luật chỉ đóng vai trò là người đứng giữa, phân xử, hầu hết các tài liệu, chứng cứ đều do đương sự cung cấp. Nếu ý thức pháp luật của họ tốt thì vấn đề giải quyết của Toà án sẽ được dễ ràng, khi họ thực sự hiểu biết pháp luật thì tâm lý
“được, thua” trong tranh chấp dân sự sẽ giảm và chắc chắn khi họ đã hiểu biết pháp luật thì sự xử sự của người dân sẽ phù hợp với pháp luật hơn, việc tranh chấp trong dân sự sẽ ít có điều kiện xảy ra hơn.
3.3.2. Nội dung hoàn thiện pháp luật về thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm
3.3.2.1. Căn cứ phát sinh thủ tục xét xử phúc thẩm vụ án dân sự tại Toà án cấp phúc thẩm
Theo pháp luật hiện hành, thì tất cả những đương sự ( nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) đều được kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm trong đó có quyền kháng cáo các phần của bản
án và các quyết định của Toà là quyết định tạm đình chỉ và quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Như vậy không phân biệt vụ án dân sự đó là vụ án gì, quy mô tranh chấp ra sao miễn là đã được cấp sơ thẩm xem xét thì các đương sự đều có quyền kháng cáo đối với bản án, quyết định sơ thẩm đó. Thực tế số lượng án kháng cáo tại các Toà án phúc thẩm quá lớn, nhất là các Toà án lớn như TAND Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh như Bình Dương, Vĩnh Long hay Thành phố Hải Phòng... lượng án kháng cáo lớn, số lượng Thẩm phán có hạn dẫn đến tình trạng quá tải, án tồn đọng nhiều. Qua nghiên cứu pháp luật một số nước như Thuỵ Điển hay Đan Mạch thì pháp luật chỉ cho phép các đương sự được quyền kháng cáo đối với vụ án có giá ngạch dưới 35.000 Curon Thuỵ Điển ( ở Thuỵ Điển) hoặc 10.000 curon Đan Mạch (ở Đan Mạch), khi được sự đồng ý của Hội đồng cấp phép kháng cáo. Pháp luật Phần Lan không cho phép kháng cáo phúc thẩm về vấn đề sự kiện vụ án, nếu giá trị tranh chấp hoặc giá ngạch vụ án dưới 50.000 baht ( tương đương 2.000 USD). Nhưng đương sự có quyền kháng cáo về vấn đề áp dụng pháp luật. Hoặc tại Pháp cụ thể được quy định tại Nghị định ngày 28/12/1998, thì đối với các vụ án có giá trị dưới 25.000 frăng thì xét xử theo thủ tục rút gọn, các bên không có quyền kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.
Khi dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (dự thảo VI) các nhà xây dựng pháp luật có hướng đã đưa vào trong BLTTDS thủ tục giải quyết rút gọn vụ án dân sự từ Điều 251 đến Điều 257 chương XV. Theo hướng quy định những vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì không có quyền kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Nhưng rất tiếc qua các lần sửa đổi, vấn đề này đã không được xem xét, thông qua. Việc quy định theo thủ tục rút gọn theo chúng tôi là cần thiết, để bảo đảm cho hiệu lực xét xử của Toà án sớm đi vào thực tế đời sống xã hội, với những việc không lớn, mâu thuẫn không căng thẳng, vấn đề chứng cứ, chứng minh đã khá rõ ràng thì việc không cần thiết cứ phải tuần tự, thực hiện các thủ tục tố tụng thông thường cũng là điều phù
hợp. Cũng có những ý kiến cho rằng hạn chế quyền kháng cáo là vi phạm nguyên tắc định đoạt của đương sự, làm mất khả năng bảo vệ, chứng minh cho quyền lợi chính đáng của họ khi bị xâm phạm. Nhưng theo chúng tôi mục đích của xét xử vụ án dân sự nói chung, xét xử phúc thẩm dân sự nói riêng là đưa bản án, quyết định Toà án có hiệu lực sớm để vào thực tế xã hội và là chuẩn mực cho các xử sự trong xã hội. Hiện đã có những quy định hạn chế quyền kháng cáo như trong việc giải quyết một số việc dân sự (như yêu cầu công nhận sự thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản sau ly hôn hoặc yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về sự thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn (khoản 2, khoản 3 Điều 28, Điều 316 BLTTDS). Nhưng thực tế trong những trường hợp này thì xảy ra không nhiều mà phần lớn lượng án kháng cáo trong các vụ án có tính chất tranh chấp về quyền lợi và nghĩa vụ. Như đã nói ở trên nếu áp dụng thủ tục rút gọn và vấn đề hạn chế quyền kháng cáo có thể tránh được việc: vì lý do nào đó mà các đương sự cố tình lẩn tránh, trách nhiệm thi hành án, gây khó khăn cho đương sự khác, cho cơ quan tiến hành tố tụng nên mới kháng cáo. Do vậy việc quy định hạn chế quyền kháng cáo là cần thiết. Như thế theo chúng tôi pháp luật thực định cần quy định các vần đề về hạn chế quyền kháng cáo của đương sự trong các vụ án cụ thể. Như: các vụ án về tranh chấp, dân sự có giá ngạch dưới 500.000đ hoặc những tranh chấp mà tình tiết đơn giản, chứng cứ, chứng minh rõ ràng. Để hạn chế việc lạm quyền kháng cáo phúc thẩm, làm giảm tỷ lệ kháng cáo, kháng nghị đối những vụ án mà có giá trị tranh chấp không lớn.
Ngoài ra trong cơ chế bảo đảm cho quyền kháng cáo, kháng nghị được đúng đắn, phát huy tính tích cực của việc kháng cáo, kháng nghị. Pháp luật của tố tụng dân sự Việt Nam cũng cần có cơ chế xử lý đối những hành vi lạm dụng quyền kháng cáo, kháng nghị, gây khó khăn, kéo dài cho việc thi hành án.
Ở một số nước như cộng hòa Pháp có quy định: Trong trường hợp kháng cáo phúc thẩm nhằm mục đích trì hoãn hoặc mang tính lạm dụng thì người kháng cáo có thể bị phạt tiền (phạt mang tính dân sự) từ 100 Frăng đến 10.000 Frăng và có thể phải bồi thường thiệt hại nếu có yêu cầu.
Việc đặt ra hình thức phạt đối với người kháng cáo khi mà chứng minh được mục đích kháng cáo không đúng đắn là cần thiết. Bởi việc cố tình kháng cáo không có căn cứ là nhằm mục đích trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, trì hoãn việc thi hành án. Tại Điều 285 và Điều 305 Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 có quy định về trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ, do đó tương tự như vậy Bộ luật tố tụng dân sự cũng cần có quy định về trách nhiệm của người lạm quyền kháng cáo nhằm trốn tránh trách nhiệm thi hành. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn cũng như lý luận.
Đối với trường hợp nguyên đơn rút đơn kháng cáo trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm:
Theo chúng tôi một trong những nguyên tắc cần tuân thủ chặt chẽ là: Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp phúc thẩm chỉ có, khi có kháng cáo, kháng nghị. Còn theo hướng dẫn tại tiểu mục 4.2 mục 4 phần III của Nghị quyết 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04.8.2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án