Phạm vi là khoảng được giới hạn một hoạt động, một vấn đề hay một cái gì đó được quy định trong một khuôn khổ cụ thể [28, tr 764].Phạm vi xét xử phúc thẩm dân sự là giới hạn về thẩm quyền xem xét của Tòa án cấp phúc thẩm. Để đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự, quyền bào chữa, quyền tự bảo vệ của đương sự. Pháp luật tố tụng Việt Nam quy định về thẩm quyền xem xét của Tòa án cấp phúc thẩm trong một khuôn khổ nhất định.
Vấn đề phạm vi xét xử luôn là yếu tố được coi trọng hàng đầu bởi bất cứ một phán quyết nào của Tòa án nếu vượt ra khỏi phạm vi được quyền xem xét thì phán quyết đó đều không phù hợp, không phát sinh hiệu lực, phán quyết trái pháp luật. Phạm vi đến đâu, quy định thẩm quyền phù hợp đến đó. Thẩm quyền chỉ đúng khi nó nằm trong phạm vi giới hạn cho phép, phạm vi xét xử phúc thẩm dân sự là tất cả những quy định về thẩm quyền xem xét giải quyết của Tòa án cấp phúc thẩm.
Do tính quan trọng của việc xem xét phạm vi xét xử phúc thẩm nên vấn đề làm rõ về mặt lý luận cũng như xem xét các quy định thực tiễn về phạm vi xét xử là điều hết sức cần thiết. Làm rõ phạm vi xét xử phúc thẩm để từ đó có
những lý giải, những kiến nghị sửa đổi về thẩm quyền của Tòa án phúc thẩm đó là điều mà chúng tôi mong muốn đạt được.
Trong các quy định của tố tụng dân sự thường quy định rất chặt chẽ về mặt thủ tục tại các giai đoạn giải quyết vụ án của Tòa án. Nhưng tất cả các quy định ấy đều dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự. Chẳng hạn quyền khởi kiện, quyền này chỉ thuộc về người có quyền theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự đó là : "Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích, hợp pháp của mình" (Điều 161 BLTTDS). Pháp luật cho họ cái quyền khởi kiện nhưng vấn đề quyết định khởi kiện ai? khởi kiện về vấn đề gì ? phạm vi khởi kiện đến đâu ? thì hoàn toàn thuộc quyền quyết định của họ.
Trong giai đoạn phúc thẩm cũng vậy pháp luật tố tụng dân sự cho phép đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức có quyền làm đơn kháng cáo. Còn vấn đề các chủ thể này có làm đơn kháng cáo hay không ? kháng cáo về vấn đề gì ? phạm vi kháng cáo ra sao ? thì thuộc toàn quyền quyết định của các đương sự.
Một nguyên tắc cơ bản là Tòa án chỉ xem xét giải quyết khi có yêu cầu, có kiến nghị. Tòa án sơ thẩm chỉ thụ lý giải quyết khi có khởi kiện. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ thụ lý, giải quyết khi có kháng cáo, kháng nghị. Khởi kiện, kháng cáo, kháng nghị là tiền đề xuất hiện quan hệ giữa Tòa án với các đương sự. Để bảo đảm quyền tự quyết, quyền tự bảo vệ của các đương sự tham gia trong vụ kiện nên Tòa án chỉ xem xét trong phạm vi mà các đương sự có yêu cầu.