Từ năm 2000 đến nay

Một phần của tài liệu Áp dụng phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật Việt Nam (Trang 45 - 48)

- Áp dụng phong tục, tập quán về HN&GĐ góp phần bảo vệ các bản sắc văn hóa và chuẩn mực đạo đức truyền thống gia đình Việt Nam nói chung

1.3.3.4. Từ năm 2000 đến nay

Xuất phát từ thực tiễn thi hành Luật HN&GĐ và yêu cầu quản lý Nhà nước về HN&GĐ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, chung sống không đăng ký kết hôn… vốn diễn ra rất phổ biến trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả thi hành Luật HN&GĐ. Luật HN&GĐ đã được Quốc hội nước CHXHCNVN khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09 tháng 6 năm 2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2001, thay thế Luật HN&GĐ năm 1986.

Luật HN&GĐ năm 2000 tiếp tục ghi nhận việc áp dụng các phong tục, tập quán tốt đẹp và khuyến khích xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu phù hợp với nhóm chủ thể đặc thù là đồng bào các dân tộc thiểu số. Điều 6 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: "Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định tại Luật này thì được tôn trọng và phát huy".

Cụ thể hóa nguyên tắc áp dụng phong tục, tập quán về HN&GĐ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 27/3/2002 Chính phủ đã ban hành NĐ32 quy định việc áp dụng Luật HN&GĐ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. NĐ32 một mặt ghi nhận và khuyến khích phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp; mặt khác thể hiện quan điểm nghiêm khắc loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu đã và đang tác động tiêu cực tới đời sống HN&GĐ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, có những phong tục, tập quán tuy không phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Luật HN&GĐ nhưng xét về tính chất và mức độ của những phong tục, tập quán này "đang có xu hướng ngày càng giảm đi và chưa đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng tới mục tiêu xây dựng chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ của nước ta" [33, tr.17] thì Nhà nước khuyến khích, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ. Điều 2 NĐ32 quy định:

1. Phong tục, tập quán tốt đẹp về hôn nhân và gia đình của các dân tộc thiểu số (được ghi trong Phụ lục A ban hành kèm theo Nghị định này) thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với những nguyên tắc quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì được tôn trọng và phát huy.

2. Phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình của các dân tộc thiểu số (được ghi trong Phụ lục B ban hành kèm theo Nghị định này) trái với những nguyên tắc quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì bị nghiêm cấm hoặc vận động xóa bỏ.

Cùng với việc ban hành và thực thi Luật HN&GĐ 2000, việc ban hành NĐ32 là bước phát triển mới, quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế về HN&GĐ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. NĐ32 không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả thi hành Luật HN&GĐ nói chung mà còn đưa đồng bào thiểu số đến gần với Luật HN&GĐ hơn dựa trên sự phù hợp của phong tục, tập quán với quy định của pháp luật:

+ Nghị định 32 là sự kết hợp giữa hệ thống quy phạm pháp luật với những phong tục, tập quán tốt đẹp trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, vừa phản ánh được phong tục, tập quán tốt đẹp vừa phù hợp với pháp luật nhà nước, trở thành công cụ điều chỉnh các quan hệ trong bản, làng, qua đó thu hẹp dần phạm vi ảnh hưởng của các phong tục, tập quán lạc hậu và đi đến xóa bỏ hoàn toàn những phong tục, tập quán lạc hậu đó.

+ Nghị định 32 tạo cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào các dân tộc thiểu số trong lĩnh vực HN&GĐ. Bảo đảm quyền tự do kết hôn của nam và nữ; ngăn ngừa việc cưỡng ép, cản trở quyền tự do kết hôn của nam và nữ; phân biệt đối xử giữa con trai và con gái trong gia đình các dân tộc theo chế độ mẫu hệ hoặc phụ hệ…

BLDS năm 2005 cũng ghi nhận việc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp thành một nguyên tắc cơ bản. Điều 8 BLDS năm 2005 quy định:

Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

Đồng bào các dân tộc thiểu số được tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ dân sự để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mình…

Tóm lại, qua việc nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam về việc áp dụng phong tục, tập quán trong pháp luật HN&GĐ đối với đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy, pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định thể hiện sự quan tâm đến việc tôn trọng truyền thống tốt đẹp, đặc biệt là các phong tục, tập quán vốn có từ rất lâu đời. Thời kỳ phong kiến, việc áp dụng phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số trong điều chỉnh các quan hệ xã hội được chính quyền trung ương mặc nhiên thừa nhận, nhất là thời nhà Lê. Thời pháp thuộc và pháp luật dưới chế độ cộng hòa Miền Nam Việt Nam tuy cũng có sự quy định việc áp dụng phong tục, tập quán song đối với đồng bào các dân tộc thiểu số sự thể hiện đó tương đối mờ nhạt. Từ năm 1945 đến năm 1986, trong điều kiện kháng chiến và sau nữa là thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước khi thống nhất nhưng trong các văn bản pháp luật thời kỳ này cũng đã thể hiện sự quan tâm của nhà nước ta trong việc điều chỉnh quan hệ HN&GĐ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm tới việc vận dụng các phong tục, tập quán mặc dù những quy định đó chưa được cụ thể hóa. Từ năm 1986 đến nay, đặc biệt là khi có NĐ32 thì việc áp dụng phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số trong quan hệ HN&GĐ được quan tâm sâu sắc, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng chế độ HN&GĐ tiến bộ, thực hiện quyền bình đẳng về mọi mặt giữa nam và nữ, xây dựng và củng cố chế độ HN&GĐ tiến bộ trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Chương 2

Một phần của tài liệu Áp dụng phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật Việt Nam (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)