- Áp dụng phong tục, tập quán về HN&GĐ góp phần bảo vệ các bản sắc văn hóa và chuẩn mực đạo đức truyền thống gia đình Việt Nam nói chung
2.1.2.2. Quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con
Dựa trên sự kiện sinh đẻ, sự kiện nuôi con nuôi, bằng hành vi của cha, mẹ đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đăng ký khai sinh, đăng ký nhận nuôi con nuôi) đã hợp thức hóa quan hệ cha, mẹ và con. Quan hệ giữa cha, mẹ và con cũng bao gồm các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và các quyền, nghĩa vụ về tài sản.
Điều 2 Luật HN&GĐ quy định: ...
4. Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con thành công dân có ích cho xã hội, con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ…
5. Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con; giữa con trai và con gái; con đẻ và con nuôi; con trong giá thú và con ngoài giá thú.
6. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ.
Cụ thể hóa những nguyên tắc cơ bản này, NĐ32 cũng quy định nghĩa vụ của cha mẹ đối với con. Đó là: cha mẹ phải có nghĩa vụ yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, đảm bảo cho các con được cha mẹ đối xử bình đẳng như nhau mà không có sự phân biệt đối xử nào; cha mẹ không được bỏ rơi con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con hoặc xúi giục con thực hiện những hành vi trái đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật (Điều 13).
Quy định trên nhằm thực hiện có hiệu quả quyền được cha mẹ đối xử bình đẳng giữa các con, giữa con trai và con gái, giữa con đẻ và con nuôi, giữa con trong giá thú và con ngoài giá thú trong đời sống gia đình của đồng bào các
dân tộc thiểu số "Trong gia đình và xã hội, sinh hoạt có tôn ty, trật tự (có trên có dưới), các con được đối xử bình đẳng như nhau, không phân biệt đối xử giữa con gái và con trai, giữa con đẻ và con nuôi" [Điểm A, phụ lục A, NĐ32).
Trong gia đình, các thành viên cần chung sống với nhau chan hòa, vui vẻ, sống có trách nhiệm với nhau mà không có sự cách biệt nào "Cha, mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con nên người, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con gây ra" [Điểm 4, phụ lục A, NĐ32). "Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc nuôi dạy con, có sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Các bậc cha, mẹ dạy dỗ, chỉ bảo con bằng những lời nói dịu dàng, giáo dục con tinh thần lao động cần cù, tạo cho con có ý thức lao động và tự lập,… quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không có sự cách biệt" [Điểm 9, phụ lục A, NĐ 32]. Đồng thời với việc ghi nhận những phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, Nhà nước ta cũng vận động, khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu đã và đang tạo nên sự đối xử, kỳ thị bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình. Điểm 6, phụ lục B, NĐ32 chỉ rõ, hiện nay quan hệ gia đình đang được duy trì ở đồng bào các dân tộc thiểu số, dù là quan hệ gia đình theo chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ, không bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái. Sự không bình đẳng thể hiện ở chỗ, đối với chế độ phụ hệ "… khi người cha chết, chỉ các con trai có quyền còn các con gái không có quyền hưởng phần di sản của người cha quá cố để lại". Tương tự như vậy, đối với quan hệ gia đình theo chế độ mẫu hệ "… khi người mẹ chết, chỉ các con gái có quyền còn các con trai không có quyền hưởng phần di sản của người mẹ quá cố để lại".
Để bảo đảm cho trẻ em được hưởng đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình. Hiện nay, trong quy định về thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em vẫn quy định phải nộp giấy chứng sinh, nếu không có giấy chứng sinh thì phải có văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có
thực (Điều 15 NĐ 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch). Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đa phần phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại nhà hoặc phải vào rừng làm lán sinh con nên không có giấy chứng sinh. Khi không có giấy chứng sinh, theo quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP thì phải có văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực. Có thể nói, NĐ 158 đã có quy định mang tính "mở", nhằm tạo mọi điều kiện, đảm bảo cho trẻ em khi sinh ra đều được đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, để thực hiện theo quy định của NĐ 158/2005/NĐ-CP, không phải là điều đơn giản, khi NĐ 158/2005/NĐ-CP quy định phải có văn bản của người làm chứng hoặc phải có giấy cam đoan của người đi khai sinh trong trường hợp không có giấy chứng sinh. Thiết nghĩ, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số thủ tục đối với họ càng đơn giản, càng dễ thực hiện càng tốt. Nhưng điều này, NĐ32 chưa đề cập đến, trong thời gian tới cần có sự nghiên cứu để bổ sung quy định này sao cho việc áp dụng pháp luật về đăng ký khai sinh cho trẻ em đồng bào các dân tộc thiểu số được thuận lợi, đem lại hiệu quả cao nhất.