Trong nghi thức tang ma

Một phần của tài liệu Tục thờ cúng tổ tiên của người công giáo tại giáo họ thủy trạm xã sơn thủy, huyện thanh thủy, tỉnh phúc thọ (Trang 56 - 60)

Trong đời sống văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo, tín ngưỡng đều có những phong tục, tập quán khác nhau tạo nên nét đặc sắc trong nền văn hóa của dân tộc mình, tôn giáo mình. Sinh – lão – bệnh – tử là quy luật tất yếu của cuộc sống, không ai có thể thay đổi được quy luật đó. Vì vậy mỗi dân tộc, tôn giáo lại có những quan điểm khác nhau về cái chết, từ đó có những nghi lễ khác nhau. Phật giáo quan niệm con người khi chết linh hồn sẽ đầu thai vào kiếp khác, thân xác có thể hư nát nhưng linh hồn là bất tử, cần phải được thờ cúng. Đối với người Công giáo cho rằng thân xác con người sau khi chết thể xác tan ra hòa với cát bụi, vì vậy người Công giáo có câu: “cát bụi lại trở về với cát bụi”, linh hồn con người là bất tử do Thiên Chúa ban cho con người, khi chết linh hồn sẽ chờ đến ngày Chúa phán xét cuối cùng. Theo giáo lý đạo Công giáo tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều do Thiên Chúa tạo ra và bị chi phối bởi quyền năng của Thiên Chúa.

Với những quan điểm khác nhau về cái chết mà mỗi tôn giáo lại có những nghi thức khác nhau, vì vậy người Công giáo có những nghi thức tiễn biệt người chết khác với những người lương giáo. Tôn kính tổ tiên được xem là một phần trong nếp sống đạo của giáo dân Thủy Trạm qua những sinh hoạt không thể thiếu trong gia đình như lễ tết, giỗ chạp, đám cưới,… đặc biệt nó được thể hiện trong đám tang.

Người Công giáo nói chung và giáo dân Thủy Trạm nói riêng quan niệm chết không phải là hết, họ luôn tin vào sự sống tốt đẹp ở đời sau. Người

Nguyễn Thị Hồng Duyên 52 K37 – Lịch sử

sống thờ cúng người đã khuất để tỏ lòng biết ơn đối với những việc họ làm cho con cháu khi sống và cầu bầu cùng cùng Chúa cho con cháu khi chết. Trong số những người được hỏi tại Thủy Trạm thì mục đích thờ cúng tổ tiên của họ là để tỏ lòng biết ơn với tổ tiên chiếm 97%.

Từ năm 1917, họ Thủy Trạm có thành lập Hội Hiếu và Hội Chết do ông chủ làng đề xuất nhằm mục đích duy trì việc đọc kinh cho người qua đời và làm cho tang lễ được long trọng. Trong tang lễ về cơ bản là giống bên lương nhưng không đội mũ rơm, không chống gậy, không chèo đò, không cúng mà thay vào đó là các nghi lễ Công giáo.

Tôn kính tổ tiên của người Công giáo họ đạo Thủy Trạm được thể hiện rõ nét nhất trong nghi lễ tang ma. Điểm khác nhau giữa nghi thức tang ma của người Công giáo và lương giáo là khi gia đình Công giáo có người thân sắp qua đời, người thân phải đến báo để linh mục tới xức dầu bệnh nhân với ý nghĩa làm tăng sức mạnh để người bệnh có thể vượt qua. Đối với người ốm nặng khó qua khỏi thì dân làng đến đọc sách kẻ liệt. Giờ hấp hối gọi là “rình sinh thì”, giờ người qua đời gọi là “sinh thì”. Khi gia đình có người qua đời, người thân phải cử người báo cho nhà thờ hoặc Ban hành giáo, chuông nhà thờ rung để báo tin cho dân làng biết và cầu nguyện cho người qua đời, hình thức báo tin này gọi là chuông sầu, chuông tử (chuông sinh thì). Chuông nhà thờ rung 6 tiếng rời rạc không phân biệt nam nữ, lớn nhỏ, dân làng nghe tiếng chuông là biết trong làng có người qua đời. Khi nghe chuông sầu mọi người ngừng việc đang làm và hướng về nhà thờ đọc Kinh lạy cha để tỏ lòng tiếc

thương người qua đời. Người Công giáo Thủy Trạm không quan niệm chết vào giờ lành hay dữ, không chọn ngày, giờ tốt đưa tang; không thiết hồn bạch, làm nhà táng; cả họ đạo có một cỗ đòn 8 người khiêng dùng khi có người qua đời. Từ xưa họ dùng hình thức khiêng người qua đời trong lúc

Nguyễn Thị Hồng Duyên 53 K37 – Lịch sử

đưa đám, hiện nay giáo họ đã có một cỗ xe riêng chuyên dùng trong đám tang đưa người qua đời.

Tang lễ ở giáo họ Thủy Trạm thể hiện vai trò cộng đồng của các hội đoàn trong việc các hội đoàn tổ chức đọc kinh cho người qua đời vào các buổi tối hôm trước và sau khi chôn. Từ năm 1995, giáo họ Thủy Trạm thành lập các tổ bác ái giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn và đặc biệt khi có người qua đời thì mỗi hộ trong nhóm sẽ ủng hộ 5kg gạo và 10.000đ, cả nhóm đến phục vụ giúp đỡ gia chủ lo việc bếp núc, ăn uống cho khách. Từ khi người Công giáo qua đời đến khi tiến hành nghi thức an táng tại nhà thờ, người thân, họ hàng, đồng đạo lần lượt thay nhau cầu nguyện canh thức bên thi hài người quá cố. Trong đám tang của người Công giáo Thủy Trạm trừ khi có lý do đặc biệt còn không để quá 36 tiếng trong nhà, tuyệt đối không ai được xem giờ nhập quan, giờ động quan,…

Ở Thủy Trạm các thủ tục an táng được cử hành cũng giống như nghi thức của tôn giáo từ lúc hấp hối cho đến khi chết, đọc kinh, cầu nguyện, tẩm liệm và nhập quan nhưng điểm khác là người qua đời không được đưa đến nhà thờ cử hành lễ an táng mà để tại nhà. Trước đây từ năm 1993 đến năm 2001 ở Thủy Trạm có tục lệ khi có người qua đời thì linh mục sẽ đến nhà người quá cố cử hành thánh lễ an táng, hiện nay tục lệ đó đã không còn nữa mà linh mục cử hành thánh lễ an táng ở nhà thờ và đến nhà người quá cố cử hành nghi thức làm phép xác.

Thánh lễ an táng được cử hành tại nhà thờ để cầu nguyện cho linh hồn người qua đời. Thánh lễ được cử hành như thánh lễ thông thường nhưng nội dung mang ý nghĩa tiễn đưa người qua đời về với Chúa được thể hiện trong các kinh cầu, các bài ca, các bài đọc sách. Người nhà tang quyến mang di ảnh của người quá cố vào nhà thờ để tham dự thánh lễ, sau thánh lễ thì mang về thờ. Sau phần nghi thức thì thủ tục phúng viếng và tiễn đưa người chết được

Nguyễn Thị Hồng Duyên 54 K37 – Lịch sử

tiến hành như bình thường. Nếu người qua đời là thành viên hội Cựu chiến binh vẫn có nghi thức phủ quân kỳ trước khi đưa tang như người lương giáo.

Ở họ đạo khi có người mất thì người dân trong làng đến “xin tràng hạt” cho người quá cố. Trong gia đình người qua đời, người ta để một cái bàn nhỏ trên đặt bát hương trước linh cữu người quá cố. Giáo dân Thủy Trạm khi đến viếng người qua đời thường thắp hương đi một vòng quanh linh cữu và vái lạy người chết.

Sau khi hoàn tất mọi thủ tục nghi thức thì người qua đời được đưa ra Vườn thánh (nghĩa địa của người Công giáo). Tại đó linh mục tiến hành các nghi thức tiễn biệt cuối cùng với người quá cố theo quy định của Giáo hội như nghi thức làm phép ngôi mộ mới, nghi thức từ biệt trước khi hạ quan tài xuống huyệt. Thông thường khi các ông cố, bà cố (nhà có con cái tận hiến cho đạo) qua đời thì linh mục sẽ đi đưa tang, còn các gia đình giáo dân bình thường nếu cha xứ không bận việc thì mới đi đưa tang cùng với giáo dân. Trong trường hợp linh mục không đi đưa người quá cố thì các nghi thức khi đưa người chết đi an táng được giao cho các thừa tác viên tiến hành.

Trang phục khi đưa tang của con cháu người Công giáo Thủy Trạm cũng là mặc khăn xô trắng giống như với người Việt truyền thống.

Ở giáo họ Thủy Trạm không có tục “cha đưa mẹ đón”, các hình thức chống gậy, lăn đường, cắt tóc tang đều bị Giáo hội nghiêm cấm. Tuy nhiên ở Thủy Trạm trước đây vẫn có việc con gái, con dâu lăn đường rải huyệt, hình thức này đến nay đã không còn nữa. Trình tự của một đám đưa tang đầu tiên là trống cái, lệnh thủy, tiếp đến người cầm Thánh giá có lọng che rồi đến cờ tang, vòng hoa, các hội đoàn đi trước đọc kinh rồi đến phường trống, kèn đồng, tiếp đến là quan tài, theo sau là con cháu, và bà con giáo dân vừa đi vừa đọc kinh cầu nguyện. Đám đưa tang của người Công giáo thường rất đông có đông đủ họ hàng thân thích, thân bằng cố hữu, các đồng đạo trong họ đạo.

Nguyễn Thị Hồng Duyên 55 K37 – Lịch sử

Điều này thể hiện sự liên kết giữa những người có cùng đức tin vào Thiên Chúa, sống trong ngôi nhà chung của Chúa. Người Chết được chôn cất tại vườn Thánh, nếu có linh mục đi cùng thì linh mục sẽ rẩy nước làm phép huyệt rồi mới chôn. Ở vườn Thánh có xây một ngôi nhà nhỏ là nơi để linh mục cùng người đưa đám nghỉ chân làm lễ trước giờ mai táng. Sau khi làm các nghi thức tôn giáo xong thì hạ huyệt, lấp mồ kín, có phần đất nhô lên, sau đó đặt các vòng hoa xung quanh, mọi người đọc một kinh cầu nguyện rồi tự giải tán đi về.

Như vậy, việc tang ma của người Công giáo được coi như là một mốc đánh dấu giữa cuộc sống hiện thực và cuộc sống kiếp sau - cuộc sống tràn đầy tình yêu thương của Thiên Chúa, có thể hưởng hạnh phúc nơi Thiên đàng. Cũng nhờ niềm tin vào cuộc sống hạnh phúc nơi kiếp sau như thế mà người Công giáo luôn sẵn sàng đón nhận “lời Chúa gọi”, nghĩ đến việc tang ma không quá tiêu cực, đau buồn mà hy vọng rằng ông bà tổ tiên của mình có thể “lên với Chúa” để hưởng niềm vui. Cũng từ đó ông bà, tổ tiên có thể cầu bầu cùng Chúa phù hộ cho con cháu, và con cháu cũng phải làm việc thiện, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Đó là mối quan hệ qua lại mật thiết luôn được tiếp diễn trong cuộc sống của người Công giáo.

Một phần của tài liệu Tục thờ cúng tổ tiên của người công giáo tại giáo họ thủy trạm xã sơn thủy, huyện thanh thủy, tỉnh phúc thọ (Trang 56 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)