Quá trình hình thành và phát triển

Một phần của tài liệu Tục thờ cúng tổ tiên của người công giáo tại giáo họ thủy trạm xã sơn thủy, huyện thanh thủy, tỉnh phúc thọ (Trang 40 - 42)

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên

Sơn Thủy là xã miền núi nằm về phía Tây – Nam tỉnh Phú Thọ cũng như của huyện Thanh Thủy. Phía Đông giáp xã Bảo Yên; phía Tây giáp xã Tất Thắng huyện Thanh Sơn; phía Nam giáp xã Hoàng Xá; phía Bắc giáp thị trấn Thanh Thủy.

Với diện tích đất tự nhiên là 1166,84ha – vào loại trung bình so với các xã khác trong huyện nhưng Sơn Thủy lại có số dân đông đứng thứ ba của huyện Thanh Thủy. Theo số liệu thống kê vào ngày 31/12/2011 toàn xã có 1.919 hộ, 7.159 người, mật độ dân số là 630 người/km2, cao hơn nhiều so với mật độ dân số trung bình của tỉnh Phú Thọ là 376 người/km2. Hiện tại, toàn xã Sơn Thủy có diện tích đất canh tác là 356ha chiếm 30,5%. Trong đó: diện tích màu mỡ, dễ canh tác có 341ha, chiếm 95,8%; diện tích đất lầy thụt hoặc ương điều khó canh tác, năng suất cây trồng thấp là 15ha chiếm 4,21%; còn lại là diện tích các loại đất khác. [3]

Nguyễn Thị Hồng Duyên 36 K37 – Lịch sử

Địa hình của Sơn Thủy là đồi gò úp nón, độ dốc cao chiếm 2/3 diện tích. Dân cư sống rải rác theo ven đồi gò chạy dài từ Bắc đến Nam dài 5km; phía Đông Nam là đồng chiêm trũng, phía Tây Bắc là đồi gò, rừng cây bao bọc. Trên địa bàn xã, hệ thống giao thông không được thuận lợi.

Lịch sử hình thành và phát triển

Từ khi thành lập xã đến nay, Sơn Thủy là một vùng quê thanh bình, đông vui với nghề truyền thống là sản xuất nông nghiệp kết hợp với sản xuất tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ.

Theo các tài liệu của Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ thì những năm đầu thế kỷ XIX, Sơn Thủy vẫn chưa có dân cư sinh sống, chưa có tên làng, tên xã. Lúc bấy giờ, địa bàn Sơn Thủy chỉ là một cánh rừng già tiếp giáp với miền rừng núi Thanh Sơn. Cánh rừng này chủ yếu là rừng nguyên sinh rậm rạp, với thảm động, thực vật phong phú.

Đến tận năm 1820, mới có vài gia đình dân tộc Mường từ các bản làng của huyện Thanh Sơn đến đốt nương, làm rẫy, tra lúa, tra ngô, sau đó định cư ở khu vực Mỏ Giang – Sơn Vi ngày nay. Trong quá trình tụ cư, đồng bào làm nhà thành chòm xóm, sống quây quần bên nhau, xây dựng đình để thờ thần linh cùng với một số người có công khai phá, lập làng (sau này gọi là đình Sơn Vi).

Về sau, có một số gia đình ở làng Bảo Yên làm nghề đánh cá tại đồng Bạch Thủy, thấy đất đai màu mỡ đã dừng chân khai phá đất đai, trồng cây để sinh sống đã tạo nên xóm Làng Cũ – Phù Lao như tên gọi ngày nay.

Trước Cách mạng tháng 8/1945, phần đông người ở các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hà Tây… lên đây khai hoang, dựng làng, lập xóm, dân cư Sơn Thủy trở nên đông đúc hơn. Theo số liệu Sở Nội vụ Phú Thọ, thời kỳ này có hơn 700 người.

Sơn Thủy lúc bấy giờ là một bán đảo ba bề tiếp giáp với con sông Đà hung dữ, để vào Sơn Thủy chỉ có một đường bộ duy nhất là con đường mòn

Nguyễn Thị Hồng Duyên 37 K37 – Lịch sử

xuyên qua rừng núi Thanh Sơn, việc giao lưu đi lại giữa nhân dân địa phương với bên ngoài chủ yếu phải dùng thuyền bè đi lại. Trong quá trình tụ cư người dân đã cải tạo, thích ứng với tự nhiên phát triển kinh tế xã hội hình thành nên nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu. Các gia đình làm lều trại bám theo bìa rừng thành một vòng cung khá dài, chạy suốt từ xóm Gò Bông – Gò Chuối (khu 1 ngày nay) đến xóm Gốc (khu 7 ngày nay). Nhìn từ xa, rừng núi nước non bao quanh, nhà cửa, lều trại của người dân ở giữa tạo nên một vùng Sơn Thủy hữu tình, vì vậy cái tên Sơn Thủy ra đời.

Để tổ chức người dân và thực hiện quyền lợi cho người dân nhất là tự do tôn giáo nhà Nguyễn cho thành lập đơn vị hành chính mới. Năm 1860, Sơn Thủy thuộc tỉnh Sơn Tây; năm 1902 thuộc tổng Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Hưng Hóa (sau là tỉnh Phú Thọ).

Sau Cách mạng tháng Tám, hai thôn Sơn Vi, Phù Lao thuộc xã Phú Cường (Bảo Yên ngày nay) và thôn Thủy Trạm thuộc xã Đoàn Kết (xã Hoàng Xá ngày nay). Sau cải cách ruộng đất năm 1956 ba thôn hợp nhất thành xã Sơn Thủy cho đến ngày nay.

Trong cuộc kháng chiến của dân tộc chống ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân xã Sơn Thủy đã vượt qua khó khăn thử thách, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, xây dựng quê hương đất nước, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của cả nước, đồng thời viết nên những trang sử vẻ vang, nối tiếp truyền thống của xã nhà. Hiện nay, cùng với sự phát triển của đất nước, trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ và nhân dân xã Sơn Thủy luôn phấn đấu và không ngừng nỗ lực để xây dựng quê hương Sơn Thủy ngày càng giàu mạnh.

Một phần của tài liệu Tục thờ cúng tổ tiên của người công giáo tại giáo họ thủy trạm xã sơn thủy, huyện thanh thủy, tỉnh phúc thọ (Trang 40 - 42)