Xây dựng thực lực cho chính quyền ĐàngTrong

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của các chúa nguyễn thời kỳ 1558 1802 (Trang 67 - 69)

Với ý đồ tách Đàng trong ra khỏi sự thống trị của vua Lê - chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng và những người nối nghiệp một mặt củng cố phòng thủ đất Thuận Quảng, chống lại có hiệu quả các cuộc tấn công của quân Trịnh, mặt khác ra sức mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Bằng chính sách nội trị mềm dẻo, ngoại giao khéo léo, Nguyễn Hoàng đã thành công trong việc xây dựng thực lực và năm 1570, được lãnh trấn thủ cả vùng đất Thuận Quảng.

Buổi đầu, với chức Trấn thủ việc cắt đặt quan lại của Nguyễn Hoàng chịu sự chi phối của triều đình Lê - Trịnh. Quan lại vẫn do vua Lê bổ nhiệm. Năm 1613, Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp cha, quyết định thải hồi các quan do nhà Lê cắt cử, cải tổ lại bộ máy chính quyền, dời chuyển phủ chúa vào Phước Yên và tổ chức

65

bộ máy ở Chính Dinh gồm 3 ty: Ty Xá (sai giữ việc giấy tờ, kiện tụng), Ty Tướng thần (coi việc thu thuế) và Ty Lệnh sử (giữ việc tế tự và phát lương cho quân lính). Ngoài ra, Chính Dinh còn có thêm Ty Nội lệnh sử coi các loại thuế, hai ty Tả, Hữu lệnh sử chia nhau thu nộp tiền sai dư (thuế thân). Ty Lệnh sử đồ gia (Nhà đồ) giữ việc thu phát vật liệu, quản lý kho. Từ năm 1669, Nguyễn Phúc Tần đặt thêm Ty Nông lại để coi thu thuế điền thổ.

Cho đến giữa thế kỷ XVIII, họ Nguyễn đã làm chủ cả vùng rộng lớn từ Nam Hoành Sơn đến mũi Cà Mau, Đàng Trong chia thành 12 dinh: Bố Chính, Quảng Bình, Lưu Đồn, Cựu Dinh, Chính Dinh (Phú Xuân), Quảng Nam, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ và 1 trấn là Hà Tiên. Mỗi dinh quản hạt 1 phủ (riêng Quảng Nam quản 3 phủ), dưới phủ có huyện, tổng, xã (hay phường). Chỉ có Chính Dinh mới có đủ cơ cấu 3 ty, các dinh khác có 1 hoặc 2 ty.

Xây dựng vùng đất Đàng Trong trong bối cảnh phải đương đầu với họ Trịnh ở Đàng Ngoài và tự mở mang thêm lãnh thổ nhằm tạo thế lực nên Nguyễn Hoàng và các chúa kế nghiệp đã xây dựng một thể chế đậm tính quân sự, lấy quân đội làm chỗ dựa và ưu tiên việc binh. Từ đầu thế kỷ XVII, người Đàng Trong đã học được cách đúc súng và trang bị cho thuyền chiến.

Phương thức tổ chức chính quyền, quân đội như vậy đã tạo cho Đàng Trong có bước chuyển biến nhanh, đạt được ý đồ xây dựng cơ đồ của họ Nguyễn. Tuy nhiên nó cũng nhanh chóng bộc lộ những hạn chế làm cho bộ máy cồng kềnh, trở thành gánh nặng đối với nhân dân và xã hội.

Dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn, vùng đất Thừa Thiên Huế nhanh chóng được khai thác. Đất đai trồng trọt mở rộng thêm, làng xóm được hình thành ở khắp đồng bằng ven biển, vùng đầm phá, gò đồi. So với thời Lê – Mạc, diện tích ruộng đất và làng xã đã tăng lên rất nhiều. Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ là ba huyện

66

Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền thuộc phủ Triệu Phong có 23 tổng, 234 xã, 23 thôn, 77 phường, 1 giáp, 1 châu và 3 sách.

Sau hơn hai thế kỷ khai phá và kiến dựng xứ Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã lập nên hai kỳ tích trong lịch sử dân tộc. Trước hết, ngay sau khi cùng gia nhân và tuỳ tùng vào mở đất phương Nam, nhận thấy những ưu thế trong phát triển kinh tế thương mại, chúa Nguyễn đã sớm có sự lựa chọn và tập trung phát triển ngành kinh tế này. Sự hưng thịnh của kinh tế ngoại thương đã đem lại một diện mạo mới cho nền kinh tế dân tộc. Khởi nguyên từ Nguyễn Hoàng, các chúa Nguyễn đều hiểu rõ và triệt để khai thác thế mạnh của Đàng Trong, nắm bắt kịp thời những biến chuyển thuận lợi trong môi trường chính trị, kinh tế quốc tế, đồng thời dự nhập mạnh mẽ vào hoạt động kinh tế khu vực. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Đàng Trong đã trở thành một vương quốc cường thịnh, một trung tâm thương mại lớn của Đông Nam Á.

Như vậy, vào thế kỷ XVII-XVIII các chúa Nguyễn đã đạt được thành tựu to lớn trong công cuộc khai phá đất phương Nam, biến vùng châu thổ Cửu Long giang rộng lớn, vốn còn nhiều hoang hoá, thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước và vựa lúa phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Để tồn tại và cũng vì sự phát triển, các chúa Nguyễn đã thực thi nhiều chính sách phù hợp với môi trường văn hoá và xã hội Đàng Trong, thấu tình, đạt lý trên cơ sở một ý thức dân tộc mạnh mẽ. Và chính ý thức dân tộc mạnh mẽ, sâu sắc đó đã đem lại sức mạnh cho Đàng Trong, đồng thời tạo nên động lực căn bản cho sự nghiệp khai phá, tiếp tục xác lập chủ quyền và kiên quyết bảo vệ chủ quyền của cha ông ta đối với vùng Nam Bộ, Việt Nam trong những thế kỷ sau đó.

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của các chúa nguyễn thời kỳ 1558 1802 (Trang 67 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)