Như trên đã nói, triều đình nhà Minh sau khi xây xong điện Mẫu, cho “tế lễ như tế vua chúa các đời”. Bắt đầu từ năm 1500, hàng năm các đời tri huyện nhà Minh ở Tân Hội đều dẫn đầu các quan chức bản địa đến điện và tổ chức lễ hội long trọng.
Trải qua nhiều triều đại, điện Mẫu đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Qua những thăng trầm và biến thiên của lịch sử, điện cũng nhiều lần bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. Nay đang dần được phục hội. Lễ hội về Dương Thái Hậu ở điện Mẫu ngày nay đã được phục hồi và trở thành sự kiện văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu của Tân Hội.
Năm 2007 là năm khởi đầu của việc khôi phục lễ hội điện Mẫu, một lễ hội kỷ niệm 764 năm ngày đản sinh của Dương Thái Hậu đã bị lãng quên trong 64 năm nay lại được tái dựng. Lễ hội đã thu hút những con cháu họ Triệu và hậu duệ của các quân thần Nam Tống đến từ các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây, Hồng Kông, Đài Loan, Macao. Ngoài ra còn có sự tham gia của những đại biểu và quần chúng các làng hoàng tộc bản địa, những người quan tâm và du khách. Ước tính có gần 10000 người cùng tham dự, đó là một lễ hội quy mô lớn nhất, số lượng người đông nhất trong gần trăm năm nay ở vùng này.
Trong lễ hội này, những nghi thức tế lễ truyền thống đã tồn tại hơn 500
năm trước như Vua Tống tế Thiên 宋皇祭天, Nhai Môn tế Tỷ (cái ấn của
vua) 崖门祭玺, quần chúng cùng tế 群众致祭v.v… được tái hiện lại. Vua
Tống tế Thiên là một trong những nghi thức hấp dẫn nhất. Những diễn viên mặc trang phục nhà Tống đẹp đẽ tùy theo vị trí vai đóng của mình. Trước hết, diễn viên đóng vai vua Tống dẫn đội hình rất long trọng gồm các Thừa
tướng, đại tướng, lính, cung nữ, văn võ bách quan đi vào quảng trường Hào Khí. Quan tế chính là Tể tướng kính cẩn đọc văn tế. Đọc xong Hoàng đế dâng hương tế trời, dẫn đầu văn võ bách quan cúng tế, cầu mong Quốc thái dân an, bốn biển thăng bình. Sau đó Hoàng đế đích thân dâng rượu tế trời. Tế xong, người ta bố trí mô hình hai con rồng dài 150 mét uốn lượn uy phong trên không, cùng mô hình quân đội là các loài tôm, cua, cá cũng đi lại giữa quần chúng du khách. Cuối cùng Hoàng đế dẫn đầu vứt đồng tiền đến tỷ lớn được bày trong quảng trường, đó là nghi thức tế tỷ. Sau đó quần chúng cùng tế, cầu mong sức khoẻ, làm ăn phát đạt.
Ngoài tái hiện lại nghi thức truyền thống, rất nhiều trò diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc của địa phương được diễn ra phong phú, đa dạng. Đội “la trống bát âm” Cổ Tỉnh, Tân Hội thể hiện đặc sắc văn hoá địa phương đệm đàn cho lễ tế bằng nhạc cổ. Bát âm được tổ hợp do tám loại nhạc cụ như: bào匏, thổ 土, cách 革, mộc 木, thạch 石, kim 金, ty 丝, trúc 竹. Buổi biểu diễn âm nhạc cần hơn chục người đánh đàn cùng lúc, khi diễn, âm thanh của tiếng đàn hết sức hùng tráng. “La trống bát âm” vốn là âm nhạc hoàng gia, sau khi nhà Tống mất, “la trống bát âm” đã được hậu duệ hoàng gia ẩn dật lưu truyền trong dân gian.
“Phù Thạch phiêu sắc”1 浮石飘色là một nghệ thuật dân gian nổi tiếng
của làng Phù Thạch cũng có mặt tại lễ hội. Làng Phù Thạch tự coi mình là hậu duệ của hoàng tộc nhà Tống, làng này đã có lịch sử hơn 600 năm, kế thừa nghệ thuật phiêu sắc từ xưa đến nay. Sau khi tế lễ, 4 người trai tráng mặc trang phục võ sĩ cổ đại khiêng hai tủ sắc lên, mỗi tủ hai trẻ con dưới 10 tuổi được gọi là “sắc trai”, “sắc gái” đóng vai trong vở kịch được biểu diễn trên tủ, họ mặc trang phục có màu sắc tươi sáng, rất đáng yêu, sống động.
1
Phiêu sắc là một loại nghệ thuật dân gian cổ xưa của người Trung Quốc. Khi biểu diễn, diễn viên biểu diễn trên một ống thép được thiết kế độc dáo, giống như hoàn toàn “phiêu” trên không mà chẳng có chỗ dựa, hết sức kỳ diệu.
Trên tủ có một ống thép để đỡ cho diễn viên được gọi là sắc giá. Diễn viên biểu diễn dưới giá sắc, được gọi là hạ sắc, diễn trên giá sắc được gọi là thượng sắc, hoặc gọi là “Phiêu” 飘. Từ góc nhìn của khán giả, người biểu diễn thượng sắc hoàn toàn không có chỗ dựa, bay múa trên không, hết sức kỳ diệu. Hai tủ sắc đã lần lượt biểu diễn hai tiết mục kinh điển là “Thường Nga bôn nguyệt” và “Triệu Tử Long cứu A Đấu”, rất hấp dẫn.
Từ năm 2007 đến nay, lễ hội “Quốc Mẫu đản” đã được khôi phục lại 5 năm. Việc tổ chức lễ hội đã có biến thiên, hình thức biểu hiện không bị ràng buộc như xưa, có thể mỗi năm một kiểu theo quyết định của ban tổ chức, ngày càng mang đặc trưng giản lược và hiện đại hóa.
Chúng tôi lấy lễ hội năm 2011 là năm gần đây nhất khôi phục lễ hội điện Mẫu cho thấy điều này. Lễ hội được mở chính thức vào 9 giờ sáng. Từ sáng sớm, con cháu họ Triệu ở khắp nơi đã mang đồ lễ rất phong phú kéo đến chính điện Mẫu làm lễ tế trước khi ban tổ chức tiến hành các nghi thức. Mỗi làng, mỗi nơi tổ chức tế lễ theo cách riêng của mình. Có làng mọi người mặc đồng phục, áo đeo huy chương có chữ “Triệu”, có làng múa cờ to có chữ “Triệu” hoặc chữ “Dương”, có làng đánh trồng gõ la… Họ đi vào điện bày các loại lễ vật, cúng bái tượng Quốc Mẫu, sau đó tới sờ tượng để cảm nhận tiên khí và phúc khí, hành hương và bỏ tiền công đức. Các loại thịt, bánh kẹo, hoa quả... kể cả loại bánh sinh nhật kiểu phương Tây có kích thước lớn cũng được bày trong sân trước điện, mọi người trong sân thành kính cầu khẩn. Sau đó họ xếp hàng để đánh trống được bày ở trước điện.
Đến 9 giờ sáng, lễ hội diễn những nghi thức tại quảng trường Hào Khí. Trước hết là giám đốc Quần thể du lịch văn hóa hải chiến Nhai Môn giữa quân Tống và quân Nguyên phát biểu. Sau đó, lãnh đạo Cục Du lịch và đại biểu con cháu họ Triệu phát biểu. Tiếp theo là các tiết mục văn nghệ như múa cung điện, múa sư tử. Đội sư tử biểu diễn xong, mọi người đi từ quảng
trường Hào Khí vào chính điện. Đại biểu con cháu họ Triệu là vị trưởng họ cao tuổi được mọi người yêu mến đọc bài văn khấn, đọc xong ông đốt tờ văn khấn tế Quốc Mẫu. Sau đó, ông dẫn đầu đoàn hành hương vào điện tế Quốc Mẫu, các đại biểu tông tộc, dân làng lần lượt hành hương vào tế Quốc Mẫu. Cuối cùng, dân làng đưa các lễ vật như các kiệu giấy, tủ giấy, thuyền giấy, long sàng giấy, tiền giấy… đã chuẩn bị sẵn đến nơi đốt vàng mã nằm bên cạnh chính điện để đốt. Chương trình lễ hội kết thúc, khoảng gần trưa. Buổi chiều dành cho khách du lịch đến thăm viếng và các trò chơi dân gian tại các khu dịch vụ của điện Mẫu.