Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phổ biến ở Việt Nam. Nó ra đời từ rất sớm và đã tồn tại, phát triển qua nhiều thời đại.
Tuy vậy, cho đến nay cái tên gọi đích thực của nó vẫn chưa được các nhà nghiên cứu định danh một cách thống nhất. Người này gọi là “lễ hội”; người kia gọi là “hội lễ”. Có người lại gọi là “hội hè” hay “hội hè đình dám” v.v…
Giới nghiên cứu lễ hội ở Việt Nam từ những năm 90 của thế kỉ trước đã đưa vào trong các công trình nghiên cứu của họ hai thuật ngữ “lễ hội” và “hội lễ”. Năm 1993, tại Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại”, có 34 bài phát biểu và báo cáo khoa học trình bày tại hội thảo này. Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.PTS. Lê Hữu Tầng gói lại vấn đề trên: “Các đại biểu đã đề cập đến nhiều yếu tố khác nhau cấu thành hội lễ, trong
đó đặc biệt nhấn mạnh đến hai yếu tố cơ bản của nó là hội và lễ. Nhưng hội là chính hay lễ là chính? Một số học giả cho rằng hội là chính. Số khác cho rằng lễ là chính. Người coi hội là chính thì khẳng định phải gọi là hiện tượng đang được xét là hội lễ mới đúng. Người coi lễ là chính lại khẳng định ngược lại: phải gọi nó là lễ hội mới đúng. Cũng có ý kiến cho rằng lễ và hội là hai yếu tố giữ hai trò then chốt, tạo nên cốt lõi của hội lễ. Thiếu một trong hai yếu tố đó thì hội lễ sẽ không còn là hội lễ nữa. Vì vậy, có thể gọi nó là
hội lễ hay lễ hội đều được…” [24, tr. 297]. Sau Hội thảo này, phần nhiều các
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều định nghĩa về lễ hội. Giáo sư Vũ Ngọc Khánh cho rằng: “Lễ hội, cũng gọi là hội lễ, là hình thức sinh hoạt văn hóa xã hội của một tập thể, một tổ chức thuộc giới, nghề, ngành hoặc tôn giáo trong phạm vi một địa phương hoặc trong cả nước” [18, tr. 79].
Giáo sư Đinh Gia Khánh bày tỏ quan điểm: “Trước hết phải nói rằng hội lễ là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng tất yếu nảy sinh trong xã hội loài người trên cơ sở một nhu cầu không thể không thỏa mãn của con người sống thành xã hội. Hội lễ đã nảy sinh trong xã hội thị tộc, bộ lạc tức là dưới chế độ cộng sản nguyên thủy và sẽ còn là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của xã hội cộng sản văn minh sau này” [17, tr. 172].
Nhóm tác giả viết cuốn sách: Cơ sở văn hóa Việt Nam luận giải thời
điểm ra đời lễ hội: “Cư dân Việt và cư dân các dân tộc ít người ở Việt Nam là những cư dân nông nghiệp sống bằng nghề trồng lúa nước. Vòng quay của thiên nhiên và mùa vụ tạo ra trong họ những nhu cầu tâm linh. Khoảng thời gian nghỉ ngơi này là dịp để người dân vừa cảm ơn thần linh đã phù hộ cho một mùa màng đã qua, vừa cầu xin thần linh phù hộ cho một mùa màng sắp tới. Dần dà, biến thiên thời gian đã lắng đọng nhiều phù sa văn hóa trong lễ hội. Sinh hoạt văn hóa ấy của cư dân được gọi là lễ hội” [48, tr. 97].
Thạc sĩ Phạm Vũ Dũng cho rằng: “Lễ hội (hay hội lễ) là một sinh hoạt văn hóa dân gian nguyên hợp mang tính cộng đồng cao của nông dân hay thị dân, diễn ra trong những chu kỳ không – thời gian nhất định để làm những nghi thức về nhân vật được sùng bái, để tỏ rõ những ước vọng, để vui chơi trong tinh thần cộng mệnh và cộng cảm” [15, tr. 216].
Nếu lấy thời điểm tháng 8/1945 làm mốc, chúng ta dễ nhận ra rằng, những lễ hội hình thành trước đó, đại đa số gắn bó với làng xã vùng nông thôn, nông nghiệp, nông dân, những ngư dân và thợ thủ cộng, được gọi là lễ
hội cổ truyền, lễ hội truyền thống. Sau năm 1945, lễ hội ở Việt Nam tiếp tục dòng chảy của các lễ hội truyền thống mà giáo sư Đinh Gia Khánh – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, nó: “là những hiện tượng còn sống sót của quá khứ” và “Nếu người ta, nếu dân chúng còn tin vào nó thì nó sẽ không chỉ đơn thuần là một hiện tượng đang sống sót mà đã trở thành, phải trở thành một hiện tượng đang tái sinh” [16, tr. 30]. Đồng thời trong xã hội, với điều kiện sinh hoạt mới, đã xuất hiện những lễ hội mới, được gọi với cái tên chung là lễ hội hiện đại. Ví dụ: lễ hội tòng quân, lễ hội Quốc khánh 2-9, lễ hội 27-7, lễ hội văn hóa – thể thao – du lịch, lễ hội hoa Đà Lạt, lễ hội kỷ niệm ngày thành lập tỉnh, thành phố, ban, ngành…
Lễ hội là một diễn xướng văn hóa tổng hợp, gồm nhiều thành tố cấu thành, cho dù là lễ hội truyền thống hay lễ hội hiện đại, nhưng nhất thiết phải có hai thành tố cơ bản, đó là lễ và hội.
Theo giáo sư Đinh Gia Khánh: “Danh từ hội lễ nên được dùng như một thuật ngữ văn hóa. Có thể sơ bộ xác định ý nghĩa của thuật ngữ này theo hai thành tố là hội và lễ. Hội là tập hợp đông người trong một sinh hoạt cộng đồng. Lễ là các nghi thức đặc thù gắn với sinh hoạt ấy” [17, tr. 172]. Giáo sư Trần Quốc Vượng nói về mối quan hệ của hai thành tố lễ - hội: “Lễ hội gồm hai phần vừa tách rời vừa không tách rời nhau: Lễ (nghi lễ cúng Thần, Thánh, Phật, Mẫu…) và Hội (tụ hội của dân một làng hay liên làng (vùng)” [50, tr. 9]. “Trên thực tế và về lý thuyết Lễ - Hội xoắn xuýt hữu cơ vào nhau, không thể tách rời” [49, tr. 31].
Giáo sư, tiến sĩ Ngô Đức Thịnh cũng đồng quan điểm: “Lễ và hội là một thể thống nhất không thể chia tách. Lễ là phần tín ngưỡng, là phần thế giới tâm linh sâu lắng nhất của con người, là phần đạo, còn hội là phần tập hợp vui chơi, giải trí, là đời sống văn hóa thường nhật, phần đời của mỗi con
người, của cộng đồng. Hội gắn liền với lễ và chịu sự quy định của lễ, có lễ mới có hội” [38, tr. 321].
Dưới góc nhìn giá trị học, Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh nêu ra 5 giá trị cơ bản của lễ hội như sau: Giá trị cố kết cộng đồng; Giá trị hướng về nguồn (nguồn gốc tự nhiên và xã hội); Giá trị cân bằng đời sống tâm linh; Giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; Giá trị bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. [38, tr. 342].
Tổng hợp lại những quan điểm của các học giả như trên, chúng tôi cho rằng: Lễ hội gồm có hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ mang tính chất tâm linh, nghi lễ thể hiện sự gửi gắm và cầu nguyện xin thần linh bảo trợ cho cuộc sống con người. Phần hội gồm các trò chơi giải trí rất phong phú, xuất phát từ ước vọng thiêng liêng. Lễ và hội không tách biệt mà nằm lẫn, đan xen vào nhau như trong lễ hội truyền thống, lễ hội tưởng niệm danh nhân cách mạng ở nhà lưu niệm. Lễ do từng cá nhân hay một nhóm người thực hiện trong thời gian tổ chức lễ hội. Nhưng lễ và hội cũng có thể tách biệt riêng từng phần, như một số lễ hội hiện đại xong phần nghi thức lễ thì chuyển sang hội.