2.2.1. Vài nét về địa bàn nghiên cứu
Trường THPT Tô Hiệu thuộc địa bàn xã Tô Hiệu – huyện Thường Tín – Hà Nội. Trường nằm ở phía nam thành phố, cách trung tâm thành phố Hà Nội 20 km. Được thành lập từ năm 1984, trải qua gần 30 năm qua ngôi trường với bề dày truyền thống dạy và học, nhà trường được phụ huynh và học sinh tin tưởng về chất lượng học tập văn hóa và rèn luyện phẩm chất đạo đức. Hàng năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lớp 12 đều vượt tỷ lệ trung bình của thành phố, trường luôn có học sinh giỏi cấp thành phố và học sinh đạt giải với tỷ lệ cao, có từ 30 – 40% học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
Hiện nay trường THPT Tô Hiệu có 35 lớp với 1054 học sinh, có 91 giáo viên và nhân viên. Tự hào là trường đạt chuẩn Quốc gia, mục tiêu của Ban giám hiệu nhà trường là phấn đấu xây dựng môi trường học tập, học sinh thân thiện, thanh lịch, giáo viên nhiệt tình yêu nghề. Bên cạnh hoạt động học tập, nhà trường cũng luôn chú trọng phát triển học sinh trên các lĩnh vực: văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… các hoạt động ngoại khóa, hoạt động đoàn cũng được đẩy mạnh. Do vậy học sinh có nhiều cơ hội được học tập và giao lưu phát triển nhân cách.
Trường THPT Tô Hiệu nằm ngay trên trục đường quốc lộ 1A, nơi có sự giao thoa về kinh tế, văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Kể từ khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội và trở thành ngoại thành của Hà Nội, Thường Tín trở thành huyện ven đô, có sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế và văn hóa xã hội: sự mở rộng của các khu công nghiệp, sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế, số hộ làm nông nghiệp giảm, chuyển sang buôn bán dịch vụ… bộ mặt đời sống dân cư có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo sự bất ổn về tình hình an ninh trật tự: tệ nạn xã hội, buôn bán ma túy, nghiện games, nghiện hút… diễn ra với thủ đoạn tinh vi hơn. Chính điều này tác động mạnh đến học sinh trên địa bàn, trong đó có học sinh trường Tô Hiệu.
Khách thể nghiên cứu gồm 263 học sinh và 263 phụ huynh. Chúng tôi phát ra 263 phiếu trưng cầu ý kiến ở học sinh và thu về 256 phiếu hợp lệ; loại bỏ 7 phiếu không hợp lệ do trả lời không đúng hoặc không thu hồi được, như vậy kết quả có 256 phiếu học sinh và 256 phiếu phụ huynh.
Phân bố theo giới tính và các khối lớp học sinh như sau:
Giới tính và các khối lớp Số lượng
Giới tính Nam 120 Nữ 136 Khối 10 Lớp chọn 45 Lớp thường 45 Khối 11 Lớp chọn 40 Lớp thường 44 Khối 12 Lớp chọn 46 Lớp thường 36
Phân bố nghề nghiệp của phụ huynh học sinh như sau:
Nghề nghiệp của phụ huynh Số lượng %
Làm ruộng 146 57 Bác sĩ 2 0.8 Buôn bán tự do 37 14.5 Công nhân 4 1.6 Kinh doanh 32 12.5 Giáo viên 12 4.7 Nghề thủ công 23 9
Ngoài ra còn có 6 giáo viên chủ nhiệm đang trực tiếp giảng dạy tại tại các lớp.