7. Cấu trúc của luận văn 14-
3.3.1. Kể chuyện theo cách kể của dân gian 89-
Trong thế giới những truyện đời xưa viết lại, cho đến nay có thể thấy hai cách kể chuyện cơ bản. Cách thứ nhất, người kể muốn tái hiện không khí của thời đại mà câu chuyện được kể diễn ra, nên cố tạo dựng một không gian văn hóa kèm theo lối tự sự mang màu sắc cổ xưa, từ lời kể đến ngôn ngữ nhân vật. Nguyễn Huy Tưởng, Trương Tửu, Khái Hưng, Hà Ân, Hoàng Quốc Hải… đều viết theo khuynh hướng này. Cách thứ hai, người viết chỉ lấy một cốt truyện, hoặc nhân vật cổ xưa, nhưng lại tạo không khí hiện đại, ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật đều là ngôn ngữ của thời hiện tại - kể chuyện. Hiện tượng này ta có thể thấy trong sáng tác của Hòa Vang, Nguyễn Việt Hà, Lê Đạt, Nguyễn Huy Thiệp…
Tô Hoài thuộc trường hợp thứ nhất. Nhưng có một điểm rất khác của Tô Hoài là trong khi kể chuyện, ông cố gắng đưa mọi thứ trở về cái cổ xưa của dân gian.
Trước hết đấy là lối thuật sự tôn trọng thời gian tuyến tính, đầu trước đuôi sau, sự kiện nào xảy ra trước thì kể trước, sự kiện nào diễn ra sau thì kể sau. Không chỉ trong các truyện ngắn, mà trong bộ ba truyện dài Nhà Chử, Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, mặc dù rất có điều kiện, rất rộng đường để sử
dụng hồi ức, hồi cố, miêu tả theo trật tự, quy luật tâm lí… nhưng tác giả đã không làm như vậy. Tất cả đều được kể một cách tuần tự, chậm rãi. Điều này, bên cạnh mục đích để các bạn đọc nhí dễ đọc, dễ nhớ, dễ kể lại, tác giả còn có dụng ý để cho đời sống phơi trải một cách tự nhiên. Mạch văn vì thế cũng trở nên chậm rãi, phản ánh cái chậm rãi, hiền hậu, từ tốn và trật tự của làng xã lúa
nước. Đọc các tác phẩm này, hứng thú của người đọc là thực sự sống lại với không gian xa xưa của người Việt.
Tất cả các tác phẩm của Tô Hoài viết về chuyện cũ, ngôn ngữ đều rất đậm chất cổ xưa. Điều này đã được xác nhận bởi nhiều người, trong đó có nhà nghiên cứu Hà Minh Đức khi ông cho rằng: “Đặc điểm đầu tiên dễ nhận thấy qua những sáng tác của Tô Hoài là tính dân tộc rõ nét và đậm sắc thái. Có thể nói rằng tất cả những cái ông viết ra đều thuộc về phần bản chất và tiêu biểu của đời sống dân tộc. Ông muốn trở về với ngọn nguồn của những truyền thuyết, những thần tích, những câu chuyện cổ để tìm hiểu sự sống của dân tộc trong thời kì xa xưa với những cảm nghĩ và hình thái tư duy, với những hành động sáng tạo của người lao động trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước” [21;137].
Gợi lại không khí đời sống dân gian cổ xưa, Tô Hoài rất chú ý sử dụng ngôn ngữ cổ (hoặc giả cổ, bằng một cách lắp ghép nào đó theo phong cách dân gian), để trả không gian, thời gian, con người, sự việc, suy nghĩ về với ngày xưa của dân gian, nhất là khi miêu tả phong tục lễ hội… của người Việt.
Hầu như không thấy các từ Hán Việt trong các truyện này của Tô Hoài. Những gì ông viết ra đều gần gũi, thân thuộc. Ông không gọi nhân vật là “vương” (An Dương Vương, Trưng Vương…), mà gọi là “vua chủ”, không gọi là “Tiên Dung” mà là “nàng Dong”, không gọi “nghĩa quân”, “ba quân” mà là “quân nghĩa”… Điều này vừa giúp bạn đọc nhí dễ tiếp cận, lại vừa góp phần quan trọng vào việc dựng lại chân dung đời sống và văn hóa buổi sơ kì.
Để xác lập không khí dân gian trong truyện, Tô Hoài cũng rất chú ý sử dụng cách ví von, lối nói nhiều thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ… Vì thế, chất dân gian không phải là một sự hồi cố, một hoài tưởng, mà đó là một thứ dân gian thực sự sống động trong trang sách. Những từ cổ như “duyên cách” (chỉ sự thay đổi), “chạ”, “cõi” (chỉ đơn vị hành chính, khu vực, địa phương), “chứng” (đang)… được ông sử dụng nhằm mục đích lẩy ra cái chất dân gian
đó. Điều này là sự thể hiện một tư tưởng thẩm mĩ của Tô Hoài: “Tôi không đưa vào ngôn ngữ xưa của một vùng nào. Những chữ trong các sáng tác trên đều phảng phất cổ, tôi đã nhặt trong làng xóm, trong tục ngữ ca dao… Tôi tránh chữ bây giờ hoặc không đặc điểm. Ví dụ “trâu chạy” tôi viết “trâu bồn”, “chuẩn bị” tôi viết “sửa soạn”, tôi không viết “bộ đội hành quân” mà viết “quân trảy” [38;74].