7. Cấu trúc của luận văn 14-
2.3.2. Những nguồn cảm hứng lớn về lịch sử, về cuộc sống 67-
Trong những truyện dân gian viết lại, Tô Hoài thể hiện một cảm hứng dạt dào, gắn bó mật thiết với lịch sử, với cuộc sống. Đó là cảm hứng về hiện thực với những ngổn ngang trần thế, cảm hứng về lịch sử, cảm hứng ngợi ca, lãng mạn, sử thi, bi kịch… Những nguồn cảm hứng ấy hoài quyện, đan xen tạo nên vẻ đẹp lung linh đa sắc trong tác phẩm.
Trên cơ sở những câu chuyện kể ngắn gọn của lịch sử, của dân gian, Tô Hoài đã dựng lên những bức tranh sống động về cuộc sống của tiền nhân trong buổi đầu lịch sử, điều mà những câu chuyện cổ không mấy quan tâm do tính chất đặc thù của thể loại. Cuộc chiến đấu của gia đình nhà Chử, những làng xóm yên vui, những bến nước, ghềnh thác nơi thử thách ý chí, sức dẻo dai của con người cũng là nơi nuôi nấng, chở che cho họ trong hành trình tiến về phía trước là minh chứng thuyết phục cho nhận định trên. Tác giả đã viết với cảm hứng ngợi ca bằng lòng yêu mến sâu sắc quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc, tự hào về con người Việt Nam. Nhất là trong ba tác phẩm truyện dài, chúng ta thấy điều đó hằn lên từng trang viết. Tác giả tỏ ra vô cùng phấn khích khi miêu tả phong tục tập quán, lễ hội thật hấp dẫn với một
sự hiểu biết sâu sắc. Giáo sư Hà Minh Đức nhận xét: “Nghĩ về quá khứ của dân tộc, ông biết tìm tòi và trân trọng những giá trị truyền thống. Mỗi nét sinh hoạt và phong tục tập quán đều được hình thành trong lao động với nỗ lực để cho cuộc sống ngày một ấm no, vui sướng với trí sáng tạo để mỗi ngành nghề đều thêm thuần thục chân tay. Tô Hoài đã có những trang viết đẹp về những ngày hội với cảnh gói bánh chưng, giã bánh giầy, nấu cơm thi. Ông dùng sức tưởng tượng để tạo dựng những cảnh hội hè đông vui, ông đi sâu vào từng nghề nghiệp của người lao động trên đồng ruộng, trên sông nước… Tất cả đều được khám phá, tìm tòi với tình yêu mến và lòng trân trọng” [15;129]. Viết về lễ hội, phong tục, về cuộc sống lao động, tác giả đều nhằm lí giải sức sống mạnh mẽ, tiềm tàng của dân tộc. Sức mạnh ấy đã giúp con người Việt Nam trụ vững trước mọi thiên tai địch họa để giữ gìn được từng nếp ăn, nếp nghĩ qua bốn ngàn năm thăng trầm và gian truân.
Ít thể hiện trong 101 truyện ngày xưa, nhưng trong Nhà Chử, Đảo
hoang, Chuyện nỏ thần, cảm hứng lãng mạn sử thi nổi lên khá rõ nét và tập
trung với biểu hiện nổi bật là xây dựng được một hệ thống nhân vật đại diện cho sức mạnh cộng đồng, mang trên mình những nét tính cách tiêu biểu cho cốt cách người Việt. Đặc biệt tập trung nhất là ở những trường đoạn miêu tả cảnh con người đương diện với thiên tai, chống lại kẻ thù xâm lược. Những trang viết, nhất là những trang viết về công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ quê hương đất nước, luôn hào sảng và hừng hực không khí hoành tráng, oanh liệt với hình ảnh những con người có tài năng, sức mạnh, hành động, phát ngôn… đều hết đỗi phi thường.
Khi viết về trận đánh thuồng luồng của ông Chử thời trẻ, tác giả miêu tả: “dòng sông mịt mù khói sóng”, còn thừng đàn thuồng luồng thì “vừa bơi vừa cắn nhau, máu chảy đỏ rực suốt lòng sông”… “các thuyền xúm đến, vung rìu chặt toạc mép thuồng luồng… Tiếng hò hét, tiếng búa chí chát vang rợn lên trên mặt nước đỏ ngầu” [29;68]. Lúc đó, chàng Chử “khoa tay, đâm ngọn
giáo suốt họng xuyên tận sống lưng thuồng luồng, rồi nhanh như chớp, rút giáo, đẩy thuyền ra ngoài vòng quẫy của con vật giãy chết” [29;68].
Tính chất sử thi còn âm vang trong hình ảnh những cơn lũ mà tác giả gọi là những con trâu nước, trâu thần, đàn trâu điên tràn về trong thời gian An Tiêm chỉ huy cư dân Bãi Lở trị thủy. Và đây là cảnh An Tiêm cùng dân làng chặn đàn trâu điên, trâu nước, trâu thần: “Những hòn đá tảng rào rào lăn xuống quãng sông đang giận dữ sùi bọt mép”. Lây đá rỗng cả núi, họ phải đi ba bốn ngày, đục lỗ vào những tảng đá to tướng, hàng chục người cùng xúm vào kéo ra. “Ba năm qua, hầu như sức người đã chuyển cả một dãy núi quanh rìa các triền Tam Đảo và Tản Viên ra đứng cao chênh vênh bờ sông”. Con sông, nhờ vào sức người, đã “trở nên hiền hậu đáng yêu, hồn nhiên đem về cho hai bờ một đời sống trù phú” [29;159].
Cảm hứng sử thi, âm hưởng anh hùng ca thể hiện rõ nhất trong những đoạn văn miêu tả cảnh chiến đấu giữ nước, giữ làng, trong đó đặc biệt là cảnh chiến thắng giặc Triệu dưới uy lực của nỏ thần. Để miêu tả chiến trận với âm vang sử thi, tác giả đã miêu tả quân thù với một sức mạnh ghê gớm: “nghe ầm ầm chuyển động như cơn giông kéo đến bên kia sông”. Rồi đó là khí thế tuyệt vời của quân dân Âu Lạc: “Những mũi tên xé gió bay ra, tiếng oàng lên như sét đánh liên tiếp. Nỏ bắn hết sức sầm nhiệt, náo động cả bốn phía mặt thành” [29;558]. Trong khí thế ấy, quân Triệu chết và thất bại một cách thảm hại.
Viết về cuộc sống người Việt anh dũng nhưng cũng đầy đau thương, trong các tác phẩm dân gian viết lại của Tô Hoài còn mang cảm hứng bi kịch. Đấy là những đoạn viết về thất bại của An Dương Vương, thể hiện nỗi đau nước mất nhà tan; là những trang viết về cái chết của ông Chử hay Lí Ông Trọng. Hình ảnh cái chết của ông Chử gợi cho người đọc bao buồn thương: “Ông Chử vẫn ngồi nguyên, tựa đầu vào vách lều. Hai mắt khép nhẹ như đang ngủ hờ. Con le le đậu trên mu bàn tay ông. Vàng âu yếm cúi mõm trên bàn chân ông. Hai dòng nước mắt vàng chảy ra mu chân ông. Rồi le le cuống quýt
cất cánh bay rối loạn, hô hoán kéc kéc. Nước mắt vàng đầm đìa trên bàn chân người già đã mốc trăng… Chử nhấc tay ông rồi cõng ông vào lều. Đặt xuống, ông Chử vẫn như người nằm ngủ. Trên mình ông Chử, chiếc khố đơn vẻ cây sui” [29;83]. Đấy là cái chết đẹp. Nhưng trong vẻ đẹp, sự nhẹ nhàng của cái chết ấy biết bao ngậm ngùi, biết bao thương xót.
Cảm hứng bi kịch trong Đảo hoang thể hiện rất rõ ở tình huống gấu em tiễn Mon về đất liền. Gấu em là một trong hai con gấu có mẹ bị trăn gió siết chết, được Mon cứu và nuôi nấng. Người với gấu thân thiết không nỡ xa nhau. Khi bầy gấu rừng đến rủ rê, hai chú Gấu đã không nỡ bỏ Mon. Đến khi Mon về đất liền, mọi người nào nức vui mừng, còn gấu em “tha thủi về nhà, bò xuống nằm ở cái gian thấp dưới lòng đất, buồn bã và dửng dưng nhìn ra” [29;449]. Rồi gấu em lủi thủi vào rừng, chui vào hang đá, nằm im nhìn ra. Lúc thuyền ra khơi, trong bãi cát “xuất hiện một chấm đen. Rồi trông rõ đấy là gấu em. Gấu em kia, gấu em đương đi ra. Gấu đứng trên bãi. Gấu em kia, Gấu em nhìn ra. Gấu em đứng thẳng, như những lúc trông ngóng. Như gọi, như vẫy” [29;450]… Đọc đến đây, người đọc không thể cầm được nước mắt cho bi kịch của gấu em: một con vật mồ côi, cô đơn trong cảm giác tủi thân biết mình bị bỏ rơi.
Khi nói về những mất mát, Tô Hoài thường nói tránh, thường giảm nhẹ sự miêu tả mang tính chất bi thương. Nhưng dường như điều đó không làm cho bi kịch nhẹ hóa, mà nó khiến cho người đọc ngậm ngùi, day dứt thêm.
Chương 3
NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN CỦA TÔ HOÀI TRONG NHỮNG TRUYỆN DÂN GIAN VIẾT LẠI
DÀNH CHO THIẾU NHI