Các biện pháp xây dựng nhân vật 84-

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện dân gian viết lại của Tô Hoài (Trang 85)

7. Cấu trúc của luận văn 14-

3.2.3. Các biện pháp xây dựng nhân vật 84-

Để xây dựng nên hệ thống nhân vật phong phú, đa dạng mà thống nhất trong các tác phẩm dân gian viết lại của mình, Tô Hoài đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật để miêu tả ngoại hình, nội tâm và hành động, qua đó bộc lộ tính cách nhân vật.

Trong các truyện cổ, do tính chất thi pháp loại hình truyện dân gian quy định, nhân vật thường là nhân vật chức năng, và các tác giả dân gian do đó không có nhu cầu miêu tả nhân vật qua ngoại hình, hành động, suy tư… Tất cả các nhân vật đều được miêu tả khá qua quýt. Chử Đồng Tử chẳng hạn, được miêu tả trong Chử Đồng Tử: “Xưa ở làng Chử Xá có hai cha con Chử Cù Vân và Chử Đồng Tử nhà nghèo phải chung nhau một cái khố… Bấy giờ vua Hùng vương thứ 18 có nàng công chúa tên là Tiên Dung, tuổi đã mười bảy, mười tám mà không chịu lấy chồng, chỉ thích chèo thuyền đi xem sông núi”; hoặc trong Sự

tích quả Dưa hấu, An Dương vương và Mị Châu - Trọng Thủy… tình hình đều

như thế.

Với Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần, Tô Hoài thừng xây dựng nhân vật ít nhiều điểm nhìn. Ông để nhân vật xuất hiện trong những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, và lựa chọn những chi tiết độc sáng để miêu tả diện mạo nhân vật. Chử xuất hiện khá đột ngột trong nhà một ông lão vùng trung du trên

hành trình về quê thăm ông, ở thời khắc hoàng hôn: “Bỗng trông xuống chân đồi, thấy một người lạ đương đi lên. Người ấy trần trùng trục, đóng khố một, sợi thừng thắt lưng buộc con dao. Người dưới sông lên, mà lại dắt dao đi rừng khác kiểu người ở các bến dưới đây” [29;30]; hoặc có lúc Chử xuất hiện trong nhà một bà lão, bà ngạc nhiên thấy Chử “vành tai to như cánh dơi bà, nhất là hai con mắt long lanh” [29;45]… Kiểu phác họa bằng vài nét, thêm một vài tình tiết so sánh, nhân vật của Tô Hoài hiện lên độc đáo khác người, và nhìn vào đấy người đọc có thể biết mình đang đối diện với những nhân vật phi phàm.

Sắc đẹp của nàng Dong, tài năng của nàng Dong được tác giả miêu tả bằng nghệ thuật “vẽ mây nẩy trăng”. Đầu tiên, tác giả kể lại bài hát ca ngợi người đẹp đất Mường Nưa: “Mường Nưa ở cõi nào, không đâu biết - chỉ nghĩ đấy như là đất tổ sinh ra mọi thứ tốt tươi trên thế gian

Ở Mường Nưa có một nàng Bước chân dẻo như nai lượn Miệng nói vui hơn suối reo

Tóc dài, một bước, tóc leo lên gót Nàng ra suối, suối bỏ đường đi

Nàng ngồi bên bếp lửa, lửa quên reo cháy Nàng vào rừng, nai quên theo đàn

Nàng cất tiếng hát bên núi Voi đội ngà ra nghe

Nàng cất tiếng hát bên rừng Chim quên ăn trái xanh trái chín”

[29;109]

Sắc đẹp mê hồn, quyến rũ của nàng Dong được tác giả miêu tả bằng biện pháp nghệ thuật giàu tính chất sử thi. Đầu tiên là việc miêu tả cô gái Mường Nưa, sau đó, người kể khẳng định: “Nhưng nàng Dong con vua chủ chắc còn đẹp hơn người đẹp Mường Nưa nhiều. Nàng Dong thạo đánh vật, bắn nỏ, lắm

tay đô nam các lò giỏi cũng ít ai bì, lại năm nào cũng giật giải hội cơm thi” [29;109]. Tương tự ngoại hình, tài năng của An Tiêm, Đô Lỗ, Tàm… đều được tác giả miêu tả một cách tinh tế.

Bên cạnh miêu tả ngoại hình, Tô Hoài cũng rất chú ý khắc họa nhân vật qua hành động. Đây cũng là điều nhà văn đã vượt ra khỏi khuôn khổ quy phạm của truyện dân gian khi miêu tả các nhân vật chức năng. Trong truyện cổ, những hành động của các nhân vật thường đơn giản, rất chóng vánh thu được kết quả, và nhiều khi những hành động ấy được hỗ trợ tích cực bởi yếu tố thần kì. Phần lớn nhân vật của Tô Hoài trong các truyện dân gian viết lại, nhất là ở ba tiểu thuyết Nhà Chử, Đảo hoang và Chuyện nỏ thần, đều là những nhân vật có suy nghĩ, hành động có tính chất độc lập cao, dù ở đó vẫn xuất hiện những nhân vật anh hùng, phi thường và có vai trò quyết định quan trọng trong vận mệnh cộng đồng hoặc trong những thời khắc lịch sử quan trọng: chống thiên tai, thú dữ, kẻ thù xâm lược… Cũng là những mẫu người anh hùng phi phàm và cơ bản các hành động có những nét tương đồng nhằm thể hiện quan niệm về sự kế thừa, về cuộc chạy tiếp sức của dân tộc trong quá trình sống, nhưng Tô Hoài đã có bút pháp miêu tả hết sức linh hoạt, không gây cảm giác trùng lặp, nhàm chán. Ví dụ truyện gia đình Chử đời này sang đời khác nối tiếp diệt thuỷ quái, nhưng hành động của mỗi người, mỗi đời được miêu tả khác nhau, thể hiện trí tưởng tượng phong phú của nhà văn. Ngoài ra, thủ pháp cường điệu kế thừa từ di sản sử thi cũng được tác giả sử dụng hết sức điêu luyện. Tầm vóc của nhân vật do vậy được nâng lên mà rất tự nhiên, không sống, không gượng: trong khi mỗi thuyền, đêm chỉ đánh được một con thuồng luồng thì riêng ông Chử mỗi đêm đâm cả chục con; và Chử, một đêm ném đá giết sạch một sông thuồng luồng. Hay cảnh An Tiêm đánh trâu nước, Cao Lỗ so tài với các tướng… Tô Hoài trong khi miêu tả hành động của một loạt các nhân vật phi phàm, kì vĩ đã khéo léo và tinh tế lựa chọn những cảnh huống, những hành động phù hợp với công việc, hành trạng của từng người, để dựng nên một thế giới nhân vật với đa dạng cá tính. Đồng

thời, nhà văn cũng chọn những tình huống thử thách nguy hiểm làm nổi bật sự khéo léo, dũng cảm… của nhân vật qua hành động.

Nội tâm nhân vật cũng được Tô Hoài rất chú ý miêu tả. Đây là điểm khác biệt rõ nhất giữa các truyện dân gian viết lại của Tô Hoài với các truyện dân gian, bởi truyện dân gian, do chỗ các nhân vật xuất hiện chỉ để thực hiện những chức năng nhất định, cốt để giải quyết các vấn đề của cốt truyện, nên không được chú ý miêu tả tâm lí, nội tâm. Tuy nhiên, do khuôn khổ của truyện, cho nên không phải tất cả các truyện dân gian viết lại của Tô Hoài đều có được thế mạnh này. Trong các truyện tập trung ở 101 truyện ngày xưa, nội tâm của nhân vật nhiều khi cũng được thể hiện nhưng thường là trong những dòng ngắn, rất ngắn. Nghệ thuật miêu tả nội tâm, tâm lí nhân vật của Tô Hoài trong mảng truyện này chủ yếu thể hiện trong ba tác phẩm Đảo hoang, Nhà Chử, Chuyện nỏ thần.

Nhân vật trong bộ ba truyện này của Tô Hoài được khắc họa với đời sống nội tâm phong phú. Trong Nhà Chử, sau khi ông mất, Chử đã mất rất nhiều thời gian suy nghĩ về cuộc đời, về tấm lòng của ông và nung nấu ý chí thực hiện di nguyện cuối cùng của ông là biết bay lượn cho khắp các dòng sông đất nước. Trong Đảo hoang, Mon đã buồn da diết khi bị lạc bố mẹ, nhưng Mon đã biến tất cả những buồn, nhớ, mong mỏi thành ý chí, thành sức mạnh để khắc phục khó khăn, quyết tâm sống và hi vọng có ngày đoàn tụ với gia đình. Độc giả cũng không thể quên được từng giọt nước mắt của nàng Hoa với tấm lòng đau đáu về quê hương Bãi Lở khi đứng trên bãi biển nơi đọa xứ. Nhân vật của Tô Hoài, nhờ những day dứt, những trăn trở nấu chín trong lòng mà trở nên sống động, mang dáng dấp của những con người hiện đại.

Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật của Tô Hoài có lẽ tập trung khá rõ, khá tiêu biểu trong đoạn khắc họa tâm trạng các nhân vật thuộc hai tuyến đối lập, hoặc ít nhất là không cùng chí hướng, thân phận, hoàn cảnh là cha con vua Thục

và Trọng Thủy, để đem đến những lí giải thuyết phục nhất về cách hành động của họ. Với tư duy tiểu thuyết, Tô Hoài đã khiến các nhân vật trở nên sống động bằng đời sống riêng với những trạng thái tâm lí khác nhau, để thấy được những mặt bi kịch trong họ. Trên cơ sở đó, Tô Hoài cũng đưa ra cái nhìn phân tích, xem xét, đánh giá nhân vật trên nhiều góc độ với cái nhìn vừa nghiêm khắc, vừa thông cảm, qua đó gửi gắm những thông điệp đáng chú ý về cuộc sống hôm nay. Tâm trạng các nhân vật cũng được nhà văn dụng công miêu tả với những thủ pháp khác nhau. Nội tâm của vua Thục được thể hiện chủ yếu qua hành động và lời nói; với Mị Châu, đó là lời thổn thức kèm theo nước mắt, còn với Trọng Thủy là sự miêu tả kết hợp nội tâm, lời nói, thái độ, hành vi. Miêu tả vua Thục khi biết mình bị lừa, tác giả cho thấy nhà vua hết sức giận dữ, “đứng phắt dậy, hai tay vụt ôm lên, như giằng hàm râu ra, thét to: quân chó ngao, quân phản trắc!”; vua trằn trọc suốt đêm, rồi “bàng hoàng”, “sững sờ”; “vua Thục vẫn đinh ninh một niềm tin mãnh liệt… Càng căm giận đến rợn tóc gáy, vua càng mải mê đôn đốc mọi mặt, từ các phường ra ven hào, ven sông” [29;788]. Nhân vật Trọng Thủy dưới ngòi bút của Tô Hoài luôn sống trong trạng thái lo âu, bất an và có thái độ, hành vi đầy mâu thuẫn bởi y biết được y chỉ là nạn nhân giữa hai làn tên đạn, là quân cờ trong tay vua cha. Trọng Thủy quá biết mình là ai, ý thức được việc mình làm nên luôn rụt rè, khép nép trước các bậc anh hùng của Âu Lạc; giả bộ thẫn thờ, buồn rũ để đòi Mị Châu cho được bí quyết nỏ thần. Trọng Thủy sợ cả con sáo và nỗi sợ ấy thể hiện trong việc y dùng roi đánh chết con sáo; khi chuẩn bị đào tẩu bởi đã lấy được bí quyết của Âu Lạc thì nỗi day dứt vì tình yêu chân thành lại hành hạ y… Chân dung con người này hiện lên nhiều phần sống động, chân thật, hấp dẫn.

Miêu tả nhân vật trong các tác phẩm dân gian viết lại của mình, Tô Hoài đã cho thấy tài năng của mình ở sự thể hiện một cách tinh tế những chân dung khác nhau, những tính cách khác nhau, những diện mạo khác nhau. Những nhân

vật ấy đã thực sự bước ra khỏi truyền thuyết để đến gần với chúng ta với mọi nỗi niềm, với tình yêu, lòng thù hận, buồn vui, khổ đau và tuyệt vọng. Những nhân vật ấy thực sự có đời sống “rất người”.

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện dân gian viết lại của Tô Hoài (Trang 85)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w