Một cuộc sống nhọc nhằn với bao thử thách và khát vọng 53-

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện dân gian viết lại của Tô Hoài (Trang 54)

7. Cấu trúc của luận văn 14-

2.2.1.Một cuộc sống nhọc nhằn với bao thử thách và khát vọng 53-

Trong những tác phẩm viết về thời dựng nước xa xưa, Tô Hoài tạo dựng được không khí và màu sắc huyền sử bằng những bức tranh chi tiết cụ thể sống động về phong tục, sinh hoạt, lao động của thời xưa cùng với những bức tranh thiên nhiên, trong thời kỳ mà bước chân và bàn tay khai phá của con người đang lấn dần từ vùng đồi núi xuống vùng châu thổ còn hoang sơ,

rậm rạp, mênh mông, đến cả những hòn đảo ngoài biển (Đảo hoang, Nhà

Chử). Để làm nổi bật được điều đó, Tô Hoài rất có ý thức đặt các nhân vật của

mình vào những hoàn cảnh khó khăn và những tình huống thử thách buộc họ phải tìm kiếm lấy con đường để vượt qua, và thường thì để chiến thắng hoàn cảnh, trước hết nhân vật phải biết cách chiến thắng chính mình. Đó là công cuộc đương đầu với thiên tai, thủy quái, những cuộc đi tìm sự sống trong Nhà

Chử, Đảo hoang, trong Bánh chưng bánh dày, Gái ngoan dạy chồng, Người thợ mộc ở Nam Hoa, Quả dưa đỏ, Kho báu trên núi Phìa Mạ, Nàng tiên gạo, Sự tích thác Đam Bri; là công cuộc chống ngoại xâm để bảo vệ cõi bờ trong Chuyện nỏ thần, Lê Lợi, Ông Gióng, Các tướng tài của hai bà Trưng, Yết Kiêu, Sự tích hồ Gươm…

Nhà Chử chẳng hạn, miêu tả về công cuộc vượt thác đầy khó khăn thử

thách của ba đời gia đình Chử. Đấy là ông Chử, bố mẹ Chử, rồi đời Chử. Tất cả các thế hệ ấy đều có chung một đặc điểm là rất nhiều khát vọng, trong đó khát vọng cháy bỏng nhất là được ra khỏi nơi định cư của mình để khám phá những miền đất mới. Ông Chử đã rời khỏi sông Cái với ý chí tìm đến nơi nào có thể thấy được những giọt nước rỉ ra từ trong lòng đất, nơi khởi nguồn của con sông Cái. Bố mẹ Chử cũng vậy, cũng khai sơn phá thạch để tiếp nối ý chí của tiền nhân. Đặc biệt hơn là Chử. Chàng thanh niên dũng cảm và hoang dã ấy đã rời khỏi chốn thượng nguồn để trở về với quê tổ, về với nơi bãi Tự Nhiên. Trên hành trình đó, Chử đã trải qua không ít hiểm nguy: những lúc vượt sông, vượt thác, những khi chống chọi với mưa lũ, những trận giao đấu với Thuồng Luồng. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả xây dựng ba nhân vật trong đại gia đình ấy (ông Chử, bố Chử và Chử) đều là những dũng sĩ đánh thuồng luồng. Và không phải ngẫu nhiên mà trên hành trình của ông Chử, bố Chử ta đều cảm nhận được gian khổ, nhưng hình như hành trình về xuôi của Chử lại gian khổ hơn gấp bội. Hình ảnh con sông với những ghềnh thác cheo leo cứ trở đi trở lại trên hành trình của Chử chính là hình ảnh công cuộc vật

lộn của người Việt với thiên nhiên để khẳng định sự tồn tại, bản lĩnh của mình trên thế giới này.

Trong Đảo hoang, chúng ta cũng gặp hành trình chinh phục thiên nhiên đầy cam go và quả cảm của An Tiêm không chỉ trên hành trình ra đảo, mà còn cả trước khi ra đảo. Trước khi ra đảo, An Tiêm đã được vua chủ cử đi mở đất ven sông Cái “vốn là con sông dữ, nó như con trăn vùng lên cuốn vào lòng những làng xóm, những đồi nương, những cánh rừng, cả trâu, cả người” [29;155]. Để bắt thiên nhiên phải quy hàng, An Tiêm đã phải cùng những người dân vác đá trên núi về ném xuống sông chặn dòng nước lũ, lấp những đoạn sông lở để biến vùng đất thường xuyên bị lũ lụt đe dọa thành một vùng đất bình yên. Hình ảnh An Tiêm cùng dân làng trị thủy quái, ngăn nước lũ chính là hình ảnh có tính chất biểu tượng. Nó chính là hiện thân cuộc trị thủy đầy cam go, khốc liệt và hi sinh của những người sống luôn phải chống chọi với thiên nhiên để giành giật sự sống trong nền văn minh nông nghiệp lúa nước.

Bị đày ra giữa hòn đảo hoang vu giữa biển cả, gia đình An Tiêm gặp bao nhiêu khó khăn chồng chất, tưởng chừng không qua nổi. Hết nạn nọ đến nạn kia liên tục giáng xuống cái gia đình nhỏ bé và cô đơn ấy. Khi vừa bước chân lên đảo, cơn bão cạn đã ập xuống đầu họ như đòn phủ đầu tàn nhẫn của thiên nhiên. Sau trận bão cạn là nỗi kinh hoàng của trận rồng cuốn nước. Với cơn bão cạn, “những cơn gió lại ầm ầm giựt lên, đánh cả những tảng đá to rào rào xuống biển. Trông ra thấy những con sóng trắng xóa bóng đêm”, thì với cơn rồng cuốn nước, “tiếng réo, tiếng đá, tiếng cây khủng khiếp đổ… con người mắc vào đá như những hòn sỏi, như những con chuột bị lắc đi lắc lại trong ống. Trong cơn mê hoảng, nhưng trong tiềm thức cả khi mê, con người vẫn không mất hẳn trí nhớ. Nước ộc vào hang, nước ra, những bàn tay, bàn chân tưởng chết cứng, vẫn bám gờ đá, vướng chắc vào gờ đá.” [29;271]

Có thể thấy trong đoạn miêu tả trên hai hình ảnh đối lập: một bên là thân phận nhỏ bé, lay lắt, bấp bênh “như những hòn sỏi, như những con chuột bị lắc đi lắc lại trong ống” của con người, nhưng cũng có thể thấy ở đó sự kiên cường của tiềm thức, của ý thức, của cái bám víu vào vách đá từ những con người tưởng chừng đã chết. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là những dấu hiệu ban đầu chứng minh cho ý chí, nghị lực của con người, và những thử thách cũng mới chỉ là bước đầu. Đang còn phía trước thật nhiều thiếu thốn, nhiều gian khổ mà họ đều vượt qua để hướng đến một ngày về tươi vui.

Cuộc sống nhọc nhằn, thử thách của người Việt đời xưa trong Chuyện

nỏ thần được phản ánh ở phương diện khác. Đó là cuộc đương đầu với quân

giặc ngoại xâm hùng mạnh và tàn bạo. Quân Tần kéo sang ào ạt như thác lũ, đốt phá, cướp bóc: “cả nghìn người vác giáo khắp vùng, gặp gì chặt nấy. Bắp ngô, quả mít, bầu bí, nhổ cả bãi đỗ, bãi lạc…”, lùng bắt trâu, bò, dê, lợn… Tuy hung hãn, tuy mạnh, nhưng chỉ ít lâu sau, đội quân xâm lược ấy đã bị dân Âu Lạc tiêu diệt bằng cái trí, cái chí của mình. Tuy nhiên, sau đó, người dân ở đây lại phải tiếp tục đương đầu với quân xâm lược phương bắc, cụ thể ở đây là quân Triệu Đà. Những trận huyết chiến đã diễn ra. Những người con của Âu Lạc đã ngã xuống. Máu của người Âu Lạc nhuộm thắm đất Âu Lạc: “Đến giữa trưa, máu đỏ vẫn còn chảy tràn một vùng đồi bãi. Quân Triệu càng tới đông đặc, đen nghịt. Đến lúc trông vào, không thấy voi tướng Đống, tướng Vực. Không thấy một bóng quân trai tráng Chiêm Trạch đâu nữa”. Người Việt anh dũng, nhưng oan trái và đau thương. Chỉ sau đó không lâu, lại phải đối đầu với ngoại xâm. Không phải ngẫu nhiên mà Chuyện nỏ thần lại tạo một bước nhảy từ thời Thục An Dương Vương đến thời của Trưng Nữ Vương. Dưới ách thống trị tàn bạo của Tô Định, nhân dân ta phải chịu bao nhiêu thiệt thòi, bao nhiêu đau khổ: nào đi lính, nào cống nộp đủ loại các sản vật quý hiếm: voi trắng, chim công, hồ tiêu, hươu đen, hươu trắng… hay: “Người lên rừng bóc quế. Người xuống bể làm muối. Nơi nào không đủ lệ thì

xử giảo, xử chém. Có chỗ bêu đầu. Có chỗ họp người lại đứng xem voi giằng xác. Mỗi năm một cơ khổ hơn. Người các nơi đi tha hương, trốn vào rừng ở” [29;737].

Chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược là một nội dung quan trọng trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, nhất là trong các truyền thuyết, cổ tích về người anh hùng, về các danh nhân đất nước. 101 truyện ngày xưa tập hợp trong đó không ít các truyền thuyết về những người anh hùng có công lao với sơn hà xã tắc. Không phải chỉ là các vị thủ lĩnh, các lãnh tụ nghĩa quân, ở đó ta thấy sự xuất hiện của nhiều nhân vật chỉ là một viên tướng nhỏ, là một bộ tướng, thậm chí chỉ là những người dân rất đỗi bình thường. Bên cạnh những Lê Lợi, Triệu Thị Trinh, ta cũng thấy xuất hiện những Yết Kiêu, những vị tướng dưới trướng của hai bà Trưng, một ông lão đánh cá, một người phụ nữ nhỏ bé, bình thường… Nhiều khi chúng ta thấy Tô Hoài rất có ý thức sưu tầm và kể lại những chuyện ấy ở dạng chum truyện, cố gắng xâu chuỗi để người đọc có thể thấy sự tồn tại của chúng trong tính hệ thống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tác giả cảm nhận được sự chồng chất của những khó khăn, sự dồn dập của sự kiện, của chiến công và cả hi sinh.

Bên cạnh những thử thách là những khát vọng cao đẹp. Đấy là khát vọng về một nền độc lập dân tộc, khát vọng về một cuộc sống thanh bình, yên vui, no ấm. Điều đó thể hiện thật rõ trong những hành động lao động, chiến đấu bền bỉ của nhân dân Âu Lạc, của những người con thời Hùng Vương dựng nước: của An Tiêm, Chử, Cao Lỗ, Đô Nồi, Tàm, Vực, Đống, của các vị tướng lĩnh, của những người dân bé nhỏ, hiền lành. Và cao hơn hết đó là khát vọng hướng thiện trong cuộc đấu tranh của người Việt chống lại cái ác, cái xấu…

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện dân gian viết lại của Tô Hoài (Trang 54)