chuẩn nghề nghiệp
3.3.4.1. Mục đích của biện pháp
Kiểm tra là một trong những công việc then chốt của người lãnh đạo, quản lý. Không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Kết quả kiểm tra còn là cơ sở để các nhà quản lý phân loại, có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đội ngũ
đáp ứng yêu cầu của bộ Chuẩn. 3.3.4.2. Nội dung của biện pháp
Kiểm tra, đánh giá giáo viên theo 6 tiêu chuẩn, 25 tiêu chí:
- Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: Căn cứ vào thái độ ứng xử, tác phong, lối sống, kết quả thực hiện các nhiệm vụ giáo dục được giao. Lấy chất lượng và hiệu quả công tác làm thước đo đánh giá giáo viên.
- Về năng lực chuyên môn:
+ Kiểm tra năng lực dạy học của giáo viên là kiểm tra, đánh giá trình độ, năng lực chuyên môn, là đánh giá tay nghề của giáo viên, thông qua việc kiểm tra, đánh giá các công việc giảng dạy hàng ngày của họ, với các khâu: soạn bài, giảng dạy trên lớp (truyền thụ kiến thức cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng môn học, đổi mới phương pháp dạy - học, phát huy tính tích cực của học sinh, tác động tới các đối tượng), chấm trả bài, theo dõi, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Từ đó, đánh giá hiệu quả giờ lên lớp; trình độ, năng lực hiện nay; hướng phát triển trong thời gian tới.
+ Kiểm tra năng lực giáo dục là kiểm tra, đánh giá hiệu quả của hoạt động giáo dục thông qua hiệu quả giờ lên lớp của giáo viên bộ môn, cụ thể là về kết quả giáo dục nhận thức tư tưởng của học sinh; là chất lượng lớp chủ nhiệm mà giáo viên phụ trách hoặc năng lực vận dụng các nguyên tắc, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục vào các công việc được giao...
- Kiểm tra năng lực hoạt động chính trị, xã hội là kiểm tra, đánh giá hiệu quả sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội, các hoạt động đoàn thể, các hoạt động phối hợp với địa phương...
Các phẩm chất này cùng với khả năng về chuyên môn là cơ sở để bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ quản lý cho nhà trường.
- Kiểm tra năng lực phát triển nghề nghiệp: Đánh giá khả năng phát triển nghề nghiệp của giáo viên thông qua việc giao nhiệm vụ giảng dạy ở các khối lớp khác nhau, từng đối tượng khác nhau theo năm học hay theo khóa học sinh để giáo viên tự khẳng định năng lực của mình.
Hướng dẫn cho giáo viên tự đánh giá về phẩm chất và chiều hướng phát triển về chuyên môn nghiệp vụ của họ. Các nhà quản lý sẽ kiểm chứng qua kết quả dạy học và chất lượng giáo dục học sinh, đánh giá mức độ và chiều hướng phát triển của nhà giáo trong những năm tới.
Đánh giá nhà giáo theo 6 tiêu chuẩn như nói ở trên với 2 loại: đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn. Đạt chuẩn bao gồm các thang điểm:
Loại Xuất sắc: tất cả các tiêu chí đạt từ mức 3 điểm trở lên, trong đó có
ít nhất 15 tiêu chí đạt mức 4 điểm và có tổng số điểm đạt từ 90 đến 100.
Loại Khá: Tất cả các tiêu chí đạt từ mức 2 điểm trở lên, trong đó phải
có ít nhất 15 tiêu chí đạt mức 3 điểm, mức 4 điểm và có tổng số điểm từ 65 đến 89.
Loại Trung bình: tất cả các tiêu chí đều đạt từ mức 1 điểm trở lên
nhưng không xếp được ở mức cao hơn. (Tổng điểm từ 25 đến 64 điểm).
Chưa đạt chuẩn (loại Kém): Giáo viên bị xếp vào loại này, thuộc một trong hai trường hợp sau: 1/ Tổng số điểm dưới 25; hoặc, 2/Từ 25 điểm trở lên nhưng các tiêu chí chưa đạt mức 1 điểm trong bảng đánh giá.
Cùng với kiểm tra, thanh tra gắn với 6 tiêu chuẩn, tăng cường hơn nữa việc đổi mới kiểm tra, đánh giá và quản lý chặt chẽ kết quả dạy - học. Đánh giá đúng kết quả dạy - học thì mới tạo được động lực mạnh mẽ để nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục. Thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá và quản lý chặt chẽ kết quả giảng dạy của giáo viên và kết quả học tập của học sinh là vấn đề then chốt tạo nên ‘nội lực” của trường.
- Phối hợp chặt chẽ công tác kiểm tra nội bộ của nhà trường và công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn của Phòng GD&ĐT.
Từ đầu năm học, hiệu trưởng phải có kế hoạch kiểm tra chuyên môn của mỗi giáo viên. Trước khi dự giờ, kiểm tra đánh giá giáo viên, Ban giám hiệu phải tập trung nghiên cứu sâu bài dạy của giáo viên (với sự tham mưu, của tổ, nhóm trưởng chuyên môn và giáo viên giỏi) để việc dự giờ, góp ý kiến cho đồng nghiệp đạt yêu cầu, trúng vấn đề đặt ra. Việc kiểm tra nội bộ của nhà trường cần linh hoạt, kết hợp cả 2 hình thức: kiểm tra theo kế hoạch (đã báo trước) và hình thức kiểm tra đột xuất (không báo trước). Kết quả kiểm tra, đánh giá giờ dạy của giáo viên phải được công khai, khách quan và công bằng, tạo được niềm tin của đội ngũ nhà giáo.
Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động sư phạm nhà giáo các trường của Phòng Giáo dục & Đào tạo cần được không ngừng đổi mới, theo hướng gọn nhẹ, thuận tiện, thiết thực; vừa thể hiện được yêu cầu giữ nghiêm kỷ cương, nền nếp dạy học, giáo dục vừa là lực lượng cần thiết để giúp giáo viên (và nhà trường) khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém.
3.3.4.3. Cách thức tổ chức thực hiện biện pháp
Thành lập Ban kiểm tra, đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp do hiệu trưởng làm trưởng ban, các phó hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn giáo dục làm phó ban, các thành viên Ban kiểm tra gồm đại diện các đoàn thể, tổ trưởng chuyên môn, đại diện giáo viên giỏi.
Xây dựng kế hoạch kiểm tra (về nội dung, thời gian kiểm tra, phương pháp đánh giá giáo viên…).
Triển khai kế hoạch kiểm tra tới các tổ, nhóm chuyên môn để giáo viên chủ động thực hiện kế hoạch.
Tiến hành kiểm tra theo kế hoạch hoặc kiểm tra đột xuất thông qua hoạt động dự giờ, kiểm tra hồ sơ, giáo án của giáo viên; thăm dò, tìm hiểu qua phản hồi của học sinh (phản ánh của cán bộ lớp, cán bộ Đoàn; hoặc gửi phiếu góp ý kiến cho thầy cô giáo đến từng học sinh. Chú ý: vừa đảm bảo được
truyền thống “tôn sư trọng đạo” vừa phát huy được tính dân chủ, thẳng thắn của học sinh trong việc góp ý kiến cho thầy cô).
Nội dung kiểm tra cần bám sát những quy định của bộ Chuẩn.
3.3.4.4. Điều kiện thực hiện biện pháp
Kiểm tra, đánh giá giáo viên là kiểm tra đánh giá năng lực của một nhà giáo nên các bước thực hiện cần phải thận trọng, chu đáo và khoa học. Công tác kiểm tra, đánh giá nhà giáo phải đảm bảo tính công bằng, khách quan, vô tư, theo đúng các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ đề ra.
Đồng thời với công tác kiểm tra, cần có cơ chế phù hợp để khuyến khích nhà giáo tự giác, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ.