1.5.1. ĐTĐ ở người cao tuổi.
ĐTĐ là một vấn đề sức khỏe quan trọng đối với người cao tuổi (NCT). Theo số liệu gần đây nhất thì có tới 22- 33% người Mỹ ≥ 65 tuổi mắc ĐTĐ. Tăng đường huyết sau ăn là một đặc trưng nổi bật của bệnh ĐTĐ type 2 ở người lớn tuổi . Trung tâm kiểm soát địch bệnh Hoa Kỳ (CDC) dự báo tỉ lệ bệnh ĐTĐ sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới, một phần là do sự lão hóa của dân số . Dự báo khác cho thấy số người ≥ 65 tuổi được chẩn đoán ĐTĐ sẽ tăng 4,5 lần trong khoảng từ 2005- 2050 . Trong khi đó Việt Nam đang đứng trước thách thức về già hóa dân số với tỷ lệ NCT năm 2007 là 9,45%, dự báo tỷ lệ NCT có thể lên đến 16,8% vào năm 2029 .
NCT bị mắc ĐTĐ thì tỷ lệ tử vong, tàn tật cao hơn so với người không bị mắc ĐTĐ. Ngoài ra NCT bị mắc ĐTĐ có nguy cơ cao hơn so với người không bị ĐTĐ ở vài hội chứng lão khoa thường gặp như: sử dụng nhiều loại thuốc, sa sút trí tuệ, tiểu tiện không tự chủ, đau mạn tính… .
1.5.2. Tăng axít uric ở NCT
Có nhiều lý do giải thích điều này. Ở những người ở độ tuổi trung niên và cao tuổi các rối loạn chuyển hóa trong đó có tăng AUHT thường xảy ra mà các rối loạn này vốn thường kín đáo ở tuổi trẻ, bắt đầu trở nên rõ ràng, thường
xuyên hơn. Bệnh nhân có thể chỉ bị rối loạn chuyển hóa protid với biểu hiện là tăng axít uric hoặc mắc bệnh gút cũng như có thể kết hợp với nhiều dạng rối loạn chuyển hóa khác như ĐTĐ, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch. Chính các rối loạn chuyển hóa này khi phối hợp với nhau càng làm cho bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn.
Những NCT thường có chế độ ăn uống sinh hoạt không hợp lý như uống ít nước, ăn nhiều đạm, uống rượu, thường lo lắng, căng thẳng trong cuộc sống. Chính đó là yếu tố làm gia tăng nguy cơ tái phát bệnh. Ở độ tuổi này, bệnh nhân thường mắc nhiều bệnh khác như tim mạch, thận, nội tiết, ĐTĐ. Trong các bệnh này, mạch máu thường bị tổn thương, máu thường khó lưu thông, nặng có thể gây tắc mạch. Điều này làm giảm khả năng bài tiết axít uric ra khỏi cơ thể qua đường thận. Kết quả là axít uric ngày càng lắng đọng trong khớp cũng như các tổ chức khác.
Chế độ điều trị cũng có thể là nguyên nhân làm tăng AUHT. NCT hay bị nhiều bệnh và phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau. Một số thuốc điều trị có thể hạn chế sự bài tiết axít uric ra khỏi cơ thể như các thuốc lợi tiểu, hạ huyết áp, thuốc corticoid (prednisolon, dexamethason). Một điều quan trọng nữa là bệnh nhân cao tuổi hay dùng các loại thuốc đông dược không rõ nguồn gốc theo lời đồn đại, chưa được kiểm chứng. Kết quả làm cho các rối loạn trở nên nặng hơn và bệnh lại càng tiến triển trầm trọng hơn. Bệnh lý ĐTĐ, đặc biệt là ĐTĐ type 2 là bệnh lý thường gặp đi kèm với tăng AUHT, đặc biệt là Gout. Bệnh nằm trong hội chứng rối loạn chuyển hoá chung, được đặc trưng bởi sự tăng đường huyết, mà nguyên nhân chính do thiếu hụt Insulin tuyệt đối hoặc tương đối. Bệnh ĐTĐ ở bệnh nhân Gout thường do sự đề kháng Insulin. Việc kết hợp nhiều bệnh làm cho việc điều trị gặp khó khăn, đòi hỏi phải kết hợp tốt điều trị.