Hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân phối nguồn lực, hiệu quả sử dụng chi phí chịu ảnh hưởng từ các yếu tố đầu vào như phân bón, giống, thuốc,…và giá cả của các yếu tố đầu vào đó. Bên cạnh nguồn lực đầu vào vẫn còn tồn tại các yếu tố kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến các hiệu quả này như tuổi tác, trình độ học vấn, kinh nghiệm của nông hộ, số lao động tham gia sản xuất, quy mô sản xuất của nông hộ hay tình trạng tập huấn, vay vốn của nông hộ. Kết quả hồi quy Tobit của 3 hiệu quả cho thấy hiệu quả phân phối nguồn lực và hiệu quả sử dụng chi phí có giá trị kiểm định của mô hình (Prob > chi2) lần lượt bằng 0,008 và 0,003 < (1%), hiệu quả kỹ thuật có giá trị kiểm định mô hình (Prob > chi2) = 0,013 < (5%). Các biến đưa vào mô hình hồi quy Tobit có một số biến có hệ số có ý nghĩa thống kê và một số biến có hệ số không có ý nghĩa thống kê.
Bảng 4.14: Kết quả chạy mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế
Biến số
Hiệu quả kỹ thuật (TE) HQ phân phối nguồn lực (AE) HQ sử dụng chi phí (CE) Coef P>[|Z| >z] Coef P>[|Z| >z] Coef P>[|Z| >z] TU 0,005 0,174 -0,005** 0,015 -0,003* 0,076 HV 0,017 0,205 0,004 0,561 0,005 0,432 LD -0,048 0,427 0,083** 0,012 0,086*** 0,003 KN 0,023*** 0,002 0,006 0,109 0,007** 0,039 DT -0,076** 0,035 -0,021 0,312 -0,026 0,151 TH 0,016 0,893 0,053 0,443 0,028 0,640 TD 0,118 0,414 -0,100 0,241 -0,081 0,281 Hằng số 0,422* 0,071 0,155 0,213 0,017 0,871
Ghi chú: *,** và *** lần lượt biểu diễn các mức ý nghĩa thống kê ở mức 10%, 5% và 1%
a. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kỹ thuật của các nông hộ trồng nấm rơm
Qua bảng kết hồi quy Tobit cho thấy, có 2 biến có ý nghĩa thống kê là biến kinh nghiệm (KN) và biến diện tích (DT). Chi tiết về sự ảnh hưởng của các biến đến hiệu quả kỹ thuật được giải thích như sau:
Hệ số ước lượng của biến kinh nghiệm có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và có tương quan thuận chiều đến hiệu quả kỹ thuật. Với kết quả này cho thấy, những nông hộ có kinh nghiệm sản xuất nhiều hơn sẽ có hiệu quả kỹ thuật cao hơn những nông hộ có ít kinh nghiệm sản xuất. Điều này phù hợp với thực tế, nhiều kinh nghiệm sẽ giúp nông hộ nắm bắt được sự biến động của thời tiết, thị trường, đặc điểm sinh trưởng của nấm rơm.
Hệ số của biến diện tích âm (-0,076) và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Kết quả chỉ ra rằng những hộ có diện tích canh tác nhỏ sẽ đạt hiệu quả kỹ thuật cao hơn những hộ có diện tích canh tác lớn. Điều này cho thấy, quá trình sản xuất nấm rơm của nông hộ trên địa bàn không có tính kinh tế theo quy mô. Quy mô sản xuất lớn có thể vượt quá trình độ canh tác và khả năng quản lí của nông hộ từ đó dẫn đến giảm năng suất và giảm hiệu quả.
b. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả phân phối nguồn lực của các nông hộ trồng nấm rơm
Mỗi loại hiệu quả chịu tác động của mỗi yếu tố khác nhau. Hiệu quả phân phối nguồn lực chịu tác động của các biến tuổi (TU) và lao động (LD). Các biến được giải thích như sau:
Biến tuổi có hệ số ước lượng tương quan âm với hiệu quả phân phối nguồn lực và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Kết quả cho thấy, nhóm những nông hộ trẻ tuổi có hiệu quả phân phối nguồn lực cao hơn những hộ lớn tuổi. Điều này chỉ ra rằng những nông hộ càng trẻ thì càng năng động nên việc phân phối các nguồn lực hiệu quả hơn và không cứng nhấc trong các quyết định như những nông hộ lớn tuổi.
Biến lao động của hộ có ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả phân phối nguồn lực thể hiện qua mức ý nghĩa 5% và hệ số ước lượng dương (0,083). Việc tận dụng lao động gia đình sẽ làm giảm số lao động thuê ngoài.
c. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng chi phí của các nông hộ trồng nấm rơm
Trong các yếu tố đưa vào mô hình hồi quy Tobit thì có 3 yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng chi phí, 3 yếu tố đó là tuổi, lao động và kinh nghiệm.
Kết quả cho thấy hệ số ước lượng của biến tuổi tương quan nghịch với hiệu quả sử dụng chi phí và có ý nghĩa thống kê ở mức 10%, trong khi biến kinh nghiệm lại có mối quan hệ tương quan thuận với hiệu quả sử dụng chi phí và có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế cho thấy, có những nông hộ lớn tuổi nhưng chỉ mới bắt đầu trồng nấm vài năm trở lại đây nên thiếu kinh nghiệm sản xuất, trong khi những nông hộ trẻ tuổi lại trồng nấm từ khá sớm và chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các thế hệ trước.
Cuối cùng, biến lao động có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và tương quan thuận với hiệu quả sử dụng chi phí. Thông thường những nông hộ có hiệu quả sử dụng chi phí cao thì có nguồn lực lao động dồi dào. Việc sử dụng lao động gia đình sẽ hạn chế được việc thất thoát các lượng đầu vào. Tuy nhiên, khi sử dụng nhiều lao động trên một đơn vị diện tích có thể làm giảm hiệu quả.
4.3.3 Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông hộ trồng nấm rơm ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp