3.1.1 Vị trí địa lí
Lai Vung là một huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam của tỉnh Đồng Tháp, phía Bắc giáp huyện Lấp Vò; phía Nam giáp huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long); phía Đông giáp thị xã Sa Đéc và huyện Châu Thành; phía Tây là con sông Hậu giáp thành phố Cần Thơ. Huyện có vị trí hết sức quan trọng, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, nằm kề với khu công nghiệp Sa Đéc, ngang khu công nghiệp Trà Nóc thuộc Cần Thơ và tiếp giáp với các trung tâm đô thị lớn của vùng như thành phố Cần Thơ, thành phố Long Xuyên (thuộc An Giang) rất thuận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển.
3.1.2 Điều kiện tự nhiên
3.1.2.1 Địa hình
Địa hình của huyện tương đối bằng phẳng, hơi trũng, cao ở vùng ven sông Tiền và sông Hậu. Thủy văn của huyện chịu tác động của 3 yếu tố như lũ, mưa nội đồng và thủy triều biến động.
3.1.2.2 Khí hậu - sông ngòi
Huyện Lai Vung chiụ ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa gần xích đạo. Gió thịnh hành theo 2 hướng Tây Nam, Đông Bắc (tháng 5 – 11), ngoài ra còn có gió chướng (tháng 2 – 4). Có hai mùa rõ rệt: mùa mưa (bắt đầu tháng 5 đến tháng 11, mưa nhiều tập trung cao độ vào tháng 9, 10) và mùa nắng (bắt đầu từ khoảng tháng 12 đến tháng 4 năm sau).
Huyện có diện tích sông rạch khá nhiều là 1.551,17 ha chiếm 7,06% diện tích đất toàn huyện. Nguồn nước ngọt dồi dào cung cấp bởi sông Hậu nhưng lượng nước phân bố không đều trong năm, mùa kiệt mực nước thấp nên hầu hết diện tích canh tác phải bơm tưới, mùa lũ quá nhiều nước gây ngập lụt nghiêm trọng ảnh hưởng đến năng suất và đời sống nhân dân.
3.1.2.3 Đất đai
Theo Niên giám Thống kê huyện Lai Vung, tính đến năm 2012 diện tích đất tự nhiên của huyện là 23.844,457 ha chiếm 6,79% diện tích toàn tỉnh Đồng Tháp và chiếm 0,07% diện tích toàn quốc. Trong đó đất nông nghiệp chiếm 19.496,043 ha; đất cây lâu năm 5.108,724 ha; đất trồng lúa 14.175,284 ha.
3.1.3 Tình hình kinh tế - xã hội
3.1.3.1 Tình hình xã hội
a) Dân số và lao động
Đan số của huyện chủ yếu là dân số trẻ nên nguồn lao động rất dồi dào. Dân số năm 2010 là 159.974 người, mật độ dân số bình quân 672 người/km2. Dân số thành thị 7.913 người. Dân số nông thôn 152.061 người. Trong đó, lao động trong nông nghiệp là 123.278 người.
b) Giáo dục và y tế
Về giáo dục: Ngành giáo dục và đào tạo hoàn thành chương trình năm học 2011 – 2012 theo quy định; cuộc vận động “hai không” với 04 nội dung và phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” được tiếp tục triển khai tốt góp phần tăng cường kỷ cương trong ngành; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn quy định; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư. Năm học 2013 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,68%; xét tốt nghiệp cấp THCS đạt 97,9% (giảm 0,43%); tiểu học đạt 99,92% (tăng 0,22%). Tình trạng bỏ học năm học 2012 – 2013 toàn huyện có 508 học sinh chiếm 1,99%.
Về y tế: Công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng được chính quyền đại phương hết sức quan tâm và đạt nhiều chỉ tiêu sau: tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi là 12,61% (giảm 0,43% so với năm 2012); tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi là 19,2%. Bên cạnh đó tình hình kế hoạch hóa gia đình được thực hiện tốt nên tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2013 giảm xuống 0,87%. Ngoài ra, huyện cũng đầu tư nhiều kinh phí để nâng cấp nhiều cơ sở y tế, 12/12 xã , thị trấn duy trì 12 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế.
c)Văn hóa – xã hội
Phong trào thể thao quần chúng cũng từng bước phát triển mạnh để nâng cao sức khỏe cho người dân, năm 2012 toàn huyện có 123 câu lạc bộ thể dục thể thao, tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 27,4% (năm 2013). Toàn huyện đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh nơi công cộng, đến năm 2013 toàn huyện có 91,9% gia đình đạt chuẩn văn hóa, 59/71 khóm ấp đạt chuẩn văn hóa. Cuối năm 2013, toàn huyện có 3.565 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 8,91% (giảm 2,18% so với cùng kỳ), cận nghèo 3.187 hộ chiếm tỷ lệ 7,79% (giảm 0,33%) trên 39.992 họ trong toàn huyện.
3.1.3.2 Tình hình kinh tế
a) Về nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp vẫn là thế mạnh của huyện. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi một cách hợp lý nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, phù hợp điều kiện thổ nhượng. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản. Tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp năm 2013 là 1.706.465 triệu đồng.
Trồng trọt
Lai Vung thuộc tỉnh Đồng Tháp, là tỉnh nằm ở ĐBSCL với đất đai phù sa màu mỡ, rất phù hợp để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt.
Bảng 3.2: Diện tích cây trồng của huyện Lai Vung giai đoạn 2011 – 2013 Đơn vị tính: ha
Chỉ tiêu Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013
Lúa 35.069 35.200 37.466
Cây màu và công nghiêp ngắn ngày 2.976 2.700 2.466
Cây ăn trái 3.947 4.160 4.252
Nguồn: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, 2011, 2012, 2013
Qua bảng 3.2 cho thấy, diện tích cây lúa tăng qua các năm từ năm 2011 đến năm 2013. Diện tích năm 2011 là 35.069 ha đến năm 2012 diện tích tăng thêm 131 ha, tăng khoảng 0,37%. Đến năm 2013 diện tích tăng tương đối cao khoảng 2.266 ha so với năm 2012, sản lượng đạt trên 230.000 tấn . Tuy nhiên giá lúa năm 2013 duy trì ở mức thấp nên nông dân sản xuất thu lợi nhuận ít, ảnh hưởng không ít đến đời sống nhân dân.
Diện tích cây màu và công nghiệp ngắn ngày giảm qua các năm. Năm 2011 diện tích là 2.976 ha. Nhưng đến năm 2013 diện tích rau màu chỉ còn khoảng 2.466 ha giảm khoảng 8,67% so với năm 2012. Diện tích giảm do chuyển đổi cây trồng vật nuôi khác, diện tích canh tác bình quân mỗi hộ thấp, phân tán, nông dân gặp nhiều khó khăn trong đầu ra sản phẩm.
Diện tích cây ăn trái nhìn chung tăng đều qua các năm. Diện tích năm 2012 là 4.160 ha tăng hơn so với năm 2011 là 5,40%. Đến năm 2013, diện tích vườn cây ăn trái toàn huyện là 4.252 ha, tổng sản lượng cây ăn trái cả năm đạt 71.569 tấn. Cây ăn trái có giá trị cao nên diện tích của các nông hộ đang đàn chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái như quýt hồng, quýt đường, cam…nhằm tăng thu nhập.
Chăn nuôi
Chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì ổn định. Về tổng đàn, năm 2012 đàn heo có 29.000 con, đàn bò 2.800 con, gia cầm 380.000 con. Tổng giá trị sản xuất đạt 248,6 tỷ đồng (chiếm 7,1% giá trị toàn ngành). Trong 9 tháng đầu năm 2014 tổng đàn heo 23.441/37.005 con đạt 63% kế hoạch; đàn bò là 3.611/3.207 con đạt 112,6% kế hoạch. Về gia cầm toàn tỉnh có 300.047/290.361 con (gà 71.188 con,vịt 228.859 con) đạt 103,3% kế hoạch. Năm 2012, đã triển khai tiêm phòng vắc xin định kỳ được trên 55.445 liều vắc xin các loại cho đàn gia súc và 529.447 liều cho đàn gia cầm. Tổ chức 12 lớp kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh trên trâu bò trong 9 tháng đầu năm 2014. Nhờ thực hiện tốt công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật, phòng chống cúm gia cầm, dịch bệnh gia nên không có dịch bệnh lớn xảy ra.
Thủy sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản giảm do giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu thấp, giá thức ăn, cá giống và các chi phí khác còn ở mức cao, người dân chua mạnh dạn mở rộng diện tích. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả năm 2012 đạt 240 ha với sản lượng cả năm là 26.000 tấn, trong đó cá tra là 22.300 tấn. Tổng giá trị đạt 745,7 tỷ đồng (chiếm 21,34% giá trị toàn ngành). Năm 2013, toàn huyện có 227 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng ước đạt 21.000 tấn. Trong 9 tháng đầu năm 2014, diện tích mặt nước đang thả nuôi là 197,5 ha, trong đó: cá tra thương phẩm là 61,7 ha; cá tra giống 83,4 ha; thủy sản khác 41,13 ha, lồng bè có 21 cái. Sản lượng 9 tháng/ 2014 đạt 12.926 tấn, trong đó cá tra 11.160 tấn, thủy sản khác 1.236 tấn, khai thác tự nhiên 530 tấn.
Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trên thủy sản, đã tổ chức trình diễn 3 điểm sản xuất giống lươn đồng, 2 điểm ương và nuôi cá trê vàng. Công tác quản lý chất lượng thủy sản tập trung vào các biện pháp tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và giám sát dư lượng kháng sinh, các chất độc hại ở các vùng nuôi.
b) Về công nghiệp
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 là 1.115 tỷ đồng đạt 90% kế hoạch, tăng 11,8% so với năm 2012. Nhìn chung sản xuất công nghiệp – xây dựng trên địa bàn tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng. Trong năm 2013, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào các cụm, khu công nghiệp không nhiều, nguyên nhân giảm do ảnh hưởng tình hình khó khăn chung của nền kinh
tế,một số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính nên chậm triển khai thực hiện các dự án xây dựng. Tổng số doanh nghiệp đăng ký trong năm là: 65 doanh nghiệp, giải thể 49, tổng số doanh nghiệp hiện có trên địa bàn huyện là 237.
c) Về thương mại – dịch vụ
Tình hình hoạt động các chợ trên địa bàn huyện tiếp tục được duy trì và phát triển tốt; công tác niêm yết hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm phòng chống cháy nổ được thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên do ảnh hưởng của giá lúa giảm là nguyên nhân chính làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2013 tăng không cao, đạt 938.414 triệu đồng, tăng 12% so với năm 2012. Giá cả hầu hết các mặt hàng đều tăng làm giảm sức mua của người dân so với năm 2012. Năm 2013, số hộ kinh doanh cá thể đăng ký mới là 536 hộ, nâng tổng số hộ kinh doanh cá thể hiện có là 4.212 hộ.
3.2 THỰC TRẠNG SẢN XUẤT NẤM RƠM HUYỆN LAI VUNG 3.2.1 Giới thiệu về nấm rơm
Nấm rơm hay nấm mũ rơm (tên khoa học gội là Volvariella volvacea), là một loài nấm trong họ nấm lớn sinh trưởng và phát triển từ các loại rơm rạ. Nấm gồm nhiều loài khác nhau, có đặc điểm hình dạng khác nhau như có loại màu xám trắng, xám, xám đen… kích thước đường kính cây nấm lớn, nhỏ tùy thuộc từng loại.
Nấm rơm thường được sử dụng làm thực phẩm. Cứ 100g nấm rơm khô chứa đạm tới 21 - 37g đạm, chất béo 2,1 - 4,6g, bột đường chiếm 9,9g, chất xơ 21g, các yếu tố vi lượng là Ca, Fe, P và các vitamine A, B1, B2, C, D, PP... Ngoài ra, nấm rơm còn chứa 7 loại a-xít amin cần thiết mà cơ thể không tổng hợp được.
Ở các quốc gia vùng nhiệt đới rất thích hợp về nhiệt độ để nấm rơm sinh trưởng và phát triển. Nhiệt độ thích hợp để nấm phát triển từ 30 – 320C; độ ẩm nguyên liệu (cơ chất) 65 - 70%; độ ẩm không khí 80%; pH = 7, thoáng khí. Nấm rơm sử dụng dinh dưỡng cellulose trực tiếp từ nguyên liệu trồng.
Nấm rơm có thể trồng được quanh năm, tuy nhiên tùy theo điều kiện thời tiết mà chúng ta áp dụng các biện pháp khác nhau để khắc phục tình trạng bất lợi. Nếu tháng giáp Tết, có gió lạnh thì phải che kỹ, giữ ấm và làm mô to hơn. Nếu vào mùa mưa phải làm mái che cho mô nấm hoặc ủ rơm dầy hơn, làm nền mô cao hơn để tránh ngập úng. Ở những nơi có gió mạnh, phải làm rào chắn gió, đồng thời bố trí mô nấm thẳng góc với hướng gió.
3.2.2 Kỹ thuật trồng và chăm sóc
3.2.2.1 Kỹ thuật trồng
Chuẩn bị đất: Làm phẳng nền, trong mùa mưa nên làm rãnh thoát nước và đào các liếp rộng 60-80 cm, cao 10 cm có độ dốc đỗ về hai mé thấp. Rảnh sâu 10 x 20 cm. Nén chặt mặt liếp giúp: thoát nước tốt, không bị úng ngập khi tưới.
Chuẩn bị rơm:
Rơm sau khi thu hoạch lúa mùa, lúa thần nông, lúa nếp đều sử dụng được; có thể dùng rơm tươi hoặc rơm đã khô, rơm không bị mục nát biến thành màu đen.
Rơm được chất thành đống rộng khoảng 1,5 – 2m, dài ít nhất 1,5m. Chất một lớp rơm bề cao khoảng 2 – 3 tấc (bổ sung dinh dưỡng 0,5 – 1% urê, 1% vôi) tưới nước cho thật ướt và dùng chân dậm cho dẽ. Chất lớp thứ hai dầy khoảng 3 tấc, tưới nước và dậm dẽ như trên. Tiếp tục lớp thứ 3, thứ 4 – cuối cùng đống ủ có chiều cao khoảng 1,5m. Mục đích tưới từng lớp để cho nước thấm đều trong rơm.
Vài ngày sau khi ủ, nhiệt độ trong đống ủ lên cao 60 – 700C, làm cho nấm dại chết đi và phân hủy một phần chất hữu cơ để làm cho tơ nấm rơm dễ hấp thụ chất dinh dưỡng. Sau 3 - 4 ngày đảo một lần, đảo rơm rạ từ dưới lên trên, trên xuống dưới, ngoài vào trong, trong ra ngoài cho đều. Khi đống ủ xẹp xuống (sau 10 – 12 ngày) ta có thể kéo rơm ra chất mô.
Chất mô và rắc meo giống:
Cách chất mô nấm: rãi vôi xử lý nền trước khi xếp mô, lấy rơm cuộn tròn như cái gối và dựng đứng ép thành luống chiều cao khoảng 20cm, rộng 30 - 40cm rãi một đường meo ở giữa dọc theo mô. Tiếp tục rãi rơm chất lớp thứ hai. Riêng lớp thứ hai cao khoảng 15cm, tưới nước, đè dẽ dặt rồi rãi lớp meo thứ hai. (có thể chất 2 – 3 lớp rơm, tùy theo mùa: mùa nóng chất thấp, mùa lạnh chất cao. Cứ mỗi lớp rơm dầy 15 – 20cm thì rãi một lớp meo). Ở trên cùng phủ một lớp rơm mỏng khoảng 5cm tưới nước đè dẽ dặt, vuốt mặt ngoài mô cho láng và dùng tay nhét từng cọng rơm rơi vãi bên ngoài xuống đáy mô (nếu mặt ngoài mô không láng và không dẽ dặt, sau này khi thu hoạch sẽ làm hư các nụ nấm nhỏ, năng suất thấp).
Hàng ngày theo dõi tưới nước và 4 -5 ngày sau dùng rơm khô rãi tơi khắp toàn bộ mặt ngoài của mô, tạo thành áo mô dầy 10 - 15cm (mùa lạnh, mùa mưa, chất xong phủ rơm ngay và phủ rơm dày hơn mùa nắng).
3.2.2.2 Chăm sóc và thu hoạch
Chăm sóc: Đối với nấm rơm, không cần dùng phân bón. Bản thân rơm rạ khi phân huỷ đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây nấm phát triển. Theo dõi nhiệt độ và độ ẩm là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất nấm. - Giữ độ ẩm thích hợp: khi kiểm tra mô nấm dùng tay rút một nắm (khoảng 15-20 cọng) rơm ở giữa luống, bóp chặt trong lòng bàn tay, nước hơi rịn qua kẽ tay là vừa.
+ Nếu nước không rịn qua kẽ tay là khô, phải tưới nước.
+ Nếu thấy nước chảy qua kẽ tay thành giọt là dư nước, phải ngưng tưới nước và ngày đó phải dỡ áo mô bên ngoài cho nước bốc hơi. Trong mùa mưa phải làm mái che sau khi dỡ áo mô.
- Điều chỉnh nhiệt độ bằng cách tưới nước và đậy mô:
+ Khi kiểm tra mô nấm thấy nhiệt độ tăng, rơm ủ thiếu nước cần dùng thùng vòi bên ngoài tưới cho mô nấm.
+ Khi kiểm tra mô nấm thấy nhiệt độ giảm, mô bị lạnh. Ngưng tưới nước, dỡ bớt áo mô, mái che nắng... để giúp mô hấp thu được nhiều nắng.
- Đảo rơm áo mô: sau khi chất mô 5-8 ngày, cần phải đảo áo mô để tránh tơ nấm ăn lan ra ngoài không tạo được nấm. Cách đảo: dỡ rơm áo ra xốc cho tơi và đậy trở lại cho mô nấm.
Thu hoạch:
- Sau khi ủ rơm 10-14 ngày có thể thu hoạch: thời gian thu hoạch tuỳ theo loại meo và cách ủ. Nấm ra rộ vào ngày thứ 12-15; sau đó 7-8 ngày ra