4.2.3.1. Năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong XDCB
Các quy định hiện hành phân cấp mạnh cho chủ đầu tư, chỉ phù hợp với các chủ đầu tư là các Bộ có xây dựng chuyên ngành, các Tổng công ty và Tập đoàn nhà nước, không phù hợp với thực tế địa phương. Trách nhiệm của chủ đầu tư rất lớn nhưng quy định điều kiện năng lực của chủ đầu tư, Ban QLDA chưa được đề cập tương xứng; sau khi dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vấn đề quản lý Nhà nước các bước tiếp theo hầu như bị buông lỏng do chủ đầu tư tự thực hiện và phê duyệt.
Năng lực và trách nhiệm của chủ đầu tư rất hạn chế, mọi thủ tục đều giao phó cho doanh nghiệp xây lắp và tư vấn thực hiện. Doanh nghiệp đứng ra xin chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền; chọn giúp tư vấn lập dự án và tư vấn thiết kế; bố trí đấu thầu hình thức; tìm chọn tư vấn xét thầu; ứng vốn bồi thường GPMB; tìm chọn tư vấn giám sát và thực hiện các thủ tục thanh quyết toán; Đây là nguyên nhân lớn nhất gây ra thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Chủ đầu tư không thành lập Ban Quản lý dự án (hay thuê tư vấn quản lý dự án) hoặc có thành lập nhưng không đủ điều kiện theo quy định; không thực hiện công tác giám sát đánh giá đầu tư; không quản lý được chất lượng thi công xây lắp
của nhà thầu và chất lượng giám sát của tư vấn. Một số ban quản lý dự án chuyên trách được lập ra nhưng năng lực hạn chế, hoạt động kém hiệu quả.
Công tác giám sát đánh giá đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thời gian qua, một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án vẫn không thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo định kỳ (tháng, quý, 6 tháng, năm) và đột xuất.
Công tác giám sát cộng đồng có vai trò rất quan trọng nhưng chưa được coi trọng đúng mức, hầu như không phát huy được hiệu quả.
Công tác quản lý nguồn tài nguyên và môi trường còn yếu, việc quản lý và xử lý nước thải của các cơ sở sản xuất tôm giống gây ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm vẫn chưa được khắc phục.
4.2.3.2. Phân bổ nguồn vốn đầu tư
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Ngọc Hiển giai đoạn 2010 - 2014, cùng với sự phát huy tác dụng của các công trình xây dựng của những năm trước đó đã tạo ra một cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, hệ thống công trình công cộng tương đối hoàn chỉnh trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, đáp ứng phần nào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Cho thấy đầu tư XDCB đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Ngọc Hiển tạo tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Nguồn vốn đầu tư tập trung cho xây dựng cơ bản phân bổ chủ yếu cho các khu vực thành thị (chủ yếu tập trung tại thị trấn Rạch Gốc – trung tâm huyện lỵ của Ngọc Hiển). Những năm tới huyện cần có một tỷ lệ vốn đầu tư phân bổ cho các xã, đặc biệt là các xã còn nhiều khó khăn để hoàn thiện hơn nữa một hệ thống liên thôn, liên xã đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu kinh tế giữa các vùng trên địa bàn.
Tuy nhiên, tính đồng bộ của các công trình xây dựng, giao thông luôn là vấn đề bức xúc đối với tất cả các huyện của tỉnh Cà Mau nói chung và đối với cả huyện Ngọc Hiển nói riêng.