Nguồn gốc cây chè Thái Nguyên

Một phần của tài liệu Chè thái vị thế văn hoá và tiềm năng kinh tế (Trang 27)

7. Bố cục của khóa luận

2.1.1. Nguồn gốc cây chè Thái Nguyên

Cho đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa phát hiện tư liệu lịch sử, khoa học nào có ghi chép về nguồn gốc cây chè Thái Nguyên. Căn cứ vào độ tuổi cây chè, Tân Cương được xác định là xã trồng và đưa chè vào sản xuất đầu tiên trong tỉnh. Nguồn gốc cây chè ở Tân Cương cũng chưa được một nghiên cứu khoa học nào đề cập đến, chỉ lưu truyền trong nhân dân.

Theo cụ ông Muộn (sinh năm 1917) và cụ bà Phan Thị Liễu (sinh năm 1927) ở xóm Guộc, xã Tân Cương – nơi có vườn chè cổ gần trăm tuổi, ông Đội Năm (tên thật là Vũ Văn Hiệt, sinh năm 1883) là người đầu tiên đi lấy giống chè từ Phú Thọ về trồng và lập xưởng chế biến trà ở Tân Cương. Cụ Liễu đã từng đi hái chè thuê cho ông Đội, miêu tả: “cây chè ông Đội Năm trồng thưa 1 – 2 m, ngang dọc, tán cao ngang ngực, độ 1 m, mặt tán bằng cái nong… Có bón phân gốc, đào hố bón một loại bã hay khô dầu. Hái chè một tôm, hai lá…”

Nhà báo Hoàng Anh Sướng, trong phóng sự “Đắng đót… Tân Cương” cũng khẳng định: “Theo chỉ dẫn và có phần chu cấp của ông Nghè, ông Đội Năm là tiên chỉ đầu tiên của xã Tân Cương cùng một số trai tráng đã lặn lội lên Phú Thọ để xin giống chè… Năm 1925, ông Đội Năm dựng xưởng chế biến chè, mở hiệu bán chè ở thị xã Thái Nguyên rồi đặt địa chỉ giao dịch ở một số tỉnh thuộc ba kỳ trong nước. Chè của cụ nổi tiếng đến mức năm 1935, mang đi thi tại đấu xảo Hà Nội, đoạt giải nhất. Các thương gia Ấn Độ hàng năm đều nhập của cụ hàng chục tấn trà” [30].

Qua khảo sát thực địa, kết hợp phỏng vấn dân địa phương, đối chiếu phóng sự của Hoàng Anh Sướng và tham khảo kết quả hành trình tìm ông tổ chè Tân Cương của PGS. Đỗ Ngọc Quỹ, TS. Đỗ Thị Ngọc Oanh trên trang web Trà Việt, có thể tạm kết luận: cây chè Thái Nguyên là cây chè bản địa của Việt Nam, có nguồn gốc từ trạm nghiên cứu nông nghiệp Phú Thọ, do ông Đội Năm Vũ Văn Hiệt gây trồng ở xã Tân Cương trong khoảng những năm 1920 – 1922.

Một phần của tài liệu Chè thái vị thế văn hoá và tiềm năng kinh tế (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)