7. Bố cục của khóa luận
2.3.4. Chè Thái trong văn hóa trà Việt hiện đại
Ngày nay, xu hướng mở cửa, hội nhập đã kéo theo những thay đổi về nhiều mặt trong xã hội Việt Nam. Văn hóa ẩm thực cũng trở nên đa dạng hơn nhờ sự giao lưu, tiếp xúc và hấp thu các giá trị ngoại. Văn hóa trà Việt không
nằm ngoài quy luật đó. Một số lễ nghi Trà đạo của Nhật Bản, tập quán uống trà sữa, trà hòa tan, trà túi lọc Âu – Mỹ được người Việt tiếp nhận và phổ biến. Các nhãn hiệu trà công nghiệp “uống liền” như Lipton, Dilmah… “lên ngôi” và trở thành sự lựa chọn số một cho giới trẻ năng động và nhanh nhạy. Thực tế đó đã đặt ra cho các danh trà Việt Nam truyền thống nói chung và trà Thái nói riêng những thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự đổi mới tích cực của các loại đặc sản này để không bị áp đảo, lãng quên.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và giai đoạn “Phục hưng văn hóa trà Việt” hiện nay, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân có liên quan và yêu mến trà đã có những động thái nhằm bảo tồn, duy trì vị trí của trà Việt trong nền văn hóa trà thế giới. Đó là sự đa dạng hóa các sản phẩm trà để đáp ứng nhu cầu của nhiều loại khách hàng, là sự trau chuốt, tỉ mỉ trong nghệ thuật thưởng trà dân tộc, sự tôn vinh văn hóa trà qua các lễ hội trà ở Hà Giang, Lâm Đồng…
Đóng vai trò là “Đệ nhất danh trà” trong văn hóa trà Việt truyền thống, chè Thái đang có những biến đổi để phù hợp với xu thế thời đại trên cơ sở giữ vững và phát huy vị thế văn hóa vốn có. Sản phẩm chè Thái không chỉ còn dừng lại ở loại trà móc câu sao suốt cổ truyền đóng vào túi nửa cân hay một cân, mà rất phong phú về chủng loại, mẫu mã: trà Ô Long, trà xanh, trà đen, trà ướp hương… với các nhãn hiệu từ cao cấp đến bình dân: Tĩnh Tâm trà, chè 5 Sao, Trúc Lâm trà… Đặc biệt, về bao bì, bên cạnh các túi trà bằng nilon hay hộp giấy, đã có những sản phẩm trà được đựng trong hộp gỗ sơn mài, hộp sắt tây, trong túi thổ cẩm rất sang trọng và độc đáo.
Chè Thái có mặt từ nơi nhà riêng tới công sở, từ các hàng nước vỉa hè đến những hiên trà, xuất hiện trang trọng trên bàn thờ tổ tiên hay giản dị, bình thường trên mặt bàn uống nước. Không chỉ được dùng trong nghi thức giao tiếp pha – mời trà, trong các đám hiếu, hỷ, chè Thái còn được lựa chọn để làm
chè cúng và được coi như một món quà biếu thanh nhã. Chè Thái có được chỗ đứng đó là bởi sự đa dạng hóa sản phẩm và sự thuận tiện trong pha chế, thưởng thức. Không giống như đặc sản trà Long Tỉnh của Trung Hoa, phải pha làm hai lần, lần đầu chỉ rót vào chén một chút nước, lần sau mới rót gần đầy và biểu diễn các động tác lắc cổ tay mô tả, cách điệu ba cái gật đầu của chim phượng hoàng một cách chính xác và điêu luyện, hay Trà đạo Nhật Bản yêu cầu phải có đủ các yếu tố về không, thời gian, về số lượng khách mời…, chè Thái có thể được pha ở nhiều nơi, nhiều thời điểm, cách pha cũng rất đơn giản, nhanh chóng: chỉ cần tráng ấm, bỏ trà vào, chế nước sôi “rửa” trà một lần rồi châm nước lần hai, chờ vài phút cho trà ngấm là có thể rót ra thưởng thức.
Hoạt động giới thiệu, quảng bá trà và văn hóa trà Thái đã được chú trọng đầu tư, tiêu biểu là các lễ hội văn hóa “Chè xuân Tân Cương 2008”, “Hương sắc trà xuân – vùng chè đặc sản Tân Cương 2010”… Thông qua các lễ hội, văn hóa trà Thái Nguyên được tôn vinh, bảo lưu (lễ rước cây chè, phương pháp sao trà thủ công truyền thống bằng chảo gang, chảo đồng, nghệ thuật pha chế, thưởng thức trà…), đồng thời thương hiệu chè Thái được thêm nhiều khách hàng biết đến và ưa chuộng.
Có thể nói, vị thế văn hóa chè Thái vẫn luôn tồn tại một cách vững chắc trong văn hóa trà Việt và trong tương lai, nếu có định hướng phát triển hợp lý, bền vững, trà Thái Nguyên sẽ có vị thế ngang tầm với các danh trà thế giới.
CHƯƠNG 3
TIỀM NĂNG KINH TẾ CHÈ THÁI