7. Bố cục của khóa luận
3.2.2. Hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh của các doanh nghiệp
nghiệp chè Thái Nguyên
Sản xuất kinh doanh chè tỉnh Thái Nguyên đã được phát triển trong suốt hơn 50 năm qua, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế và tạo việc làm cho nhân dân địa phương. Theo thời gian, nhịp độ phát triển của các doanh nghiệp chè ở đây ngày càng tăng. “Trong vòng 8 năm từ 2000 đến 2007, số doanh nghiệp hoạt động trong ngành chè đã tăng thêm 12,3 lần so với cả thời kỳ dài 22 năm từ 1959 – 1980. Trong số các doanh nghiệp này, số lượng các doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ cao nhất (27,66%), tiếp theo là công ty cổ phần (23,4%), công ty trách nhiệm hữu hạn (19,15%)” [11]. Bên cạnh đó còn có các hộ sản xuất cá thể và một số hợp tác xã cũng tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh chè. Đến năm 2009, theo số liệu của phòng công thương, tài chính các huyện thông báo, số lượng các hộ gia đình sản xuất chè theo hình thức chuyên dịch vụ đã tăng lên 156 hộ, chiếm 3,6% trong tổng số hộ chế biến chè.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 41 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, có tên tuổi như Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Cương Hoàng Bình, Doanh nghiệp chè Vạn
Tài, Nhà máy chè Sông Cầu, Nhà máy chè Quân Chu… Những công ty, doanh nghiệp này đã đầu tư các dây chuyền chế biến công nghiệp hiện đại, sản xuất ra nhiều sản phẩm chè / trà đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, phục vụ yêu cầu của nhiều loại khách hàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn chưa đồng đều, mới có một số doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP.
Hoạt động hướng ra xuất khẩu của ngành hàng chè Thái Nguyên đã và đang được chú ý coi trọng, nhiều doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh xuất nhập khẩu và ủy thác chè ra đời và phát triển.
Năm 2005, cả tỉnh có 10 doanh nghiệp chè đã xuất được 7.130,8 tấn. Năm 2006 có 6 doanh nghiệp xuất khẩu chè, sản lượng xuất là 6.096,5 tấn, kim ngạch xuất khẩu 6.173.700 USD, gồm 7 thị trường: Pakixtan (2.435,2 tấn), Đài Loan (1.675 tấn), Trung Quốc (1.311 tấn), Hà Lan (136,8 tấn), Sri Lanka (106 tấn), Ấn Độ (45 tấn) và Anh (22 tấn).
Năm 2007, cả tỉnh có 11 doanh nghiệp xuất khẩu chè, đạt sản lượng 6.841 tấn, kim ngạch 7.943.000 USD. Sản phẩm chè được xuất đi 4 thị trường chủ yếu: Pakixtan (2.637 tấn), Đài Loan (2.392 tấn), Trung Quốc (1.718 tấn) và Đức (94 tấn).
Năm 2008 có 12 doanh nghiệp xuất khẩu, lượng chè xuất đạt 5.030 tấn, kim ngạch 6.484.000 USD. Các thị trường chủ yếu vẫn là Pakixtan (2.451 tấn), Đài Loan (1.919 tấn), Trung Quốc (522 tấn) và Đức (108 tấn).
(Nguồn: Tài liệu tham luận hội nghị tọa đàm và trao đổi thông tin về
sản xuất, chế biến và kinh doanh chè Thái Nguyên)
Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã xâm nhập được vào những thị trường tiềm năng và khó tính như Anh, Mỹ… Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Cương Hoàng Bình và Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Trung Nguyên là hai đơn vị đi đầu trong hoạt động xuất khẩu chè của tỉnh.
Nhìn chung, hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh chè của các doanh nghiệp Thái Nguyên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Đa số các doanh nghiệp chế biến chè chưa có vùng nguyên liệu (trừ Nhà máy chè Sông Cầu, Quân Chu, Doanh nghiệp Vạn Tài); chưa có hợp đồng thu mua nguyên liệu hợp lý và chặt chẽ với nông dân, do đó không chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất với công suất dây chuyền đã trang bị, gây ảnh hưởng đến định hướng phát triển của doanh nghiệp. Trên thực tế, các cơ sở sản xuất, chế biến chè chỉ sử dụng được khoảng 50% công suất thiết kế. Tình trạng hộ nhân dân tự canh tác, tự thu hái và chế biến vẫn mang tính phổ biến, nhất là ở những vùng sâu, vùng chè đặc sản.
Vấn đề chất lượng hàng hóa, bao bì, mẫu mã sản phẩm chè đã được đề cập nhiều song chưa có những giải pháp ứng dụng mang tính đột phá. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm chưa thực sự cao, chênh lệch về chất lượng giữa các sản phẩm còn rất lớn.
Hiện tại, sản phẩm chè của Thái Nguyên cả nội tiêu và xuất khẩu đều không chủ động được thị trường, giá bán thấp. Sản lượng xuất khẩu những năm gần đây liên tục giảm, nguồn tiêu thụ trong nước không tăng nhiều. Trong những năm qua, doanh thu của ngành chè Thái Nguyên có tăng nhưng không ổn định.
Quản lý thương hiệu chè Thái Nguyên chưa được áp dụng triệt để, nghiêm ngặt và thực sự chưa được quan tâm đúng mức. Hợp tác giữa các doanh nghiệp, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước còn lỏng lẻo, không phát huy được hết tiềm lực, chưa gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau nhiều từ cung cấp thông tin, đề xuất, kiến nghị, tuyên truyền quảng bá…
Từ thực trạng trên, có thể thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh chè hiện nay chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng đã có, đòi hỏi ngành chè Thái
Nguyên phải đưa ra những chiến lược thực sự mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành trong thời gian tiếp theo.