7. Bố cục của khóa luận
2.3.3. Chè Thái trong văn hóa trà Việt truyền thống
Văn hóa ẩm thực là một thành tố quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam rất đa dạng và phong phú, mang đậm tính tổng hợp, tính linh hoạt và tính cộng đồng đặc trưng cho nền văn minh nông nghiệp. Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, không thể không kể đến văn hóa trà như một điểm nhấn độc đáo. Bản thân trà đã là văn hóa bởi nó là sản phẩm của cả một quá trình lao động, chăm sóc, chế biến, chọn lọc, pha chế, thưởng thức của con người. Uống trà càng là một nét đẹp văn hóa thể hiện quan niệm và cách ứng xử giữa con người với tự nhiên và xã hội. Kể từ khi trà được dùng làm dược thảo, rồi
làm đồ uống, văn hóa trà đã dần định hình và phát triển.
Ở Trung Quốc, ban đầu trà được các đạo sĩ phổ biến như một thứ thuốc trường sinh, sau là các sư tăng vì trà có tính năng giúp đầu óc tỉnh táo. Trà
dần trở nên quen thuộc với tầng lớp đại phu, nhân sĩ và đông đảo các tầng lớp khác trong xã hội. Ở Nhật, dưới ảnh hưởng của giới võ sĩ quý tộc, những nghi thức pha chế và thưởng thức trà được nâng lên thành nghệ thuật Trà đạo. Việt Nam, do khác biệt về điều kiện tự nhiên (địa lý, thời tiết…), lịch sử dân tộc với các nước trên, nên văn hóa trà cũng có nhiều đặc điểm riêng.
Văn hóa trà Việt Nam truyền thống được chia làm hai dòng rõ rệt: văn hóa chè tươi và văn hóa chè Tàu (trà khô). Chè tươi là thức uống dân dã, xuất hiện từ sớm, gắn liền với sự sáng tạo của cư dân bản địa, đặc biệt là những người lao động. Trà Tàu và văn hóa trà Trung Hoa đến đời Lý mới du nhập vào Việt Nam và phát triển cực thịnh vào thế kỷ XVII – XVIII.
Trong xã hội hiện đại, bên cạnh nền văn hóa trà tươi và trà Tàu, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, văn hóa trà hòa tan, trà túi lọc cũng xuất hiện ở Việt Nam và chiếm vị trí khá quan trọng trong giới công chức và giới trẻ.
Trong văn hóa trà Việt, chè Thái là một loại trà “sinh sau đẻ muộn” song lại sớm nổi tiếng trong và ngoài nước với nhãn hiệu “Con Hạc” – nhãn hiệu trà do ông Vũ Văn Hiệt gây dựng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, do sức lan tỏa của khí thế chiến đấu và chủ trương tập trung trồng cây lương thực, thực phẩm của Đảng, cây chè cũng như văn hóa trà Việt ít được chú ý. Sau năm 1954, đặc biệt là sau năm 1960, khi Đảng và Nhà nước xác định cây chè là một trong những loại cây công nghiệp chủ lực và có chính sách phát triển các hợp tác xã, các nông trường quốc doanh, vị thế của cây chè và văn hóa trà mới phần nào được phục hồi. Trong giai đoạn này, chè Thái gắn bó khăng khít với ngành chè của cả nước, đóng góp một nguồn hàng xuất khẩu quan trọng đi Liên Xô và các nước Đông Âu, đồng thời phục vụ cho nhu cầu nội địa của người tiêu dùng trong nước. Sản phẩm chè Thái từng bước chiếm lĩnh thị trường miền Bắc. Sau năm
1975, trà móc câu Thái Nguyên theo chân các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc vào làm quen với người dân xứ nóng…
Đến nay, chè Thái đã có vị thế ngang bằng, thậm chí có phần cao hơn các loại trà đặc sản nổi tiếng khác như Shan tuyết Suối Giàng, chè vàng Hà Giang và chiếm đến 70% tổng lượng chè xanh tiêu thụ trong nước.
Nếu văn hóa trà tươi là văn hóa của những người dân lao động chân chất, mộc mạc, văn hóa trà Tàu là văn hóa của những người thuộc tầng lớp quý tộc, thượng lưu ít nhiều có tiếp xúc với văn hóa Hán, thì văn hóa chè Thái không giới hạn, không phân biệt đối tượng thưởng thức. Người sành trà, coi uống trà là thú vui tao nhã có thể pha chế và uống trà Thái Nguyên một cách rất cầu kỳ, kiểu cách, với từng công đoạn được đặt tên hoa mỹ như: “ngọc diệp hồi cung” (động tác cho trà vào ấm), “cao sơn lưu thủy” (động tác rót nước sôi vào trà)… Nhưng không phải vì thế mà chè Thái xa cách với những người bình thường, ít am hiểu về nghệ thuật trà. Chè Thái Nguyên là thứ đồ uống quen thuộc với đủ mọi lớp người: giàu sang, trung lưu, bình dân, người lao động, trí thức, giới văn nghệ sĩ…
Ở Việt Nam, phong tục tập quán uống trà, mời trà đã trở thành một nghi thức giao tiếp. Người Việt bao giờ cũng chuẩn bị sẵn trà khô và nước sôi trong nhà, để khi có khách thì trân trọng pha mời. Trong gia đình người Việt, bộ ấm chén trà là vật dụng hầu như không thể thiếu. Những người khá giả còn có cả tủ chè. Chè Thái Nguyên là thức uống điển hình, được dùng khi đón tiếp khách khứa, đối tác kinh doanh. Chè Thái phổ biến đến nỗi nó đi vào phương ngữ “chè Thái, gái Tuyên”, đi vào thơ ca với những vần thơ đẹp đẽ:
Quất mãi nước sôi Trà đau nát bã
Không đổi giọng Tân Cương.
hay:
Trà Nhật, trà Tàu, trà năm châu bốn bể Uống bao thứ trà của nghìn muôn xứ sở Chẳng đâu ngon thơm như trà Thái Nguyên.
(Dương Thuấn)
Văn hóa chè Thái không chỉ dừng lại ở những ký trà thành phẩm. Chè Thái “sống” và in dấu đậm sâu trong văn hóa trà Việt còn bởi những sự tích, những huyền thoại hấp dẫn về cây chè, cũng như những tâm huyết, những công phu vất vả của người Thái Nguyên để làm ra một sản phẩm chè chất lượng tốt. Ông Phạm Quang Việt – Bí thư Đảng ủy xã Tân Cương đã giải thích: “Chè Thái Nguyên ngon là do vùng chè có tiểu khí hậu nhờ dãy núi Tam Đảo, Thằn Lằn chắn bớt cái nắng mùa hè, đồng thời nguồn nước của sông Công và hồ Núi Cốc ngấm qua các mạch ngầm đã tưới mát cho những vườn chè xanh tốt quanh năm”. Một lý do nữa giúp chè Thái Nguyên có lượng tinh dầu và mùi hương đặc trưng là do biên độ nhiệt ngày đêm của vùng cao hơn những nơi khác, trung bình đạt 7,9o C. Những lá chè ở nửa ngọn đồi phía đông bao giờ cũng ngon hơn những lá chè ở nửa ngọn đồi phía tây… Nhưng quan trọng nhất, người Thái Nguyên đã để tất cả tình yêu vào cây chè. Hình ảnh các cô gái nâng niu ngọn chè, hái chè bằng móng thay cho ngón tay vì sợ hơi nóng làm tan biến tinh chất của những giọt sương đêm đọng trên búp non, hay những người phụ nữ nhẫn nại bên chiếc chảo sao chè nóng bỏng suốt cả ngày dài, kiên nhẫn đảo, vò chè… hẳn sẽ khiến những người thưởng thức chè Thái thêm yêu mến loại đặc sản này.