7. Kết cấu của luận văn
2.3.1. Sự xác định các quốc gia đồng minh truyền thống và những quốc gia bè bạn
Nếu ở khu vực Đông Bắc Á, sự xác định các mối quan hệ giữa Mỹ và các nước trong khu vực này được thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể trong đường lối, chính sách của Mỹ với việc Mỹ coi Nhật Bản và Hàn Quốc là những đồng minh truyền thống của mình; Trung Quốc vừa là đối tác vừa là đối thủ của Mỹ; còn CHDCND Triều Tiên là nước nằm trong “Trục ma quỷ” – một “cái gai” cần phải nhổ thì ở ĐNA, trong chính sách của Mỹ với các nước ở khu vực này, các nhà nghiên cứu có xu hướng nhìn nhận đó chỉ là “một tập hợp các mối quan hệ song phương và quan hệ Mỹ - ASEAN”[78, tr.63]. Hầu hết các bản điều trần và báo cáo chính sách của Mỹ đối với ĐNA dưới thời chính quyền G.W.Bush đều thể hiện cách tiếp cận theo các mối quan hệ song phương. Điều đó có thể thấy rõ trong bản báo cáo chính sách của Bộ ngoại giao Mỹ đối với Đông Á – Thái Bình Dương (Xin xem thêm tại địa chỉ: http://www.state.gov/p/eap/) và Bản điều trần ngày 2/3/2005 của quyền Trợ lý ngoại trưởng phụ trách các Vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương Evans J. R. Revere trước Ủy ban Quan hệ Quốc tế của Thượng viện. Bản điều trần ngày 2/3/2005 đã đề cập một cách toàn diện đến các mối quan tâm của Mỹ tại khu vực như hòa bình, ổn định, chống khủng bố, hợp tác kinh tế, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, dân chủ, nhân quyền và một số vấn đề khác. Bản điều trần này cũng nêu tương đối chi tiết các vấn đề ở ĐNA, tuy nhiên cũng nhấn mạnh rằng Mỹ cần ưu tiên cho những nước ĐNA quan trọng [92]. Như vậy, rõ ràng là “Mỹ không có một chính sách toàn diện và tổng quát đối với Đông Nam Á” [78, tr.64]. Chính vì vậy nên “Mỹ cần
70
phải có ưu tiên trong chính sách, chẳng hạn về đối tượng là các “đồng minh và bè bạn”, còn theo vấn đề thì ổn định khu vực, chống khủng bố và dân chủ, nhân quyền. Tuy nhiên, những ưu tiên này chưa đủ lớn để Mỹ có một sự phối hợp chính sách trên quy mô khu vực.” [78, tr.64].
Do Mỹ tiếp tục là siêu cường duy nhất trên thế giới, Mỹ sẽ không có nhiều sự lựa chọn trong chính sách đối ngoại. Nhìn lại chính sách của Mỹ từ thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, về cơ bản các chính quyền đã theo đuổi các mục tiêu như nhau về đối ngoại và an ninh như tìm kiếm quyền lực, phát huy ảnh hưởng, bảo vệ lợi ích Mỹ và đồng minh. Trong quá trình này, Mỹ luôn đề cao đặc tính tự cường, dựa trên sức mạnh vượt trội (siêu cường duy nhất), phòng vệ chắc chắn (chẳng hạn hệ thống tên lửa), độ linh hoạt cao (giảm thiểu cam kết vào các cơ chế) và các quan hệ liên minh song phương chủ chốt trên thế giới. Với việc đề cao đặc tính tự cường như vậy nên “Mỹ chủ trương hạn chế các nỗ lực nỗ lực có tính đa phương và hệ thống. Richard Haas, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Bộ Ngoại giao Mỹ từng đề cập đến “chủ nghĩa đa phương tùy món” (Nguyên văn tiếng Anh: A lacarte multilateralism), hàm ý Mỹ sẽ không từ chối thẳng thằng các cam kết đa phương nhưng chỉ tham gia khi và chỉ khi Mỹ muốn điều đó”[103, tr.76].
Từ chủ trương hạn chế các nỗ lực nỗ lực có tính đa phương và hệ thống hay chỉ thực hiện “chủ nghĩa đa phương tùy món” nên trong chính sách của Mỹ với ĐNA ta thấy Mỹ đã xác định (hay phân loại) các đối tượng theo khuôn khổ “đồng minh và bè bạn” theo các mục tiêu cụ thể, đặc biệt là trong các mục tiêu về an ninh, hợp tác chống khủng bố và kinh tế. Cụ thể như trong mục tiêu về an ninh và hợp tác chống khủng bố giữa Mỹ và ĐNA, chính quyền Bush đã “định hình khuôn khổ” ở khu vực, chứ không phải thông qua một cơ chế chung kiểu ARF. Điều đó có thể thấy qua việc Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với Philippines và Thái Lan – những đồng minh quan trọng của Mỹ ngoài NATO – và với mức độ thấp hơn là Singapore, Indonesia và Malaysia với tư cách là các nước bè bạn [78, tr.76]. Tương tự như vậy, trong mục tiêu về kinh tế, quan hệ kinh tế Mỹ - ĐNA trên thực tế là tập hợp các mối tao đổi vật chất song phương. Kỳ vọng ban đầu về hợp tác kinh tế đa phương của Mỹ ở khu vực là APEC, chứ không phải ASEAN, vào thời điểm
71
Chính quyền Clinton Mỹ đã nhấn mạnh nội dung kinh tế như một trong những trụ cột của chính sách đối ngoại. Kể từ đó đến nay, Mỹ đã tham gia vào một vài cơ chế đối thoại kinh tế với ASEAN nhưng chưa triển khai biện pháp cụ thể nào đáng chú ý. Ngoài ra, các biện pháp kinh tế - thương mại của Mỹ đối với từng nước ĐNA là khác nhau và mức độ ưu tiên trong các mối quan hệ này cũng khác nhau. Chẳng hạn trong khi Ma-lai-xi-a, Singapore, Thái Lan lần lượt chiếm các vị trí 12,13 và 17 trong bảng xếp hạng các đối tác thương mại của Mỹ, thì phần còn lại của ĐNA hầu như không chiếm một vị trí gì đáng kể. Thậm chí Mỹ còn chưa bình thường hóa quan hệ thương mại với Lào [100].
Tóm lại, xuất phát từ lợi ích quốc gia và mục tiêu của Mỹ nên trong việc hoạch định chính sách đối với khu vực ĐNA ở thập niên đầu thế kỷ XXI, Mỹ đã không có một chính sách toàn diện và tổng quát đối với ĐNA. Do vậy, Mỹ đã thực hiện việc ưu tiên trong chính sách theo các mục tiêu cụ thể, để từ đó Mỹ đã “phân loại” các quốc gia trong khu vực thành 2 nhóm đối tượng là “đồng minh” và “bè bạn”.