Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của chính quyền G.W.Bush sau sự kiện

Một phần của tài liệu chính sách đối ngoại của hoa kỳ ở khu vực đông á thập niên đầu thế kỷ xxi (Trang 49)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.2.Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của chính quyền G.W.Bush sau sự kiện

11/9/2001

Bước vào Nhà Trắng đầu năm 2011, Tổng thống G.Bush còn chưa kịp đưa ra một Chiến lược an ninh quốc gia mới thì ngày 11/9/2001, cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng của tổ chức khủng bố quốc tế Alqueda bằng đường không vào hai tòa nhà của Trung tâm thương mại thế giới và Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ đã làm rung chuyển nước Mỹ và gây ra sự bàng hoàng cho cả thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm, nước Mỹ đã bị tấn công ngay trên lãnh thổ của mình. Sự kiện 11/9 cho thấy một nghịch lý rằng, nước Mỹ - một siêu cường duy nhất với sức mạnh áp đảo về mọi mặt, có tham vọng bảo vệ lợi ích trên toàn cầu lại không thể đảm bảo an ninh cho chính bản thân mình. Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt trong tư duy an ninh của người Mỹ. Nó khiến người Mỹ phải nhìn nhận lại một cách rõ ràng hơn về sự thay đổi của môi trường an ninh và các thách thức an ninh đối với Mỹ. Sức mạnh và quyền lực Mỹ bị thách thức nghiêm trọng và điều quan trọng là nó bị thách thức bởi những đối thủ không cân xứng. Vốn dĩ theo đuổi mục tiêu to lớn là bá chủ thế giới, bằng lực lượng quân sự hùng hậu, người Mỹ đã có mặt tại mọi điểm nóng trên thế giới, giờ đây người Mỹ phải quay lại loay hoay bảo vệ an ninh trên chính lãnh thổ của mình. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng dẫn đến sự điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ sau sự kiện 11/9.

Về cơ bản, sau sự kiện 11/9 chiến lược toàn cầu của Mỹ dưới thời G.W. Bush so với người tiền nhiệm B.Cliton không có nhiều thay đổi. Mỹ vẫn chủ trương can dự vào công việc thế giới trên cơ sở những nguyên tắc chủ yếu như tự do thương mại, kinh tế thị trường, dân chủ nhân quyền,… để thực hiện mục tiêu chiến lược “duy trì vị trí lãnh đạo thế giới”. Tuy vậy, trong lần điều chỉnh chiến lược này của chính quyền Bush, một số nội dung mới đã được đề cập nhằm đảm bảo cho việc thực hiện thành công mục tiêu chiến lược của Mỹ. Cụ thể, đó là một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, chống khủng bố trở thành ưu tiên an ninh quốc gia cao nhất. Ưu tiên chiến lược này xuất phát từ sự xác định lại các mối đe dọa đối với nước Mỹ. Nếu trước

48

sự kiện 11/9, mối đe dọa từ những đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc và Nga được xếp ở vị trí hàng đầu thì nay chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã trở thành mối đe dọa lớn nhất và trực tiếp nhất. Với việc nhận thức lại vấn đề này, chính quyền Bush dường như đã xác định được một mục tiêu hiện hữu để trở thành tiêu điểm trong chiến lược đối ngoại của Mỹ khi mối đe dọa “cộng sản” không còn. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế trở thành kẻ thù số một của Mỹ và nước Mỹ chiến đấu trong một thời gian dài, không hạn định trên phạm vi toàn cầu để tiêu diệt các tổ chức khủng bố [45, tr.110]. Với việc đưa chống chủ nghĩa khủng bố trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu, nguyên tắc tập hợp lực lượng sẽ dựa vào thái độ của quốc gia đó với chủ nghĩa khủng bố như Tổng thống Bush đã tuyên bố “Hoặc họ đứng về phía chúng ta, hoặc họ đứng về phía khủng bố”. Điều đó khẳng định mức độ quan trọng của cuộc chiến chống khủng bố cũng như quyết tâm của Mỹ trong cuộc chiến này. Ưu tiên chống khủng bố sẽ chi phối và xác định những ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ đối với từng vấn đề, từng khu vực và từng đối tượng cụ thể.

Thứ hai, thực hiện chiến lược tấn công đánh đòn phủ đầu. Kẻ thù của nước Mỹ giờ đây không phải là những đạo quân lớn, có tiềm năng công nghiệp hùng hậu mà là cả một mạng lưới khủng bố có chân rết khắp nơi trên thế giới, được một số quốc gia bảo trợ và đang tìm cách tiếp cận các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong môi trường an ninh mới như vậy, chiến lược an ninh quốc gia cũa Mỹ phải thay đổi cơ bản, và điểm cốt lỗi trong chiến lược chống khủng bố là Mỹ tự cho mình quyền ra đòn phủ đầu nếu như nó là điều cần thiết để đảm bảo an ninh của Mỹ và các đồng minh. Chính quyền Bush cho rằng không thể cho phép mình chờ đợi bị đánh trước rồi mới đánh trả, nhất là khi các kẻ thù của nước Mỹ đều là những kẻ thù tàng hình, không hiện hữu và không tấn công trực diện. Học thuyết quân sự mới này cho phép thực hiện các hành động quân sự thậm chí ngay cả khi chưa chắc chắn về thời điểm và vị trí tấn công của kẻ thù. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ tháng 9 năm 2002 nêu rõ: “… theo lẽ thường và để tự phòng vệ, Mỹ sẽ hành động để chống lại những hiểm họa đang nổi lên trước khi chúng hình thành đầy đủ”. Với học thuyết đánh đòn phủ đầu trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2002, Mỹ đã gián tiếp thừa nhận các học thuyết răn đe và kiềm chế, vốn là hai trong số những

49

học thuyết thống trị quân sự của Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay đã không còn đủ thích ứng nữa.

Thứ ba, chủ trương hành động đơn phương nhằm bảo đảm quyền tự do hành động. Chủ nghĩa đơn phương là một trong những xu hướng đối ngoại nổi trội của chính quyền Bush. Quan điểm của Mỹ là trong khi tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Mỹ cũng sẽ không ngần ngại đơn phương hành động một mình khi cần thiết. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ tháng 9 năm 2002 chỉ ra rằng: “Mặc dù Mỹ sẽ liên tục nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế song chúng ta (Mỹ) sẽ không do dự hành động một mình …”, “để đón đầu và ngăn chặn những hành động thù địch của kẻ thù, nếu cần Mỹ sẽ hành động trước” và “… chúng ta (Mỹ) sẵn sàng hành động độc lập nếu điều đó cần thiết để bảo vệ lợi ích và trách nhiệm độc nhất vô nhị của chúng ta” . Điều này cho thấy, dựa trên ưu thế áp đảo về quân sự và vị thế siêu cường có được sau Chiến tranh lạnh, chính quyền Bush có xu hướng thực dụng và thiên về hành động đơn phương so với chính quyền tiền nhiệm. Chính quyền Bush chủ trương không sử dụng quân đội vào các sứ mệnh nhân đạo và gìn giữ hòa bình trên thế giới; đơn phương rút khỏi hiệp ước ABM ký với Liên Xô năm 1972; quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) và Hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD); bất chấp luật pháp quốc tế, qua mặt Liên hợp quốc, tấn công Irăc; từ chối phê chuẩn nghị định thư Kyoto, Hiệp ước cấm thử vũ khí toàn diện (CTBT), Hiệp ước về việc thành lập tòa án hình sự quốc tế, Hiệp ước về việc cấm sử dụng vũ khí sát thương… Việc Mỹ theo đuổi chủ nghĩa đơn phương trong điều kiện không có đối trọng để kiềm chế là mối quan ngại lớn đối với sự ổn định quốc tế.

Trên đây là những nội dung cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh cho đến năm 2001. Sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9, Mỹ đã có sự điều chỉnh quan trọng trong chiến lược toàn cầu của mình ở năm đầu tiên của thế kỷ XXI. Sự điều chỉnh này có tác động trực tiếp đến việc thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ với các quốc gia và khu vực, trong đó có Đông Á.

Một phần của tài liệu chính sách đối ngoại của hoa kỳ ở khu vực đông á thập niên đầu thế kỷ xxi (Trang 49)