Nhóm ngành luật quốc nộ

Một phần của tài liệu Giáo trình pháp luật đại cương phần 2 TS bùi ngọc tuyền (Trang 50)

(1) Luật Hiến pháp: Gồm tổng thể các quy phạm Pháp luật điều chỉnh các quan hệ cơ bản về tổ chức quyền lực Nhà nước, về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, chế độ bầu cử, quyền và nghĩa vụ công dân… Đây là ngành luật quan trọng nhất của quốc gia, là nền tảng để xây dựng các ngành luật khác.

(2) Luật Hành chính: Gồm tổng thể các quy phạm Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành của Nhà nước trên các, lĩnh vực hành chính, chính trị kinh tế và văn hóa xã hội.

(3) Luật Tài chính: Gồm tổng thể các quy phạm Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình Nhà nước động viên, phân phối và sử dụng những nguồn vốn tiền tệ, bảo đảm cho việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước cũng như đáp ứng các nhu cầu kinh tế khác.

(4) Luật Hình sự: Gồm tổng thể các quy phạm Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội do các hành vi bị xem là tội phạm và hình phạt tương ứng đối với người phạm tội.

(5) Luật Tố tụng Hình sự: Gồm những quy phạm Pháp luật quy định những nguyên tắc, thủ tục, điều kiện trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án các vụ án hình sự, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng hình sự.

(6) Luật Dân sự: Gồm tổng thể các quy phạm Pháp luật điều chỉnh các quan hệ tài sản hoặc các quan hệ nhân thân phi tài sản phát sinh giữa các cá nhân hoặc giữa cá nhân với tổ chức trong quá trình sinh hoạt, phân phối và tiêu dùng.

(7) Luật Tố tụng Dân sự: Gồm tổng thể các quy phạm Pháp luật điều chỉnh các quan hệ thủ tục phát sinh giữa Tòa án với những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự.

(8) Luật Hôn nhân và Gia đình: Gồm tổng thể các quy phạm Pháp luật điều chỉnh các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản do việc kết hôn, ly hôn giữa nam và nữ, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, con cái, các quy định về đỡ đầu và nuôi con nuôi nhằm mục đích bảo đảm chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, bình đẳng giữa nam và nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh.

(9) Luật Lao động: Gồm tổng thể các quy phạm Pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động phát sinh giữa người sử dụng lao động và người lao động, quan hệ bảo hiểm, bồi thường thiệt hại và quan hệ giải quyết các tranh chấp lao động.

(10) Luật Đất đai: Gồm tổng thể các quy phạm Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong việc quản lý và sử dụng đất đai, các quan hệ phát sinh trong quá trình bảo vệ, quản lý và khai thác tài nguyên đất đai.

(11) Luật Kinh tế: Gồm tổng thể các quy phạm Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh giữa các đơn vị kinh tế với nhau và giữa các đơn vị kinh tế với các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế.

Một phần của tài liệu Giáo trình pháp luật đại cương phần 2 TS bùi ngọc tuyền (Trang 50)