Từ bỏ chế độ quân sự bị thế giới cô lập, Myanmar đang nhanh chóng dân chủ hóa trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế và tiếp theo là hành chính.Trái với bức tranh ảm đạm tại Syria, Lybia, Ai Cập và nhiều nơi khác trong phong trào Mùa Xuân Arập, những chuyển biến tốt đẹp từ Myanmar trong năm 2012 đã khiến thế giới tin rằng Tổng thống Thein Sein thật sự muốn đưa nước này ra khỏi bất ổn và trì trệ.
Tổng thống Thein Sein đánh dấu sự cải cách mở cửa bằng việc ân xá hàng trăm tù nhân chính trị, bãi bỏ kiểm duyệt báo chí. Ông cũng mời lãnh đạo phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi, người từng bị giam lỏng hơn 20 năm, tham gia ứng cử vào quốc hội, hành động được cả trong và ngoài nước nhiệt liệt hoan nghênh. Dấu hiệu cải cách ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của thế giới.Mỹ quyết định tái lập quan hệ ngoại giao với Naypyidaw và nới lỏng cấm vận; EU và Australia gỡ lệnh bỏ các trừng phạt. Tổng thống Mỹ Obama hồi tháng 11 có chuyến thăm lịch sử tới nước này, trở thành tổng thống Mỹ đương chức đầu tiên đến Myanmar, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Myanmar với thế giới bên ngoài. Các nhà đầu tư khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, đang coi Myanmar là “cơ hội vàng cuối cùng” ở châu Á.
Biểu tượng dân chủ của thế giới San Suu Kyi, từng bị chính quyền quân sự giam lỏng gần 15 năm, vào tháng 6/2012đã đến thủ đô Oslo của Na Uy để nhận giải Nobel Hòa bình sau 21 năm bà được giải. Trong chuyến thăm tới các nước châu Âu và sau đó là Mỹ, bà được đón tiếp trọng thị và ca ngợi vì vai trò to lớn đối với tiến trình chuyển giao dân chủ của Myanmar.Cặp Aung San Suu Kyi và
Thein Sein được xếp hạng đầu trong danh sách 100 nhà tư tưởng thế giới của tạp chí Foreign Policy năm 2012.
Ngày 27/12, Ủy ban Kế hoạch của Myanmar đã thông qua kế hoạch tổng thể cơ bản 10 điểm về cải cách kinh tế, xã hội.Kế hoạch bao gồm cải cách tài chính và thuế, cải cách khu vực tiền tệ, nới lỏng các quy định về thương mại và đầu tư, khuyến khích phát triển khu vực tư nhân, cải cách y tế và giáo dục, lập kế hoạch phát triển nông nghiệp và duy trì đủ lương thực, nâng cấp dịch vụ viễn thông di động và mạng internet, đề ra các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, khẩn trương xúc tiến các chương trình để có hệ thống điều hành chính quyền có hiệu quả và trọng sạch.
Tổng thống Thein Sein nhấn mạnh những nỗ lực nhằm bảo đảm sự tham gia của mọi người dân vào tiến trình cải cách chính trị và kinh tế của đất nước, thúc đẩy quyền bình đẳng của mọi người dân trong làm việc cũng như tìm việc làm, xây dựng và cải cách kinh tế, đặc biệt là phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo.Bên cạnh đó, Tổng thống Myanmar cũng nhấn mạnh đến những tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe y tế cộng đồng, an sinh xã hội cũng như nhiều lĩnh vực khác.
Ông kêu gọi đưa nhiều sản phẩm của Myanmar ra thị trường quốc tế, tiến hành công nghiệp hóa thông qua các dự án đặc biệt mà không phải dựa riêng vào nền kinh tế nông nghiệp. Hơn nữa, các dự án đô thị hóa phải được thực thi song song với đảm bảo các điều kiện sống tốt hơn cho người dân.Tổng thống Thein Sein kêu gọi xem xét một cách hệ thống các đánh giá về tác động kinh tế và xã hội, quản lý khai thác các nguồn trong thực thi các kế hoạch phát triển bao gồm việc thiết lập các khu công nghiệp, đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.Ông cũng kêu gọi sự tham gia tích cực của toàn dân, các cơ quan chính phủ từ cấp trung ương đến địa phương nhằm đạt thành công trong tiến trình cải cách.
Sau cải cách chính trị và kinh tế, Myanmar chuẩn bị bước vào cuộc cải cách bộ máy hành chính mà theo Tổng thống Thein Sein, đây là cuộc “cải cách giai đoạn ba” nhằm xóa bỏ nạn tham nhũng.Tổng thống Thein Sein thừa nhận tình trạng tham nhũng nghiêm trọng đang diễn ra ở các cơ quan nhà nước Myanmar. “Nhiều cơ quan ở các cấp chính phủ không lắng nghe tiếng nói của người dân và hoạt động hoàn toàn không minh bạch - ông Thein Sein khẳng định - Quản trị công ở Myanmar vẫn rất yếu kém, kém xa tiêu chuẩn quốc tế”.Theo ông Thein Sein, chính phủ cần ngăn chặn được nạn tham nhũng, hối lộ trong bộ máy nhà nước thì mới đảm bảo được quản trị công hiệu quả.
“Đất nước cần cải cách hành chính từ cấp cơ sở đến cấp chính quyền trung ương - Tổng thống Myanmar tuyên bố - Để đảm bảo sự tồn tại của chế độ dân chủ và sự phát triển của đất nước, chúng ta cần thay đổi hệ thống hành chính theo cách mà người dân có thể tham gia và hợp tác với chính phủ”. Ông kêu gọi các quan chức cũng “đề nghị nhân dân hợp tác để chống lại nạn tham nhũng, sự thiếu trung thực trong chính phủ”.
Đây là lần đầu tiên chính quyền Myanmar thừa nhận tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Tổng thống Thein Sein chưa đưa ra các nội dung cải cách hành chính cụ thể. Tuy nhiên, hồi tháng 5/2012 Phó tổng thống Sai Mauk Kham đã đề cập vấn đề này. Theo báo New Light of Myanmar, khi đó ông Sai Mauk Kham cho rằng chính quyền Myanmar cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử và quy tắc đạo đức cho khối hành chính công để đạt được mục tiêu quản trị công hiệu quả. Ông Sai Mauk Kham thừa nhận tại Myanmar, nông dân và công nhân đang sống trong cảnh khó khăn do nhà đất của họ bị quân đội, chính quyền địa phương và các nhóm lợi ích tịch thu một cách bất hợp pháp. Do đó tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng cao.
Khảo sát của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) cho thấy Myanmar là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của TI, Myanmar xếp thứ 181/183 quốc gia, chỉ trước Somalia và
Triều Tiên.Hãng tin Bloomberg dẫn lời một số doanh nhân Myanmar tiết lộ nạn hối lộ và con ông cháu cha là “chuyện thường ngày ở huyện” tại đất nước này.
Doanh nhân Zaw Naing, giám đốc Công ty Credent Technology ở Yangon, cho biết các công ty đều phải lập một quỹ để “lại quả” cho các quan chức. Đi đánh golf với các quan chức chính phủ hay quân đội và đưa hối lộ tại sân golf là cách hiệu quả nhất để ký được các hợp đồng kinh doanh. Doanh nhân Hong Kong Howard Kuan, quản lý một nhà máy may mặc ở Rangoon kể, các doanh nhân khi mở công ty, nhà máy luôn bị quan chức địa phương đến gõ cửa đòi đủ loại giấy phép lằng nhằng. Cách duy nhất để công việc trôi chảy là xì tiền.“Ở xứ này, là doanh nhân bạn phải biết chi tiền” - ông Kuan nói. Điều này chứng tỏ, bộ máy hành chính của Myanmar làm việc chưa thật sự hiệu quả và nạn tham nhũng là một vấn đề “nhức nhối” làm cản trở sự thành công của công cuộc cải cách hiện nay. Tổng thống Thein Sein thừa nhận đây là một thách thức, cho nên cần phải tiến hành cải cách hành chính và khẳng định cuộc chiến chống tham nhũng rất cần sự hợp tác của người dân.
Myanmar đã cho phép tư nhân được ra báo ngày kể từ ngày 1/4/2013, chấm dứt lệnh cấm đã kéo dài hàng thập kỷ và giúp nới lỏng hơn nữa hoạt động kiểm duyệt ở đây. Hiện chỉ có các tờ báo do nhà nước sở hữu được phép ra nhật báo, khiến nhiều công ty tư nhân phải cung cấp tin tức qua Internet cho những người dân đói tin. Việc cấp giấy phép ra nhật báo mới đã được thông báo trên trang web của Bộ thông tin, sẽ diễn ra trong 2 năm sau khi chính quyền cải cách mới được thành lập và các tờ báo tư nhân sẽ ra sạp không lâu sau đó. Vài tờ tuần báo hiện đang tích cực chuẩn bị để thay đổi. “Chúng tôi đã sẵn sàng nhập cuộc” - Nyein Nyein Naing, tổng biên tập tờ tuần báo 7 Days News nói – “Đây là một cột mốc đáng nhớ với ngành công nghiệp báo chí, đất nước và nhân dân chúng tôi”.Nhưng ông cảnh báo về những thách thức rất lớn khi báo chuyển từ tuần báo sang nhật báo. Kyaw Min Swe, tổng biên tập tờ Voice Weekly, cũng nói rằng ông đã chuẩn bị để các phóng viên có thể đảm nhận được khối lượng bài vở
khổng lồ cho các tờ nhật báo. “Tôi nghĩ rằng ít nhất 5 tờ tuần báo đã sẵn sàng để thành nhật báo” - ông nói, cho biết thêm rằng thách thức lớn nhất vẫn là công tác phát hành.
Như vậy, một loạt những cải cách quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội đã được thực hiện như: cải cách tài chính và thuế, cải cách khu vực tiền tệ, nới lỏng quy định thương mại về đầu tư, cải cách y tế và giáo dục, ân xá hàng trăm tù nhân chính trị, bãi bỏ kiểm duyệt báo chí…Đặc biệt là cải cách bộ máy hành chính nhằm xóa bỏ nạn tham nhũng đang được chính phủ tiến hành rất quyết liệt.Tất cả những cải cách đó, đang dần dần đưa Myanmar tiến gần hơn với một nền dân chủ thực sự, “nút thắt” trong quan hệ Mỹ - ASEAN đã được tháo gỡ bằng vấn đề dân chủ ở Myanmar.
Từng được mệnh danh là “Hòn ngọc châu Á”, là một trong những nền kinh tế hàng đầu khu vực với thu nhập bình quân đầu người gấp hơn hai lần so với Thái Lan, Myanmar suy tàn và hiện có mức thu nhập bình quân GDP thấp nhất Đông Nam Á. Nhưng với những chính sách cải cách dân chủ của chính quyền Thein Sein hiện nay, cùng với kinh nghiệm của những nền kinh tế phát triển nhanh của châu Á, Myanmar có đầy đủ khả năng để thực hiện được những điều ấn tượng nhất, ít nhất cũng trở lại là mình của 4 - 5 thập kỷ trước.