Trong những năm gần đây, Việt Nam đang gặp những sức ép về môi trường nói chung và tình hình chất thải rắn nói riêng. Thông qua các báo cáo môi trường đã chỉ rõ thực trạng chất thải rắn phát sinh ở các khu đô thị, khu công nghiệp và cả ở vùng nông thôn ngày càng gia tăng và phức tạp. Dân số ngày càng tăng, điều kiện kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các vùng nông thôn nói chung ngày càng phong phú và đa dạng. Đây cũng là nguyên nhân chính làm gia tăng thành phần và tải lượng rác thải sinh hoạt nông thôn.
Hiện nay, số liệu về phát sinh chất thải rắn mới chủ yếu được thống kê tại các khu vực đô thị và các khu công nghiệp; ở khu vực nông thôn, hầu như số liệu về chất thải rắn chưa được thống kê một cách đầy đủ. Theo thống kê cho thấy, lượng phát sinh chất thải sinh hoạt của người dân ở các vùng nông thôn là 0,3 kg/người/ngày (năm 2004). Tính đến năm 2008, lượng rác thải nông thôn tăng lên 0,4 kg/người/ngày. [5]
Bảng 2.4. Lượng chất thải phát sinh năm 2003 và 2008
Loại CTR Đơn vị tính Năm 2003 Năm 2008
CTR đô thị tấn/năm 6.400.000 12.802.000
CTR công nghiệp tấn/năm 2.638.400 4.786.000
CTR y tế tấn/năm 21.500 179.000
CTR nông thôn tấn/năm 6.400.000 9.078.000
CTR làng nghề tấn/năm 774.000 1.023.000
TỔNG CỘNG tấn/năm 15.459.900 27.868.000
Phát sinh CTR sinh hoạt trung bình tại
khu vực đô thị kg/người/ngày 0,8 1,45
Phát sinh CTR sinh hoạt trung bình tại
khu vực nông thôn kg/người/ngày 0,3 0,4
(Nguồn Báo cáo diễn biến môi trường năm 2010)
Hiện nay, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn vào khoảng 40 – 55%, nơi thấp nhất chỉ đạt từ 3,6 – 3,7%. Theo thống kê có khoảng 60% số thôn hoặc xã có tổ chức thu dọn định kỳ; trên 40% thôn xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản. Việc thu gom rác còn rất thô sơ bằng các xe cải tiến. Nhiều xã không có quy hoạch các bãi rác tập trung, không có bãi rác công cộng, không quy định chỗ tập trung rác, không có người và phương tiện chuyên chở rác. Do đó, các bãi rác tự phát đã hình thành rất nhiều nơi, làm cho tình trạng rác thải sinh hoạt nông thôn trở thành vấn đề nan giải khó quản lý. Một số huyện, xã mặc dù đã có quy hoạch bãi rác nhưng vẫn chưa có các cơ quan quản lý, biện pháp xử lý đúng kỹ thuật và người dân vẫn chưa có ý thức đổ rác theo đúng nơi quy định. [6]
Mặc khác, do nông thôn xa xôi, cơ sở hạ tầng giao thông thấp kém, chi phí cho việc thu gom cao từ đó các dịch vụ thu gom không đến được các vùng nông thôn. Ở khu vực ven đô, thị tứ của nông thôn, việc thu gom rác hầu như vẫn đang là tự phát, chưa có sự quản lý của một cơ quan chuyên trách nào. Với những hộ gia đình có ý thức bảo vệ môi trường, rác có thể được thu gom vào một góc vườn để đốt, chôn lấp hoặc chôn quanh gốc cây; số còn lại vứt rác ra vườn, sông, hồ ao,... Chính vì vậy, hầu hết khu vực nông thôn còn tồn động rác, các loại rác hữu cơ và vô cơ được vứt lẫn lộn và đổ vào những nơi đất trống gây ô nhiễm môi trường. [3]