Quy định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện

Một phần của tài liệu Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự trong pháp luật dân sự việt nam hiện hành (Trang 64)

Theo quy định tại Điều 161 BLDS năm 2005 thì khoảng thời gian xảy ra ba loại sự kiện sau đây thì thời gian đó không tính vào thời hiệu khởi kiện:

- Sự kiện bất khả kháng, hoặc trở ngại khách quan;

- Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết. [17, Điều 161]

Theo quy định tại khoản 1, Điều 161 BLDS năm 2005 thì khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không được tính vào thời hiệu thời hiệu khởi kiện. Đồng thời, cũng theo quy định này thì sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép; đồng thời, trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm

hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình. Như vậy, theo quy định này, để một sự kiện được coi là sự kiện bất khả kháng thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện: (1) không thể lường trước được; (2) không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Điều kiện “mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” sẽ là không phù hợp trong một số trường hợp như thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc là động đất, bão, lũ, lụt, chiến tranh,…Tuy nhiên, đây lại là các trường hợp mà một số văn bản luật chuyên ngành quy định là sự kiện bất khả kháng (Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ- CP ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự và điểm b, khoản 1 Điều 31 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước). Vì vậy, BLDS năm 2005 quy định khi có các sự kiện này xảy ra thì phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép để khắc phục sự kiện đó là chưa thực sự phù hợp. Chỉ nên quy định sự kiện bất khả kháng là các sự kiện khách quan đã xảy ra và con người không thể kiểm soát được sự kiện đó.

Bên cạnh đó, Luật cũng cần có quy định rõ hơn về những trường hợp được coi là sự trở ngại khách quan, không tính vào thời hiệu khởi kiện. Theo quy định tại khoản 6, Điều 44 Luật Trọng tài thương mại năm 2010: “… Thời gian từ ngày nguyên đơn khởi kiện tại Trọng tài đến ngày Tòa án ra quyết định thụ lý giải quyết vụ tranh chấp không tính vào thời hiệu khởi kiện” [21, Điều 44] và khoản 9, Điều 71 của Luật này cũng quy định: “Trong mọi trường hợp, thời gian giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, thời gian tiến hành thủ tục hủy phán quyết của Trọng tài tại Tòa án không tính vào thời hiệu khởi kiện” [21,

cần nghiên cứu, cân nhắc để bổ sung một số trường hợp cần được xem là trở ngại khách quan và không tính vào thời hiệu khởi kiện, cụ thể như sau:

Thứ nhất, khoảng thời gian mà cơ quan nhà nước, cơ quan có thẩm

quyền theo quy định của pháp luật xem xét, giải quyết trước khi khởi kiện ra Tòa án:

Ví dụ: Đối với những vụ án hình sự có liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại nhưng không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, không ảnh hưởng đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo thì được tách thành vụ kiện dân sự khác. Theo quy định của BLDS năm 2005, thời hiệu để thực hiện quyền khởi kiện đối với vụ án bồi thường thiệt hại được tính từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm đến khi Tòa án nhận được đơn khởi kiện là 2 năm, nếu quá thời hạn này thì đương sự mất quyền khởi kiện, trừ các trường hợp được quy định tại Điều 161 BLDS năm 2005. Như vậy, thời gian việc cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự có được xem là trường hợp “trở ngại khách quan” theo khoản 1, Điều 161 BLDS năm 2005 hay không. Về vấn đề này cho đến nay vẫn còn có quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng thời gian cơ quan điều tra thụ lý giải quyết vụ án hình sự là thời gian họ không thể thực hiện được quyền khởi kiện của mình theo quy định tại khoản 1, Điều 161 BLDS năm 2005. Do vậy, thời hiệu khởi kiện 2 năm được tính từ ngày quyền và lợi ích bị xâm phạm là có cơ sở chứ không phải từ khi có quyết định tách phần dân sự trong vụ án hình sự, quyết định không khởi tố hoặc quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án về giải quyết hình sự.

Quan điểm thứ hai cho rằng không trừ thời gian này vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, mà thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm bản án hình sự có hiệu lực pháp luật, hoặc từ thời điểm có quyết định không khởi tố vụ án

hình sự, mà không tính từ thời điểm quyền và lợi ích bị xâm phạm hoặc khi có quyết định tách phần dân sự trong vụ án hình sự.

Theo chúng tôi thì quan điểm thứ nhất là hợp lý hơn vì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải tuân theo quy định của pháp luật dân sự, cụ thể tại Điều 607 BLDS năm 2005 tức là 2 năm tính từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Do đó, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, thì thời gian cơ quan điều tra thụ lý giải quyết vụ án hình sự phải được xem là thời gian trở ngại khách quan và không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Mặt khác, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 158 BLDS năm 2005 thì thời hiệu hưởng quyền dân sự bị coi là gián đoạn khi có sự giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu. Do đó, thời hiệu khởi kiện cũng nên có quy định tương tự như vậy thì mới hợp lý và bảo đảm công bằng vì xét cho cùng thời hiệu khởi kiện cũng có những điểm tương đồng với thời hiệu hưởng quyền dân sự.

Thứ hai, khoảng thời gian và thời gian kéo dài hơn (nếu có) so với

khoảng thời gian theo quy định của pháp luật là trước khi khởi kiện ra Tòa án thì việc tranh chấp phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết trước.

Trong trường hợp tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải [22, Điều 202] và đây là thủ tục hòa giải bắt buộc. Theo đó, tại khoản 3, khoản 4, Điều 202 Luật đất đai năm 2003 thì hòa giải theo thủ tục này được quy định như sau: “Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải

tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai; việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã…” [22, Điều 202]

Khoản 1, Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định đối với việc tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết [22, Điều 203].

Như vậy, nếu trong trường hợp thời gian tiến hành hòa giải tại UBND xã phải kéo dài quá 45 ngày vì nhiều lý do khác nhau thì trong nhiều trường hợp sau khi tiến hành hòa giải ở UBND xã không thành, đương sự gửi đơn kiện ra Tòa án thì có thể đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại quyền, lợi ích chính đáng của đương sự.

Ngoài ra, trong trường hợp mà nguyên đơn bị lừa dối về quyền cũng như

thời hiệu khởi kiện và thời gian mà nguyên đơn đang thi hành hình phạt tù thì cũng nên được xem là những trở ngại khách quan và không tính vào thời hiệu khởi kiện. Đơn cử như việc các bên thỏa thuận là nếu xảy ra tranh chấp thì không bên nào được khởi kiện ra Tòa án hoặc người có nghĩa vụ dân sự tìm cách để lừa dối người có quyền về vấn đề điều kiện khởi kiện như người có quyền không đủ điều kiện để khởi kiện ra Tòa hoặc đã hết thời hiệu khởi kiện nên Tòa án sẽ không thụ lý,…

Đối với trường hợp người có quyền dân sự đang thi hành hình phạt tù họ không thể thực hiện được quyền khởi kiện của mình trong thời hạn luật định vì điều kiện giam giữ, mặc dù họ có thể biết sự kiện pháp lý làm phát sinh quyền khởi kiện của mình. Cùng với đó, việc phải thi hành án phạt tù

khiến họ khó có cơ hội tiếp cận với hệ thống tư vấn pháp lý hay tìm kiếm luật sư và càng khó khăn trong việc tìm kiếm, thu thập chứng cứ cho yêu cầu khởi kiện của mình.

Một phần của tài liệu Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự trong pháp luật dân sự việt nam hiện hành (Trang 64)