Pháp luật của Nhà nước phong kiến trước thời kỳ Pháp thuộc tồn tại dưới hình thức một đạo luật (điển hình là Quốc triều hình luật nhà Lê thế kỷ XV và Hoàng việt luật lệ nhà Nguyễn thế kỷ XIX) hoặc dưới các hình thức đạo sắc chỉ hay chỉ dụ, hoặc những lệ hay lệnh do nhà vua ban hành. Pháp luật phong kiến chưa phân biệt các quan hệ xã hội trên nền tảng luật công (luật hình) hay luật tư (luật dân sự), luật chỉ quy định những vấn đề liên quan đến trật tự công cộng và chế tài của hình luật được áp dụng cho các hành vi vi phạm kể cả trong các quan hệ dân sự. Tuy nhiên, trong thời kỳ này pháp luật đã manh nha có quy định về thời hiệu.
Cụ thể, tại Điều 387 Bộ luật Hồng Đức định rằng, đối với những ruộng đất cầm mà chủ ruộng xin chuộc thì phải trong niên hạn. Nếu quá niên hạn mà xin chuộc thì không được (niên hạn là 30 năm). Trái lẽ mà cố cưỡng đi kêu, thì phải phạt 50 roi, biếm một tư. Ngoài ra, con trai từ 16 tuổi, con gái từ 20 tuổi trở lên, mà ruộng đất của mình để người trưởng họ hay người ngoài cày hay ở, đã quá niên hạn mới cố cưỡng đòi lại, thì phải phạt 80 trượng và mất ruộng đất (niên hạn: người trưởng họ 30 năm, người ngoài 20 năm). Nếu vì binh hoả hay đi siêu bạt mới về, thì không theo Luật này [32].
Trong thời kỳ Pháp thuộc, pháp luật dân sự Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của pháp luật dân sự Pháp. Do vậy, thời hiệu dân sự là một danh từ dùng để chỉ hai loại thời hiệu là thời hiệu thủ đắc và thời hiệu tiêu diệt. Về học lý, vấn đề này đã được giáo sư Vũ Văn Mẫu và giáo sư Lê Đình Chân đề cập trong cuốn “Danh từ và tài liệu Dân luật và Hiến luật” năm 1968. Theo đó, thời hiệu (prescription) được hiểu là thời hạn do luật ấn định có hiệu lực biến sự chiếm hữu một tài sản thành quyền sở hữu (thời hiệu thủ đắc) hoặc tiêu diệt món nợ của đương sự (thời hiệu tiêu diệt). Sở dĩ, nhà làm luật quy định vấn đề thời hiệu, là vì muốn tránh những vụ phân tranh kiện cáo phiền phức và tốn kém, khi các đương sự đã để trôi qua một thời gian quá lâu mà không hành động. Ở thời kỳ này, nước ta có ba đạo luật về dân sự được ban hành là Tập Dân luật Giản yếu Nam Kỳ (1883) có hiệu lực ở miền Nam; Bộ Dân luật Bắc Kỳ (1931) có hiệu lực ở miền Bắc và Bộ Dân luật Trung Kỳ (Hoàng việt Trung Kỳ Hộ luật) 1936 có hiệu lực ở miền Trung. Theo đó, vấn đề thời hiệu đã được quy định hai bộ Dân luật Bắc 1931 và Dân luật Trung 1936.
Điều 857 Dân luật Bắc Kỳ và Điều 934 Dân luật Trung Kỳ đều quy định “Giải trừ thời hiệu, là một cách thoát nợ vì chủ nợ không đòi hỏi trong thời hạn pháp luật đã định”. Về nguyên tắc thì thời hiệu giải trừ nghĩa vụ thông thường là tương đối dài 20 năm hoặc 10 năm, trong một số trường hợp đặc biệt thì thời hiệu này còn có thể ngắn hơn nữa. Điều 857 Dân luật Bắc Kỳ ấn định thời gian dài nhất để giải trừ nghĩa vụ là 20 năm, theo đó “Phàm nghĩa vụ mà pháp luật không quy định một thời hạn ngắn hơn hay không tuyên rõ là không thể bị thời hiệu giải trừ được, thì cứ hết hai mươi năm tính từ lúc người chủ nợ có quyền đòi hỏi mà không đòi hỏi gì, đều bị tiêu diệt vì thời hiệu giải trừ”. Điều 935 Dân luật Trung Kỳ cũng
sử dụng cùng một văn từ trên nhưng lại ấn định thời hiệu giải trừ là 10 năm [32].
Như vậy, trong giai đoạn này, pháp luật dân sự Việt Nam đã có những quy định về giới hạn khoảng thời gian trong một số trường hợp mà chủ thể có quyền có thể thực hiện yêu cầu cơ quan nhà nước xem xét, bảo vệ quyền của mình đồng thời kết thúc thời hạn này thì người có nghĩa vụ cũng được miễn trừ nghĩa vụ dân sự.