3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.1.2. Các nguồn tài nguyên
3.1.2.1. Tài nguyên đất
Đất đai của xã được chia thành 3 loại chính:
- Đất phù sa ngòi, suối: Phân bố ven suối, đất thường có địa hình không bằng phẳng do tốc độ dòng chảy lớn, sản phẩm phù sa thô hơn vùng hạ lưu nên đất thường có thành phần cơ giới nhẹ lẫn nhiều sỏi sạn và các sản phẩm hữu cơ khác
- Đất đỏ vàng trên đá phiến sét: Được hình thành trên đá phiến sét, địa hình dốc, có thành phần cơ giới thịt trung bình đến sét, có màu đỏ vàng chủ đạo. Đất có phản ứng chua; tổng lượng cation kiềm trao đổi tầng mặt trung bình; dung tích hấp thu CEC tầng mặt khá; các tầng dưới trung bình thấp; độ
bão hoà bazơ thấp. Sắt di động thấp, nhôm di động không có. Hàm lượng chất hữu cơ tầng 1 và tầng 2 giàu; lân tổng số khá, kali tổng số giàu, lân dễ tiêu nghèo. Kali dễ tiêu tầng mặt trung bình, các tầng dưới rất nghèo.
- Đất mùn vàng đỏ trên núi: đất phát triển trên các loại đá mẹ khác nhau ở độ cao trên 900m, phân bố trên địa hình đồi núi cao. Hàm lượng chất hữu cơ trong đất khá cao, giảm dần theo chiều sâu, màu đất chuyển dần từ xám sẫm sang nâu sẫm và nâu vàng, mối liên hệ giữa chất hữu cơ và các cation trao đổi chặt hơn, hầu như không xuất hiện kết von đá ong, mức độ phong hoá feralit của đất và mẫu chất giảm nên tầng đất thường mỏng hơn đất đỏ vàng cùng đá mẹ. Đất có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến thịt nặng (phụ thuộc vào đá mẹ), phản ứng của đất khá chua pHKCl, tổng lượng cation kiềm trao đổi từ rất thấp đến trung bình, dung tích hấp thu CEC từ trung bình đến khá, sắt và nhôm di động ở mức thấp. Hàm lượng chất hữu cơ và đạm tổng số tầng mặt rất giàu, tầng 2 khá. Lân và kali tổng số trung bình đến khá, lân và kali dễ tiêu đều nghèo.
Nhìn chung đất đai của xã khá thuận lợi cho phát triển các cây trồng lương thực và các cây màu công nghiệp.
3.1.2.2. Tài nguyên nước
* Nước mặt
Nguồn nước mặt của xã được cung cấp từ hệ thống sông, suối trên địa bàn xã và lượng mưa hàng năm. Chất lượng nguồn nước mặt tốt, thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên do phần lớn các sông chảy qua địa bàn đều ngắn dốc, chế độ nước phụ thuộc vào lượng mưa, mùa mưa lượng mưa lớn, nguồn nước ngọt dồi dào. Các tháng mùa khô mực nước các sông cạn kiệt gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
* Nước ngầm
Tài nguyên nước ngầm ở Vân Tùng chưa được khảo sát đánh giá đầy đủ, song qua thực tế khai thác phục vụ sinh hoạt của nhân dân cho thấy, trữ lượng nước ngầm khá phong phú đủ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
* Tài nguyên rừng
Xã Vân Tùng có nhiều loại thực phủ, diện tích đất rừng chiếm tỷ lệ khá cao, từ 75 đến 80% trong tổng diện tích tự nhiên, chủ yếu là rừng tạp, cây tán lá rộng; rừng trồng chiếm khoảng 7 đến 8% chủ yếu là rừng thông, keo… Những loại cây phục vụ cho việc chế biến sản xuất giấy và một số mặt hàng công nghiệp khác, độ che phủ trung bình từ 75 – 85%.
Ngoài ra còn có các loại cây ăn quả như vải, mận, nhãn và một số loại cây ăn quả khác. Các khu dân cư nằm sát khu vực đồi thấp, thực phủ có rậm rạp hơn nhưng chủ yếu là loại cây trồng có tính chất ngắn ngày để khai thác như tre, vầu, bạch đàn …
3.1.2.3 Tài nguyên khoáng sản
Hiện nay chưa có số liệu điều tra khảo sát cụ thể nhưng trên địa bàn xã Vân Tùng có một số loại khoáng sản có giá trị trong khai thác như đá xây dựng, cát, sỏi... có thể khai thác cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng.
3.1.2.4. Tài nguyên nhân văn
Vân Tùng là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em gồm Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mông, Sán Chỉ. Sự giao thoa của các nét văn hoá đặc thù của dân tộc đã tạo nên những nét văn hoá giàu bản sắc. Đây là cơ sở quan trọng để xã đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.