5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
1.2. Thực tiễn phát triển bền vững ở các đô thị hiện nay
Trái đất của chúng ta vẫn cứ tiếp diễn quá trình phát triển và nhân loại chưa cần phải tìm kiếm con đường “Phát triển bền vững” cho đến thời điểm những năm thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi Thế giới phải đối mặt với rất nhiều vấn nạn về môi trường và điều kiện sống của con người trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Năm 1972, Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị quốc tế về môi trường con người ở Stockholm, Thụy Điển. Hội nghị ra tuyên bố xác nhận hiện trạng môi trường toàn thế giới đang xấu đi và kêu gọi nhân loại hãy cứu lấy trái đất, cái nôi của sự sống. Con người tỉnh ngộ và bước vào thập niên “Nhận thức về môi trường” (1972 – 1982).
Tiếp đó, bước sang thập niên “Hành động vì môi trường” (1982 – 1992). Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về “Môi trường và Phát triển” được tổ chức ở Rio de Janéro (Braxin), là cuộc gặp gỡ của 179 nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới.
Thành công lớn nhất của Hội nghị RIO-92 là đưa ra được 2 tuyên bố mang tính nguyên tắc, ký kết hai Công ước quốc tế và thông qua Chương trình hành động 21.
Tiếp sau Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên, Hội nghị thượng đỉnh lần 2 họp tại Johannesburg, Nam Phi năm 2002 đã lại tiếp tục khẳng định việc lựa chọn con đường phát triển bền vững của nhân loại. Tại Hội nghị lần này đại diện của 196 quốc gia đã thể hiện tính đồng thuận hành động vì quá trình phát triển bền vững của nhân loại và thông qua văn bản cực kỳ quan trọng: Kế hoạch thực hiện Johannesburg.
Từ kế hoạch hành động đến kế hoạch thực hiện, từ tấm bản đồ chỉ đường (Rio – 92) đến lịch trình cụ thể (Joha – 02), loài người đã thừa nhận và bước những bước đầu tiên trên con đường mà chúng ta gọi là con đường phát triển bền vững. Các quốc gia, dù hành trang khác nhau, dù lên đường không cùng lúc, tất cả đều đang hướng theo con đường phát triển bền vững này, cũng như đang hướng tới mục tiêu chung phát triển bền vững về môi trường – kinh tế – xã hội.