4.3.1.1 Cần điều chỉnh và ban hành nội dung các quy định, chính sách phù hợp hơn với thực tế
Sau gần 2 năm triển khai, chính sách BHNN bộc lộ một số bất cập khi đi sâu vào thực tế đời sống và hoạt động sản xuất của người nông dân. Bộ Tài chính đã ban hành nhiều quyết định và trải qua không ít lần điều chỉnh, nhưng vẫn chưa có văn bản nào thực sự hợp lý và khả thi. Chỉ tính riêng mảng BHNN cho tôm nuôi đã xảy ra không ít vấn đề mà nguyên nhân cơ bản xuất phát từ nội dung các văn bản hướng dẫn thực hiện. Biết rằng, chương trình BHNN đang trong giai đoạn thí điểm nên việc tồn tại một số vướng mắc trong chính sách quản lý, thực hiện là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, cần xem xét, nhìn nhận những điểm chưa phù hợp nhằm xây dựng nội dung chính sách BHNN hoàn thiện và sát với thực tế hơn.
Đầu tiên là sự tăng lên của tỷ lệ phí bảo hiểm. Quyết định số 1042/QĐ- BTC ngày 08/5/2013 của Bộ Tài chính nâng tỷ lệ phí bảo hiểm nuôi tôm, áp dụng cho cả ba hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến là 9,72%. Tiếp đó, Quyết định 1725/QĐ-BTC ngày 23/7/2013 của Bộ Tài chính vừa ban hành mức phí bảo hiểm mới là 13,73%. Mặc dù, mức hỗ trợ phí tham gia BHNN cho các đối tượng khá cao nhưng với điều kiện sản xuất khó khăn như hiện nay thì phần lớn người nuôi tôm sẽ không có khả năng tham gia. Vì thế, Bộ Tài chính nên giữ tỷ lệ phí BHNN đối với từng hình thức nuôi tôm như đã áp dụng trong năm 2012.
Thêm vào đó, theo Quyết định 1042 sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 8 quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm tôm, cá ban hành kèm theo Quyết định số 3035/QĐ-BTC, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường hoặc từ chối một phần khi mật độ tôm thực tế thấp hơn 80% so với mật độ trong giấy chứng nhận bảo hiểm tại thời điểm xảy ra thiệt hại. Theo bà con nuôi tôm cho biết tỷ lệ hao hụt tôm giống là khá cao, có thể lên đến hơn 20% tùy theo điều kiện nuôi, chất lượng nước trong ao và yếu tố thời tiết. Trong khi đó, thời điểm ký hợp đồng bảo hiểm với bà con, nhân viên bán bảo hiểm ghi nhận mật độ tôm dựa trên số lượng tôm giống thả xuống ao. Vấn đề này cần được xem xét kỹ và đưa ra quy định cho mật độ tôm phù hợp hơn.
Ngoài ra, tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm cho tôm thẻ chân trắng, được áp dụng hiện nay theo Quyết định 1042, giai đoạn tôm nuôi từ 50 đến 70 ngày tuổi là chưa hợp lý. Theo nghiên cứu của Limsuwan và cộng sự (2009) về bệnh vi bào tử (Microsporidosis) hay còn gọi là bệnh đục cơ, cong thân - căn bệnh phổ biến, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi tôm và hiện nay, vẫn chưa
43
có thuốc đặc trị. Từ khoảng 45 đến 70 ngày tuổi, tỷ lệ nhiễm căn bệnh này là cao nhất trong quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm, từ trên 19,1% đến 23,6%. Bên cạnh đó, một số bệnh nguy hiểm và gây thiệt hại nặng nề như bệnh hoại tử cơ do vi rút Infectious myonecrosis diễn biến phức tạp ở giai
đoạn từ 45 ngày tuổi trở lên; các bệnh khác theo ghi nhận từ thực tế và các nghiên cứu cũng xuất hiện nhiều trong giai đoạn này. Do đó, cần cân nhắc tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm đối với tôm thẻ chân trắng nhằm điều chỉnh hợp lý hơn.
Những quy tắc, quyết định được ban hành đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước. Vì vậy, những vấn đề bất cập trong nội dung hướng dẫn thực hiện thí điểm BHNN cần sớm được xem xét và kịp thời sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai chương trình từ ký kết đến khâu giải quyết bồi thường, tránh được những bức xúc và tạo sự đồng thuận, tin tưởng đối với người tham gia.
4.3.1.2 Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng chính sách BHNN đến các hộ nông dân
Tuyên truyền nội dung chính sách của Nhà nước nói chung và chương trình BHNN nói riêng là một trong những bước khởi đầu quan trọng nhằm đưa chính sách đến gần với cuộc sống của người dân. Mục tiêu hàng đầu của công tác tuyên truyền là giúp người nông dân nắm bắt rõ về nội dung chính sách, phương cách thực hiện và hiểu được lợi ích mà chương trình mang lại cho hoạt động sản xuất của mình. Bắt đầu từ nhận thức đúng đắn dựa trên những thông tin đầy đủ, chính xác, người sản xuất sẽ có niềm tin và dễ dàng đưa ra quyết định tham gia chương trình. Thực tế, công tác tuyên truyền thông tin về chương trình BHNN hiện nay ở một số địa phương chưa thật sự tốt. Qua quá trình khảo sát, tác giả nhận thấy một số lượng khá đông hộ nông dân chưa hiểu rõ và đúng nội dung chương trình hoặc có rất ít thông tin về BHNN. Họ cho biết có “nghe nói” về chương trình BHNN từ chính quyền địa phương nhưng thấy không cần thiết nên không tham gia. Một số khác nghi ngại: không biết mua bảo hiểm rồi khi thiệt hại xảy ra có được bồi thường không? Thủ tục bồi thường có khó khăn không? Rõ ràng, công tác tuyên truyền cần được xem xét lại.
Một trong những nguyên nhân và hạn chế của hiện trạng này xuất phát từ việc thiếu cán bộ chuyên trách nghiệp vụ BHNN. Đa số, cán bộ địa phương phải đảm nhiệm nhiều công việc, bao gồm cả công tác tuyên truyền chính sách BHNN đến các hộ nông dân. Số lượng cán bộ phụ trách mảng này không
44
nhiều. Trong khi đó, địa bàn triển khai thí điểm khá rộng, diện tích nuôi tôm nhiều và phân bố rải rác gây khó khăn cho việc phổ biến thông tin đến các hộ dân. Bên cạnh đó, phải nhìn nhận một thực tế rằng vẫn còn một số cán bộ, mặc dù đã tham gia tập huấn nghiệp vụ bảo hiểm nhưng chưa nắm vững các quy tắc, quy trình áp dụng nên việc giải thích thắc mắc chưa thỏa đáng cho bà con. Do đó, trước mắt, địa phương cần phân công thêm người cho mảng BHNN và tổ chức các lớp nghiệp vụ kết hợp kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng nghiệp vụ cán bộ tuyên truyền. Thời gian đầu, các lớp này nên được tổ chức thường xuyên. Về lâu dài, địa phương nên có hướng xây dựng và phát triển tổ tuyên truyền chuyên trách mảng BHNN tại cơ sở. Ngoài ra, để công tác tuyên truyền phát huy tối đa hiệu quả, địa phương nên tận dụng các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền thanh, truyền hình, báo chí địa phương thường xuyên đưa tin về chính sách BHNN. Song song đó, phát động phong trào thi đua trong nông dân thông qua các cuộc thi viết bài liên quan BHNN. Bước đầu, lồng ghép chính sách BHNN vào các cuộc thi tìm hiểu như chương trình “Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Hội thi nông dân giỏi”. Công tác tuyên truyền cần được các cấp phối hợp triển khai mạnh mẽ và sâu rộng trong nhân dân. Đặc biệt, cần hướng đến mục tiêu giúp bà con hiểu rõ BHNN là một trong những biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại hữu hiệu khi rủi ro xảy ra, chứ không phải tập trung hướng đến lợi ích từ việc tham gia bảo hiểm.
4.3.1.3 Công tác thực hiện cần triển khai nghiêm túc, đồng bộ với tinh thần trách nhiệm cao
Hiện tại, việc thực hiện chương trình từ khâu ký kết hợp đồng đến khâu giải quyết bồi thường ở một số địa phương trên địa bàn còn lỏng lẻo, một số yêu cầu gây khó khăn cho người dân.
a) Khâu ký kết hợp đồng
Đầu tiên là khâu ký kết hợp đồng BHNN. Để được ký hợp đồng tham gia BHNN, người nuôi tôm được yêu cầu phải có hóa đơn đỏ về việc mua con giống và thức ăn. Xét về mặt khách quan, yêu cầu này đang thực hiện đúng một trong những nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm, là đảm bảo tính trung thực tuyệt đối giữa người thụ hưởng và doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm. Tuy nhiên, vấn đề này thực sự gây khó cho bà con trong thực tế. Đa số hộ nuôi tôm không đủ nguồn tài chính sẵn có để chi trả ngay các khoản tiền về con giống và đặc biệt là thức ăn. Họ thường thiếu chịu ở đại lý phân phối và chi trả khoản tiền đó vào cuối vụ tôm. Chính vì điều này, họ không thể có được hóa đơn theo yêu cầu. Thiết nghĩ, thay vì bắt buộc hóa đơn để xác định chính xác
45
số lượng, giá cả con giống và giá thức ăn, nhân viên bán bảo hiểm nên phối hợp với cán bộ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản địa phương giám sát trực tiếp và nghiêm túc, lập biên bản rõ ràng về quá trình kiểm đếm và thả giống tại ao nuôi. Về giá cả con giống và thức ăn cho tôm, công ty bảo hiểm nên liên hệ với bộ phận khảo sát thị trường để có được những số liệu tương đối chính xác và đáng tin cậy, làm cơ sở xác định giá cả của các yếu tố đầu vào.
b) Khâu giám sát quá trình nuôi
Tiếp đến là thực hiện giám sát, kiểm tra quá trình nuôi. Mặc dù, trong văn bản hướng dẫn có yêu cầu các đơn vị cơ sở thực hiện vấn đề này. Tuy nhiên, do lực lượng ít, địa bàn quản lý rộng lớn nên công tác này chưa được thực hiện tốt ở các địa phương. Vì thế, các nhân viên bảo hiểm và cán bộ phụ trách có thể tiến hành kiểm tra, lấy mẫu đột xuất ở các ao nuôi của các hộ tham gia, đề nghị hộ xuất trình nhật ký nuôi trồng làm cơ sở đối chiếu và đánh giá. Việc này sẽ giúp hạn chế đáng kể được tình trạng hộ tham gia ỷ lại vào BHNN mà sao nhãng việc sản xuất của gia đình.
c) Khâu kiểm định và bồi thường thiệt hại
Khi rủi ro như thiên tai, dịch bệnh xảy ra, công tác giám định, bồi thường cần diễn ra công khai, minh bạch hơn với sự phối hợp của nhiều bên liên quan như nhân viên bảo hiểm, cán bộ kỹ thuật nuôi và chính quyền địa phương. Hiện tại, do phòng xét nghiệm của tỉnh đang bị quá tải vì số lượng mẫu xét nghiệm bệnh gửi về rất lớn, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý bồi thường. Vì vậy, các đơn vị cơ sở nên thành lập các tổ giám định và xét nghiệm lưu động, góp phần giảm bớt áp lực cho phòng xét nghiệm và đẩy nhanh công tác giải quyết bồi thường ở địa phương. Về lâu dài, cần xây dựng và đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các phòng xét nghiệm ở địa phương để nâng cao chất lượng và tính chính xác trong việc giám định thiệt hại.
Gần đây, ở một số địa phương, hiện tượng trục lợi từ bồi thường BHNN xuất hiện, gây bức xúc trong nhân dân và làm thiệt hại đáng kể cho các công ty bảo hiểm. Việc kê khai sai mật độ thả nuôi hay thời điểm bị thiệt hại để được hưởng tỷ lệ bảo hiểm cao theo ngày nuôi đang diễn ra. Theo nhận định của cán bộ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, các vấn đề này hoàn toàn có thể phát hiện và kiểm soát được bằng việc thực hiện chặt chẽ các giải pháp như đã nêu trên. Đồng thời, khi phát hiện hiện tượng trục lợi, ngoài việc thu hồi lại số tiền bồi thường mà công ty bảo hiểm đã chi, cần có giải pháp chế tài mạnh hơn đối với các đối tượng liên quan để tình trạng này không tiếp tục diễn ra.
46
4.3.1.4 Lập kế hoạch phân bổ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Nguồn lực con người là một trong những thành tố quan trọng, quyết định hiệu quả và thành công của một dự án, một chương trình. Và điều này, càng đặc biệt quan trọng hơn đối với một chương trình mới như BHNN ở Việt Nam hiện nay. Về phía công ty bảo hiểm, cụ thể là Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Bạc Liêu cần lên kế hoạch phân bổ và tuyển dụng nhân viên chuyên trách mảng BHNN, có trình độ, kiến thức chuyên môn về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng và hoạt động nông nghiệp nói chung nhằm đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Tập huấn kỹ càng nghiệp vụ cho nhân viên phụ trách mảng BHNN về khâu ký kết hợp đồng tham gia và giải quyết bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, Chi cục nuôi của tỉnh nên phân bổ thêm lực lượng kỹ sư về các tổ nuôi trồng thủy sản ở từng địa phương để phối hợp hỗ trợ kỹ thuật cho bà con tham