Đặc điểm tự nhiên

Một phần của tài liệu đánh giá tác động của bảo hiểm nông nghiệp đến thu nhập của hộ nuôi tôm ở tỉnh bạc liêu (Trang 28)

3.1.2.1 Địa hình

Bạc Liêu có địa hình tương đối bằng phẳng, có xu hướng dốc từ bờ biển vào nội đồng, từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Đại bộ phận nằm ở độ cao khoảng 1,20 mét so với mặt nước biển, còn lại là những giồng cát và một số khu vực trũng, ngập nước quanh năm. Địa bàn tỉnh bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt, với những kênh lớn như Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh Cạnh Đền, kênh Phó Sinh, kênh Giá Rai.

3.1.2.2 Tài nguyên đất

Theo số liệu tính đến ngày 01/01/2012 của Tổng Cục Thống kê, diện tích đất sử dụng của toàn tỉnh Bạc Liêu là khoảng 246,90 nghìn hecta. Hằng năm, một phần lớn diện tích được bồi đắp lấn ra biển và một phần nhỏ diện tích bị sạt lở. Khu vực từ Gò Cát - huyện Đông Hải đến giáp ranh huyện Vĩnh Châu - tỉnh Sóc Trăng được bồi đắp nhiều nhất. Tốc độ lấn biển có năm lên tới 60 - 80 m. Hiện nay, vùng ven biển Bạc Liêu đã hình thành một bãi bồi rộng từ thành phố Bạc Liêu đến Gò Cát, huyện Đông Hải.

Hình 3.2 thể hiện diện tích nuôi tôm so với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2010 - 2012. Diện tích nuôi trồng thủy sản, năm 2012 là 123,74 nghìn hecta, chiếm phần lớn trong tổng diện tích đất đang sử dụng của tỉnh. Trong đó, diện tích nuôi tôm chiếm tỷ lệ lớn nhất so với diện tích nuôi trồng các loài thủy sản khác. Điều này phần nào cho thấy, nghề nuôi tôm đóng vai trò và vị trí quan trọng trong nền kinh tế thủy sản của địa phương.

Mặc dù, trong hai năm, 2010 và 2011, môi trường đất, nước bị ô nhiễm nặng, tôm nuôi chết hàng loạt, nhưng nhiều hộ đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường, dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả cao. Đó là nguyên do chính giải thích vì sao diện tích đất nuôi tôm của tỉnh năm 2010 đến 2011 tăng từ 120,75 nghìn hecta lên 122,88 nghìn hecta. Tuy nhiên, tình hình nuôi tôm trong năm 2012 không mấy khả quan, diện tích nuôi giảm còn 120,15 nghìn hecta, chỉ bằng 97,78% so với năm 2011. Nhiều người nuôi tôm cho biết do môi trường ao nuôi luôn biến động, dịch bệnh phát sinh nhiều, giá các loại nguyên liệu đầu vào luôn tăng, nhiều hộ không đủ vốn tiếp tục sản xuất nên đành bỏ đất hoang.

20

Nguồn: Niên giám thống kê năm 2012

Hình 3.2: Diện tích nuôi tôm so với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2010 - 2012

3.1.2.3 Tài nguyên biển

Theo thống kê ghi nhận tại trang thông tin điện tử tỉnh Bạc Liêu, tỉnh có đường bờ biển dài 56 km, từ xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu đến thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải với các cửa biển chính là Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng. Vùng biển rộng 40.000 km2, nằm trong khu vực bán đảo Cà Mau nối liền vịnh Thái Lan, tiếp giáp với vùng biển các nước Đông Nam Á, có vị trí quốc phòng quan trọng. Bờ biển có những bãi bồi rộng, hằng năm tiến dần ra biển với hàng nghìn hecta rừng phòng hộ. Thềm lục địa có tiềm năng kinh tế to lớn về dầu, khí tự nhiên. Biển Bạc Liêu có trữ lượng hải sản lớn, chủng loại phong phú với khoảng 661 loài cá với nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: cá hồng, cá gộc, cá sao, cá thu, cá chim,… Ước tính mỗi năm, tỉnh có thể khai thác khoảng 300 nghìn tấn. Bên cạnh đó, tôm biển có trên 30 loài và còn nhiều loài hải sản khác như mực, nghêu, sò huyết,…

21

3.1.2.4 Khí hậu và thủy văn

Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nằm ở vùng vĩ độ thấp nên khu vực ít chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới và không chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt từ hệ thống sông Cửu Long. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu, nhiều cơn bão đã quét qua địa bàn tỉnh, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Nhìn chung, khí hậu Bạc Liêu khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.

Chế độ thủy văn của tỉnh chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều biển Đông và một phần bán nhật triều biển Tây. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản, làm muối phát triển rừng ngập mặn ở phía Bắc quốc lộ 1A. Nguồn nước cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của tỉnh là nước mặt từ các con kênh dẫn nước ngọt từ sông Hậu về, phục vụ chủ yếu cho sinh hoạt và sản xuất ở khu vực phía Bắc quốc lộ 1A. Ngoài ra, nước ngầm cũng đóng vai trò khá quan trọng trong đời sống và sản xuất của các hộ dân, đặc biệt là khu vực thành phố Bạc Liêu và các huyện phía Nam quốc lộ 1A. Theo đánh giá của các nhà khoa học, Bạc Liêu có trữ lượng nước ngầm khá lớn. Hiện tại, tỉnh đang khai thác sử dụng ở độ sâu từ 80 đến 100 mét. Đây là tầng nước dễ bị nhiễm phèn, cần được quan tâm bảo vệ. Hiện tại, nguồn nước mặt và nước ngầm của tỉnh đang có nguy cơ bị ô nhiễm do nuôi trồng thủy sản và sử dụng quá mức hóa chất trong sản xuất nông nghiệp. Tỉnh cần sử dụng hợp lý các nguồn nước, hình thành các hệ thống cấp thoát nước và tránh để nước thải chưa xử lý lan ra gây ô nhiễm môi trường.

Một phần của tài liệu đánh giá tác động của bảo hiểm nông nghiệp đến thu nhập của hộ nuôi tôm ở tỉnh bạc liêu (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)